baokontum.com.vn
Ròng rã 2 năm liền, chỉ với 1 tay, cụ Ngô Đức Đệ đã dựng nên mô hình Nhà lao Kon Tum, góp phần xây dựng Nhà Truyền thống Ngục Kon Tum.
Rảo bước về phía Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum, ôm chặt bức ảnh của cha vào lòng ngực, bà Ngô Thị Việt Lan – con gái của cụ Ngô Đức Đệ lại nhớ da diết người cha kính yêu của mình. Nhìn từng góc nhỏ trong không gian Di tích, hình ảnh những ngày cha cặm cụi, một tay dựng nên mô hình Nhà lao Kon Tum để góp phần hoàn thành việc xây dựng Nhà Truyền thống Ngục Kon Tum lại ùa về trong tâm trí của bà.
Bà Lan vẫn nhớ rõ mồn một những năm đầu thập niên 80, trong căn nhà nhỏ, cha bà đã dày công suy nghĩ, tìm cách dựng mô hình Nhà lao Kon Tum. “Ròng rã 2 năm liền, chỉ với 1 cánh tay, cụ đã dựng nên mô hình Nhà lao Kon Tum một cách chi tiết nhất, chính xác nhất theo trí nhớ của cụ”- bà Lan kể.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười xem mô hình Nhà lao Kon Tum của cụ Ngô Đức Đệ. Ảnh: Tư liệu
Cụ Ngô Đức Đệ quê ở Hà Tĩnh, là đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng, sau đó là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tháng 6/1930, cụ là một trong những người tù chính trị đầu tiên bị giam giữ tại Nhà lao Kon Tum.
Ngày 25/9/1930, trong sự giam cầm của Thực dân Pháp, cụ Ngô Đức Đệ đã triệu tập một cuộc họp bí mật, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Kon Tum, lấy tên là “Chi bộ binh”. Ngọn lửa của tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng của cụ đã khơi nguồn, sáng soi, hướng dẫn anh em tù chính trị đấu tranh chống chế độ hà khắc, đàn áp, tra tấn dã man của thực dân Pháp, đỉnh điểm là Cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12/12/1931.
Quay lại câu chuyện của cụ Ngô Đức Đệ, trong quá trình bị giam cầm tại Nhà lao, cụ bị thực dân Pháp tra tấn tật một cánh tay. Hòa bình lặp lại, hình ảnh những ngày trong Nhà lao vẫn in sâu trong tâm trí của cụ. Dẫu bất tiện vì chỉ có một cánh tay, song cụ vẫn quyết tâm tái hiện Nhà lao Kon Tum qua mô hình bằng tất cả sự kiên trì.
Bà Lan kể rằng, để không bị quên các chi tiết, không gian trong Nhà lao, ban đầu, cụ đã ngồi tĩnh lặng, mường tượng lại toàn bộ không gian và vẽ ra trên giấy. Sau nhiều lần xem đi, xem lại, thấy bản vẽ thể hiện đầy đủ không gian của Nhà lao, cụ mới bắt tay vào làm mô hình.
Tre tranh không có, các vật dụng để dựng mô hình cũng khó kiếm, nhưng không bỏ cuộc, cụ nghĩ ra cách mua thước kẻ gỗ học sinh để lắp, dựng lại. Thuở ấy, keo dán cũng hiếm, cụ bèn nhờ một người bạn của mình mua keo gửi từ bên nước Đức về để thực hiện.
“Nhớ lại cảnh cụ mày mò, tìm cách làm rồi miệt mài dựng dựng, lắp lắp mà thấy thương. Tôi nhớ như in bóng dáng của cha khi làm. Cụ dùng một chiếc ghế nhỏ kê những chiếc thước kẻ lên bên trên, dùng một chân giữ và một tay cưa theo các số đo. Cụ làm miệt mài, cặm cụi đến quên cả ăn, ngủ. Nhiều lúc, cảm cúm, nước mắt nước mũi sụt sùi, cụ vẫn làm. Nhìn cách cụ kiên trì, miệt mài làm mới hiểu được cụ đã tâm huyết như thế nào”- bà Lan nhớ lại.
Bà Lan xúc động khi kể về cha của mình. Ảnh: HT
Theo lời kể của bà Lan, trong suốt quá trình làm, cụ chỉ nhờ cháu nội hỗ trợ chỉnh dán một số vị trí cho đúng, cho phù hợp, còn lại, tự tay cụ làm.
Lọ mọ cưa rồi lắp ghép, cụ còn tìm thêm các cành cây ghép với nhau, mô phỏng thật nhất mái nhà lao. Vừa tìm cách làm, cụ vừa xem các chi tiết có phù hợp không, có đúng với Nhà lao trong thực tế ngày xưa hay không. Nhiều chỗ lắp vô rồi nhưng thấy không đúng, cụ lại tháo ra, lắp lại.
Cứ thế, ròng rã từ ngày này qua ngày khác, suốt 2 năm liền, cụ kiên trì dựng hoàn chỉnh mô hình Nhà lao Kon Tum. “Ngày hoàn thành mô hình, cụ vui mừng, đi đi lại lại xung quanh mô hình rồi ngắm nghía. Khi thấy thật sự hài lòng, cụ mới gật gù, tâm đắc”- bà Lan nhớ lại.
Ngay khi làm xong, cụ Ngô Đức Đệ liền liên hệ để gửi mô hình vào trong Kon Tum. Bà Lan chia sẻ, khi các con, các cháu chưa kịp ngắm kĩ mô hình, cụ đã gửi vô Kon Tum rồi. Có lẽ cụ mong muốn mô hình mình làm sẽ giúp ích cho việc tôn tạo, bảo tồn địa chỉ đỏ.
Khi hoàn thành mô hình, cụ Ngô Đức Đệ lại tiếp tục bắt tay vào việc viết hồi ký. “Cả cuộc đời của cụ dành trọn cho cách mạng. Cho đến khi nằm xuống, cụ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Chúng tôi rất tự hào khi được làm con của cha. Và chúng tôi cũng cảm ơn vì chính cha đã dạy cho chúng tôi truyền thống yêu nước, tính kiên trung, kiên trì, bền bỉ” – bà Lan bộc bạch.
Một mẩu chuyện nhỏ nhưng đã phần nào thể hiện khí phách, tinh thần kiên trì của chiến sĩ cách mạng – cụ Ngô Đức Đệ. Người cộng sản kiên trung ấy đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Hoài Tiến
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/chuyen-ve-cu-ngo-duc-de-44550.html