Người Xơ Đăng thay đổi để vươn lên

5

baokontum.com.vn

Hiệu quả từ tuyên truyền, vận động nên đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã thay đổi nhận thức, nếp nghĩ cách làm, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tích cực lao động để nâng cao đời sống.

Từ phá rừng chuyển sang trồng rừng

Ngược dòng thời gian 20 năm về trước, do cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, hơn nữa đồng bào Xơ Đăng vẫn có thói quen sống du canh du cư nên những cánh rừng bị người dân chặt phá, phát đốt để làm rẫy, mở rộng sản xuất. Vì vậy, những cánh rừng cứ ngày càng mất dần, trở thành những đồi trọc, trơ trọi, ảnh hưởng đến môi trường và làm biến đổi khí hậu.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hiện nay, việc trồng rừng đã trở thành phong trào và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông. Bởi trải qua bao biến cố do bão lũ, người Xơ Đăng đã nhận thấy được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của chính họ.

Vì thế, mấy năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông trong công tác tuyên truyền, vận động nên bà con đã hiểu và nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, đặc biệt là đối với sự phát triển sâm Ngọc Linh-một loại dược liệu đặc hữu, là “Quốc bảo” được thiên nhiên ban tặng cho vùng núi Ngọc Linh nên bà con Xơ Đăng không chỉ không phá rừng mà còn tích cực tham gia trồng và nhận quản lý, bảo vệ rừng.

Đồng bào Xơ Đăng tích cực tham gia trồng rừng. Ảnh: P.N

 

Để chứng minh sự đổi thay ấy, đích thân Chủ tịch UBND xã Đăk Hà Dương Đăng Khoa dẫn chúng tôi đến thăm một mô hình điển hình của xã trong việc biến đồi núi trọc thành cánh rừng xanh mướt. Đó là trường hợp của ông A Hai (dân tộc Xơ Đăng, thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông). Sau khi leo qua mấy quả đồi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu vực trồng rừng của gia đình ông Hai. Hiện ra trước mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn khu rừng gáo vàng, cây hông cả chục héc ta. Theo ông A Hai, hơn 10ha đất rẫy canh tác đã bạc màu, hiệu quả kinh tế mang lại không cao và đặc biệt là sau những đợt mưa bão, đất lại đứng trước nguy cơ bị sạt lở, vì vậy, sau nhiều ngày suy nghĩ, năm 2018, ông đã quyết tâm chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng rừng. Cây rừng mà ông chọn trồng là cây gáo vàng, cây hông trồng hết toàn bộ hơn 10ha. Sau hơn 6 năm chăm sóc, diện tích rừng đã lên xanh. Đặc biệt, để có thêm thu nhập, ông A Hai kết hợp trồng cà phê, chăn nuôi thêm bò dưới tán rừng này.

Ông A Hai chia sẻ: Tôi thấy việc trồng rừng mang lại lợi ích rất lớn, rừng mang lại không khí trong lành. Cây rừng lớn, khép tán thì thảm thực vật, cỏ phía dưới rất tốt. Khi chăn thả bò thì đầy đủ thức ăn, nguồn phân bò thải ra thì giúp cho cây xanh tốt. Vài năm sau khi cây lớn thì có thể bán cây, còn nếu không bán thì tôi cũng có thể được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm.

Tương tự, chị Y Lời, thôn Mô Pah (xã Đăk Hà) cũng đã biến hơn 1 ha đồi trọc của gia đình thành cánh rừng thông xanh ngắt. Chị Lời cho biết: Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thì gia đình tôi đã đăng ký tham gia trồng rừng. Năm 2023, ngoài 1.200 cây thông giống được xã hỗ trợ, gia đình mua thêm 2.000 cây trồng với diện tích hơn 1ha. Sau 1 năm chăm sóc thì cây phát triển rất tốt. Trồng rừng trước tiên là chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường và sau này gia đình cũng có được nguồn thu nhập ổn định từ rừng.

Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Từ việc tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức rất nhiều. Hiện nay, đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn không chỉ không phá rừng và còn tích cực tham gia bảo vệ và trồng, mở rộng diện tích rừng. Vì thế, những đồi núi trọc trên địa bàn đã và đang được phủ xanh thành những cánh rừng tươi tốt.

Dám nghĩ, dám làm

Sự thay đổi của đồng bào Xơ Đăng rõ nét nhất là họ đã thay đổi nhận thức, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập và đời sống người dân cũng từng bước nâng lên. Hàng trăm người dân đã thoát khỏi cảnh nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.

