antg.cand.com.vn
Trong ngôi làng biên giới
Chiều biên giới mênh mang, Đăk Răng vẫn mang trong mình sự thuần khiết của sắc màu nguồn cội. Chỉ cách trung tâm huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) chừng 15km về phía Bắc, làng Đăk Răng (xã Đăk Dục) có gần 120 hộ với 348 nhân khẩu, trong đó 99% dân số là người Giẻ Triêng sinh sống từ lâu đời. Tiếng cồng chiêng, hát xoang rộn rã cuốn hút đoàn khách lạ vào thăm.
Trong văn hóa của người Giẻ Triêng, âm nhạc luôn gắn liền với cuộc sống hàng ngày, trong những lúc lên nương, lên rẫy, hay trong những lễ như mừng lúa mới, đám cưới, tỏ tình và đón du khách phương xa. Già làng A Brôl Vẻ vui mừng đón những người khách lạ về làng mình như đón những đứa con của buôn làng đi xa lâu ngày trở lại, những tay bắt mặt mừng, những nụ cười nồng nã, những ánh mắt ấm áp thương yêu, và cả những câu hỏi, lời chào chân chất mà phóng khoáng.
Người Cao nguyên bao đời vẫn thế, họ chân chất như cây rừng, phóng khoáng như gió núi, thật thà như dòng suối chảy. Yêu là yêu, ghét thì sẽ ghét, cứ thế sinh ra và về với Yang trời, Yang đất mộc mạc như đất, như rừng.
Ngôi làng Giẻ Triêng ở miền biên giới vẫn gìn giữ được nét văn hóa độc đáo của cộng đồng mình.
Bao đời đã đi qua trên mảnh đất này, nơi nhiều nhánh sông con suối chảy qua gắn kết với địa hình đồi núi, rừng cây và nương rẫy, đã tạo con người ở đó kiên trung như đại ngàn Trường Sơn, ấm áp như lửa hồng. Những trai gái trong làng cần mẫn làm rượu cần, dệt thổ cẩm, chế tác các loại nhạc cụ độc đáo. Họ giữ cho làng mình các hoạt động văn hóa cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như lễ hội Cha chah (lễ ăn than), lễ ăn trâu.
Ở cái tuổi 77 của mình, già làng và cũng là Nghệ nhân ưu tú A Brôl Vẻ dẫu mái tóc đã bạc trắng theo thời gian mà đôi mắt ông vẫn tinh anh, đôi tay thoăn thoắt, giọng hát mượt mà. Già vẫn nhớ vanh vách những luật tục, những nét văn hóa cha ông ngàn đời. Thời trai trẻ xông pha đánh giặc, đến tuổi xế chiều, già A Brôl Vẻ thích làm du lịch, thích dạy cho bọn trẻ biết nhiều bài hát, điệu khèn, tiếng sáo, cồng chiêng… để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Giẻ Triêng. Đối với người dân địa phương, A Brôl Vẻ là già làng, là người được nhân dân vô cùng yêu mến và kính trọng, già nói gì bà con cũng nghe. Đối với du khách hay các nhà nghiên cứu văn hóa, già là cái tên được nhắc đến đầu tiên, là điểm đến đầu tiên khi họ đến địa phương này để tìm hiểu về văn hóa dân tộc Giẻ Triêng.
Dẫu cơn lốc văn minh và sự đô thị hóa tràn ngập các ngõ ngách cuộc sống, với tấp nập xe cộ, xập xình nhạc sống, nhưng đồng bào nơi đây vẫn giữ nếp cũ, không âm thanh, không “loa thùng” mà thành lập 2 đội nghệ nhân để giữ lại tiếng cồng, tiếng chiêng với những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển. Không có tiền, cả làng chắt chiu góp tiền, góp thóc mua bộ cồng chiêng để tiếng chiêng cồng vang xa. Những bộ chiêng cổ là “vật chứng sống” tượng trưng cho sự trường tồn của bản làng trước những thay đổi của nhịp sống mới. Hầu hết người trong làng hôm nay đều một lòng gìn giữ, nối truyền, đồng thời tiếp tục duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp.
Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng với những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Giẻ Triêng còn lưu giữ.
Sức sống từ văn hóa
Miền biên giới mênh mang này với những mái nhà san sát mọc hai bên, nhìn ra phía trước, mái nhà rông truyền thống sừng sững tạo cảm giác yên bình đến lạ. Làng Đăk Răng vẫn thu hút du khách bởi giữ trong mình những nét tinh túy văn hóa truyền thống của người Giẻ Triêng. Trong ngôi làng nhỏ bé với 120 hộ dân này, nhiều người tìm thấy sự yên bình từ những con người thật thà, chất phác, được đắm mình trong tiếng cồng chiêng của các đội nghệ nhân, được chiêm ngưỡng những nhạc cụ, trang phục truyền thống dưới mái nhà rông lợp tranh mát rượi, được thưởng thức những món ẩm thực truyền thống và được hòa mình trong tiếng dân ca Giẻ Triêng réo rắt.
Trên đường làng, trong trang phục truyền thống, trai đánh cồng chiêng, gái múa xoang, cả làng như vào hội. Tiếng cười nói râm ran trong tiếng cồng chiêng vang dội, mênh mang men rượu cần đậm đà. Nhắm miếng thịt, cá muối chua, ai nấy như say trong tình đoàn kết. Trong ngôi làng nhỏ bé, cứ một tháng 2 lần, đội nghệ nhân nam, nữ với khoảng 50 người trong sắc phục truyền thống cùng ôn lại những bài múa xoang, cồng chiêng và sáng tác thêm những điệu múa mới, dựa trên âm thanh vang vọng núi rừng.
