Một sân chơi bổ ích

3

baokontum.com.vn

Với thông điệp “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”, Cuộc thi “Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai” năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã tạo nên một sân chơi bổ ích.

Chỉ sau 4 tuần phát động (bắt đầu từ ngày 1/9/2024), Cuộc thi “Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai” dành cho khối THCS đã thu hút được 6.148 video tham gia với 11.248 “phóng viên nhí” đến từ 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ban tổ chức đã tổ chức chấm và trao 72 giải, gồm 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 40 giải Khuyến khích, 10 giải phụ và 12 giải Nhất, Nhì của 4 tuần.

Tại tỉnh ta, Cuộc thi cũng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đơn vị trường học, các thầy cô giáo và các em học sinh. Theo đó, toàn tỉnh đã có 84 tác phẩm dự thi và thí sinh duy nhất đạt giải Khuyến khích là em Dương Hải Phong- học sinh lớp 7B7, Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Kon Tum.

1728461.Em%20D%C6%B0%C6%A1ng%20H%E1%BA%A3i%20Phong%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20ph%E1%BA%A7n%20d%E1%BA%ABn%20hi%E1%BB%87n%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20trong%20t%C3%A1c%20ph%E1%BA%A9m%20d%E1%BB%B1%20thi%20c%E1%BB%A7a%20m%C3%ACnh%20v%C3%A0%20nh%E1%BA%ADn%20gi%E1%BA%A3i%20Khuy%E1%BA%BFn%20kh%C3%ADch%20Cu%E1%BB%99c%20thi.%20(1)

Em Dương Hải Phong thực hiện phần dẫn hiện trường trong tác phẩm dự thi của mình và nhận giải Khuyến khích Cuộc thi. Ảnh: Y.T

 

Vào vai một phóng viên, được sự động viên và đồng hành của gia đình, Dương Hải Phong đã lên ý tưởng, viết kịch bản và quay dựng video để hoàn thiện tác phẩm dự thi của mình. Với việc lựa chọn đề tài sát với thực tế nơi mình sinh sống, truyền tải thông điệp lôi cuốn, video gần 2 phút tuyên truyền về kỹ năng ứng phó khi xảy ra động đất đã giúp em đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi.

Em Dương Hải Phong chia sẻ: Với chủ đề là phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, em đã nghĩ ra nhiều ý tưởng như phân loại rác thải, thu gom rác, trồng cây xanh, hay sạt lở đất, lũ lụt. Nhưng em thấy mấy năm gần đây, tỉnh Kon Tum thường xuyên xảy ra động đất. Nhiều người nhất là trẻ em, học sinh chưa có kỹ năng xử lý khi động đất xảy ra, điều này rất nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về tài sản, nên em đã nảy ra ý tưởng làm video hướng dẫn về kỹ năng ứng phó khi xảy ra động đất.

“Để hoàn thiện tác phẩm, em đã tập trung tìm kiếm tài liệu trên mạng, trong sách vở để củng cố thêm kiến thức; rồi viết lời dẫn, lời bình, bố cục hình ảnh. Em nhờ chị em quay video và nhờ một bạn hàng xóm diễn tình huống giả định. Khó khăn nhất với em trong quá trình thực hiện tác phẩm là dẫn hiện trường và dựng video vì em chưa làm bao giờ. Do đó, em đã nhờ ba, mẹ và chị hướng dẫn” – Dương Hải Phong chia sẻ thêm.

Ngoài ra, để thể hiện tác phẩm tốt nhất, Phong thường xuyên rèn luyện cách nói, thuyết trình trước ống kính. Đồng thời, em tham khảo ý kiến của thầy cô, ba mẹ trong lựa chọn thông tin, hình ảnh minh họa, nội dung thuyết trình. Từ đó, em tự tin thực hiện phóng sự theo cách của riêng mình.

1729352.H%E1%BB%8Dc%20sinh%20t%E1%BA%A1i%20c%C3%A1c%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20h%E1%BB%8Dc%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20nh%C3%A0%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20khuy%E1%BA%BFn%20kh%C3%ADch%20tham%20gia%20s%C3%A2n%20ch%C6%A1i%20%C3%BD%20ngh%C4%A9a%20v%C3%A0%20b%E1%BB%95%20%C3%ADch%20n%C3%A0y.

Học sinh tại các trường học được nhà trường khuyến khích tham gia sân chơi ý nghĩa và bổ ích này. Ảnh: YT

 

Tại Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Kon Tum, ngay sau khi cuộc thi được phát động, để thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh, nhà trường đã lồng ghép vào buổi sinh hoạt ngoại khóa, giảng giải cho các em hiểu rõ về chủ đề, ý nghĩa, nội dung cuộc thi, để các em thấy được tầm quan trọng, sự cấp bách của việc phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu hiện nay; từ đó mong muốn được tham gia đóng góp sức mình, chung tay cùng cộng đồng phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Do đó, nhà trường là một trong những đơn vị có số tác phẩm tham gia cuộc thi nhiều nhất của tỉnh với 20 tác phẩm.

Cô Ninh Thị Hằng – Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc cho biết: Cuộc thi rất ý nghĩa, thiết thực, bổ ích nên nhà trường đã khuyến khích, động viên, ủng hộ các em tham gia. Thông qua cuộc thi, chúng tôi nhận thấy học sinh đã biết vận dụng kiến thức từ các môn học, như địa lý, giáo dục địa phương vào tác phẩm. Các em cũng đã rèn luyện được khả năng giao tiếp mạnh dạn, tự tin, linh hoạt, năng động trong cuộc sống.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, tham gia cuộc thi hầu hết là những học sinh có năng khiếu, đam mê và yêu thích với công việc của phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình truyền hình. Các tác phẩm dự thi tuy là góc nhìn của trẻ em nhưng được đầu tư công phu, góp phần nâng cao hiểu biết, hành động của trẻ em và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai. Cuộc thi không chỉ mang lại kiến thức bổ ích, mà còn cho các em học sinh thêm kỹ năng làm việc nhóm, trải nghiệm với công việc của 1 phóng viên “nhí”.

Cuộc thi “Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai” đã tạo nên một sân chơi bổ ích, lý thú ngoài giờ học cho các em học sinh. Từ sân chơi này, các em có cơ hội tìm hiểu kiến thức, nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn trước thiên tai; đồng thời thể hiện bản thân, tiếng nói, góc nhìn, kêu gọi hành động thông qua các sáng kiến, giải pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong cuộc sống.       

YÊN THỦY


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/mot-san-choi-bo-ich-44485.html