Ông A Hải (ở thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng) là một trong những người tiên phong trong việc thay đổi nhận thức, dám nghĩ, dám làm để bứt phá, nâng cao đời sống. Từ năm 2010, ông A Hải đã mạnh dạn vay hàng chục triệu đồng để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây và từ hộ nghèo anh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả trong làng. A Hải cho biết: Gia đình tôi trước đây cũng khó khăn lắm, từ năm 2010 bắt tay vào trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây mà cuộc sống khá hơn, mỗi năm thu được cả trăm triệu đồng. Năm 2022 và 2023, tổng thu của gia đình đạt cả tỷ đồng, trong đó, đa phần liên quan đến trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây và buôn bán sản phẩm dược liệu. Gia đình tôi làm được nhà mới khang trang, mua được xe máy, ti vi đắt tiền.

163846Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20TMR%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c%20chuy%E1%BB%83n%20%C4%91%E1%BB%95i%20c%C3%A2y%20tr%E1%BB%93ng%20n%C3%A2ng%20cao%20thu%20nh%E1%BA%ADp

Người dân Tu Mơ Rông tích cực chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập. Ảnh: P. N

 

Khác với A Hải, dù đang là giáo viên nhưng với ước mơ và khát vọng vươn lên, Y Gia Nhi (28 tuổi, trú tại thôn Mô Bành, xã Đăk Na) đã xin nghỉ việc đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại nước Ả Rập Xê Út. Sau 2 năm lao động, đến năm 2022 cô trở về nước. Trở về quê hương, Y Gia Nhi nhận thấy ở mảnh đất mình có nhiều tiềm năng, thế mạnh về dược liệu mà bà con mới chỉ biết trồng trọt và bán thô nên chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, nhờ có chút vốn liếng, Y Gia Nhi xây dựng căn nhà và mở cửa hàng thu mua dược liệu cùng các sản vật của bà con trong xã để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho Đăk Na- nơi mảnh đất của quê hương Nhi đã sinh ra và lớn lên.

Theo Y Gia Nhi, cô nhận thấy vùng đất Đăk Na có rất nhiều thế mạnh về dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra được bà con trồng hoặc đi lấy từ rừng nhưng chỉ bán thô với giá thấp. Do đó, cô quyết định mở cửa hàng thu mua với giá cao hơn để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Sau khi thu mua, Y Gia Nhi tiến hành phơi khô, đóng gói để vừa làm tốt công tác bảo quản vừa nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương.

Không chỉ vậy, Y Gia Nhi còn đầu tư mua 150 cây sâm Ngọc Linh 3-4 tuổi để trồng trong khu rừng già ở Đăk Na. Y Gia Nhi cho biết: Hiện nay, 150 cây sâm Ngọc Linh đang phát triển tốt, mặc dù chưa cho thu nhập nhưng em tin rằng từ năm nay, cây sâm bắt đầu cho thu hoạch hạt cũng sẽ có được thêm nguồn vốn để tiếp tục mở rộng diện tích.

Y Gia Nhi chia sẻ: Em ước muốn sau này, khi có điều kiện sẽ đầu tư máy móc, thiết bị, tiến hành chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu để nâng cao giá trị cho các sản phẩm của địa phương, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho mình và cho bà con.  

163908%C4%91%E1%BB%93ng%20b%C3%A0o%20DTTS%20TMR%20tr%E1%BB%93ng%20s%C3%A2m%20ng%E1%BB%8Dc%20linh

Đồng bào DTTS Tu Mơ Rông trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.N

 

Tương tự như Y Gia Nhi, chàng trai trẻ A Linh (27 tuổi, thôn Lộc Bông, xã Ngọc Lây) là một trong những người trẻ ở làng Lộc Bông đã dám nghĩ, dám làm để vươn lên. Từ năm 2017, anh đã mạnh dạn vay hàng chục triệu đồng mua sâm Ngọc Linh giống của người bà con trong làng về trồng. Sau ba năm, cây sâm cho hạt giống, A Linh không vội bán kiếm lời mà lấy toàn bộ số hạt đó nhân giống mở rộng diện tích. Đến nay, sau 6 năm đầu tư trồng, A Linh đã sở hữu hơn 1.000 gốc sâm Ngọc Linh.

“Trồng sâm Ngọc Linh cũng rất vất vả, nhưng mình phải cố gắng, chịu khó để xây dựng cuộc sống ấm no hơn” – A Linh chia sẻ.

Sự thay đổi trong nhận thức của đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông hiện nay là điều đáng mừng. Tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng, đời sống của bà con đồng bào Xơ Đăng sẽ từng bước được nâng lên, cái nghèo được đẩy lùi, sự sung túc, giàu sang sẽ thay thế.

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nguoi-xo-dang-thay-doi-de-vuon-len-44471.html