Nhờ sự truyền lửa của các nghệ nhân, đội nghệ nhân già và đội nghệ nhân trẻ đều phát triển mạnh.
Ngày trước, già làng A Brol Vẻ và già Bloong Lê đã vận động bà con thành lập 2 đội nghệ nhân già và trẻ. Nhờ sự truyền lửa của các nghệ nhân, đến bây giờ 2 đội nghệ nhân phát triển mạnh. Già trẻ, gái trai cùng hăng say tập luyện, giao lưu văn hóa với các dân tộc khác ở trong và ngoài tỉnh. Người dân buôn làng Đăk Răng còn tham gia ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca dân vũ với nhiều quy mô khác nhau… Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cho dân tộc Giẻ Triêng.
Nghệ nhân ưu tú Blong Vẻ cười chấp chới những niềm vui khi kể về làng mình như thế. Một điều đặc biệt, là già A Brol Vẻ sử dụng và chế tác được 15 loại nhạc cụ khác nhau. Khách du lịch đến đây thấy già biểu diễn ai cũng mê, nể phục. Để giữ gìn bản sắc, già đã mở nhiều lớp dạy chế tác nhạc cụ, thổi sáo, đánh chiêng… cho thanh niên trong làng theo học. Già đã ba lần ra Hà Nội và một lần vào TP Hồ Chí Minh để biểu diễn trong các lễ hội lớn.
Có một điều đáng mừng vui, ấy là ở Đăk Răng này đi từ đầu đến cuối làng, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, cũng có những tấm thổ cẩm màu sắc. Dệt thổ cẩm có lẽ là niềm vui của nhiều phụ nữ Giẻ Triêng nơi này. Như bà Y Ngói, Y Giỏ, Y Pleor, Y Ngân… dù lớn tuổi nhưng ngày ngày vẫn miệt mài bên khung cửi, cọc cạch dệt từng tấm thổ cẩm để may trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình. Cũng nhờ vậy mà nơi đây, hầu như người nào cũng có ít nhất 1-2 bộ đồ truyền thống. Đến ngày hội, từ già, trẻ, gái trai đều khoe mình trong những bộ thổ cẩm rực rỡ.
Làng Đăk Răng hiện có khoảng 30 phụ nữ duy trì thường xuyên nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay, trong tổ có 2 nghệ nhân chính truyền dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ là nghệ nhân Y Ngân và Y Gió. Những năm gần đây, tổ nghệ nhân của làng đã truyền dạy được hơn chục người trẻ tuổi học và làm nghề dệt thổ cẩm. Ngoài hai nghệ nhân phụ trách chính, làng còn mời thêm một số nghệ nhân dệt thổ cẩm lớn tuổi, có tay nghề cùng đến để truyền dạy cho lớp thanh niên trong làng.
Nghệ nhân dân gian ưu tú, già làng A Brôl Vẻ vẫn tận tụy bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
Chỉ như vậy thôi, đã thấy được sự gìn giữ tinh túy trong văn hóa, du khách đến cũng cảm nhận được nét riêng biệt, sự lôi cuốn và ấn tượng. Để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, hiện nay, làng Đăk Răng đã thành lập tổ nghệ nhân do già Brôl Vẻ làm tổ trưởng, thu hút 30 thành viên tham gia gồm nghệ nhân cồng chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, tạc tượng, dệt thổ cẩm. Ngoài việc tham gia các sự kiện, lễ hội văn hóa do các cấp tổ chức, tổ nghệ nhân làng Đăk Răng còn đảm nhận nhiệm vụ truyền dạy văn hóa dân gian truyền thống của người Giẻ Triêng cho thế hệ trẻ trong làng.
Ngày 17/5/2024 vừa qua, UBND huyện Ngọc Hồi long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng, là điểm tham quan hấp dẫn với những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Giẻ Triêng còn lưu giữ đến ngày nay. Ngoài việc còn lưu giữ nhiều lễ hội cũng như nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Giẻ Triêng, làng Đăk Răng còn có Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Seang, sân bay Đăk Seang là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân những năm 1970 – 1975.
Điệu múa chào mừng khách tham quan của thiếu nữ Giẻ Triêng.
Ông Hiêng Lăng Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Dục chia sẻ, để phát triển du lịch có hiệu quả, một số hộ gia đình có điều kiện đã xây dựng mô hình homestay, tổ chức phục vụ, hướng dẫn du khách tham quan các hoạt động văn hóa tại làng. Chính quyền xã Đăk Dục cũng hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất, người dân địa phương xây dựng mô hình du lịch dịch vụ trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn phục vụ khách du lịch. Tiếp tục tập trung khai thác các thế mạnh về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm. Đồng thời cũng kiến nghị cấp trên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác du lịch.
Sắp đến mùa lúa mới, là mùa của lễ hội. Ngôi làng Giẻ Triêng ở miên biên giới này lại vang tiếng Tingning, tiếng sáo trong veo, tiếng đàn T’roan. Hay vẫn cọc cạch tiếng khung cửi của các chị, các mẹ. Đâu đó vọng lại tiếng cồng chiêng dội vào rừng cao su như lời mời người ở muôn phương ghé thăm làng.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 7 làng du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, Làng du lịch cộng đồng Kon Klor, Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri (Thành phố Kon Tum), Làng Du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring, Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông) và Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng (huyện Ngọc Hồi).
Nguồn bài viết:
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/mau-gie-trieng-o-bien-gioi-dak-rang-i752690/