“Đại tiệc” đa sắc màu văn hóa các dân tộc

3

baokontum.com.vn

Kon Tum những ngày cuối năm trở nên sôi động, rộn ràng với Lễ hội văn hóa đa sắc màu dân tộc. Gần 1.000 nghệ nhân tham gia Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 với những màn trình diễn ấn tượng, tôn vinh di sản văn hóa, để lại trong lòng công chúng và du khách những ấn tượng sâu đậm.

Giữa lòng thành phố Kon Tum, khuôn viên nhà rông Kon Klor rợp hàng cây xanh ngát, đậm chất Tây Nguyên, là nơi lý tưởng để các nghệ nhân tự do thể hiện các phần trình diễn với tất cả hứng khởi và say mê. Các nghệ nhân thỏa sức phô bày sự đa dạng của văn hóa truyền thống như: Tái hiện các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trình diễn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng; trình diễn cồng chiêng, xoang; hòa tấu nhạc cụ truyền thống, hát dân ca.

Ngoài ra, các nghệ nhân còn tham gia diễu hành Lễ hội đường phố; mang đến những đặc sản, ẩm thực đặc trưng, tiêu biểu của địa phương để giới thiệu, quảng bá tại Hội thi sáng tạo ẩm thực du lịch Kon Tum.

Đến với Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan cồng chiêng năm 2024, Đoàn huyện Tu Mơ Rông có hơn 60 nghệ nhân tham gia biểu diễn các hoạt động văn hóa như: Trình diễn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng; tái hiện lễ bắc máng nước của người Xơ Teng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng); giới thiệu nghi thức sinh hoạt truyền thống “Về miền Quốc bảo”; hòa tấu các nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng “Mừng nước về làng”, “Mừng chiến thắng”; trình diễn làn điệu dân ca “Anh gặp em trên rẫy”, “Nhớ mãi thác Siu Puông”.

181758C%C3%A1c%20%C4%91o%C3%A0n%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20%C4%91%C3%A3%20%C4%91em%20%C4%91%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BA%A1i%20ti%E1%BB%87c%20%C4%91a%20s%E1%BA%AFc%20m%C3%A0u%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20c%C3%A1c%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c.%20(%E1%BA%A2nh%20Nay%20S%C4%83t)

Các đoàn nghệ nhân đã đem đến đại tiệc đa sắc màu văn hóa các dân tộc. Ảnh: NS

 

Tại Hội thi trình diễn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng, Đoàn nghệ nhân huyện Tu Mơ Rông đã để lại ấn tượng đẹp cho Ban giám khảo và du khách tham dự. Các nghệ nhân như những “bác sĩ” lành nghề; với đôi bàn tay khéo léo và khả năng thẩm âm tốt họ hăng say “chữa bệnh” cho chiêng, đưa chúng trở về điệu âm thanh chuẩn, trầm bổng du dương. Phần thi tối đa 60 phút nhưng nghệ nhân của huyện đã xuất sắc hoàn thành bài thi sớm hơn quy định. Chưa dừng lại ở đó, sau khi hoàn tất việc chỉnh âm, đoàn nghệ nhân huyện Tu Mơ Rông đã biểu diễn một bài cồng chiêng truyền thống khiến người xem cũng phải lắc lư theo tiếng cồng chiêng, trống đôi giục giã, mê hoặc và điệu xoang nhẹ nhàng.

Nghệ nhân A Ngụ (Đoàn huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi tham gia sự kiện lớn của tỉnh và thi trình diễn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Phần thi chỉnh âm cồng chiêng là hoạt động rất ý nghĩa để nghệ nhân các DTTS tỉnh Kon Tum có thể học hỏi, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm chỉnh chiêng. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng nói chung và nghề chỉnh chiêng nói riêng.

Bên cạnh đó, Đoàn huyện Tu Mơ Rông còn mang đến Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan cồng chiêng một không gian sinh hoạt văn hóa độc đáo bằng việc tái hiện nghi lễ bắc máng nước (kneang tea) của người Xơ Teng.

Theo nghệ nhân A Luân (Đoàn huyện Tu Mơ Rông), tham gia phần tái hiện nghi lễ có 25 nghệ nhân của thôn Mô Bành I, II, xã Đăk Na. Lễ bắc máng nước thường diễn ra vào tháng 10-11 (dương lịch) và tháng 3 – 4 (dương lịch). Bắc máng nước được tổ chức để tạ ơn thần linh, cầu mong cho sông, suối dồi dào nguồn nước, giúp người dân mạnh khỏe, vật nuôi đầy đàn, mùa màng bội thu. Để làm nghi lễ,  trước tiên, già làng phải đi tìm nguồn nước. Sau đó, chặt cây săm lũ làm thanh ngang bắc qua nguồn nước, rồi đặt con ốc lên bên trái thanh ngang và khấn. Nếu con ốc bò sang bên phải là thần nước đồng ý cho dân làng sử dụng nguồn nước, ngược lại là không cho phép. Sau khi xác định được nguồn nước, dân làng sẽ làm lễ cúng để dẫn nước về dùng.

Cũng tại nhà rông Kon Klor, Đoàn nghệ nhân huyện Ngọc Hồi đã mang đến cho người dân và du khách trải nghiệm thú vị, cùng hòa mình vào những màn trình diễn cồng chiêng, xoang và bản hòa tấu nhạc cụ truyền thống, hát dân ca của cộng đồng người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y.

181831C%C3%A1c%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20nh%C3%AD%20tham%20gia%20tr%C3%ACnh%20di%E1%BB%85n%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng.%20(%E1%BA%A2nh%20Nay%20S%C4%83t)

Các nghệ nhân nhí tham gia trình diễn cồng chiêng. Ảnh: N.S

 

Nghệ nhân A Mưu (Đoàn huyện Ngọc Hồi) phấn khởi cho biết: Chúng tôi lần đầu tiên được trình diễn trong không gian nhộn nhịp, đông người qua lại thế này. Càng đông người xem, chúng tôi càng hăng say tấu lên những bài nhạc, đánh lên những nhịp chiêng thật vang, nhịp nhàng để mọi người biết đến, không chỉ là âm nhạc mà còn là văn hóa người Brâu hay như thế nào. Với sự kiện lần này, chúng tôi mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa, những phong tục truyền thống của người Brâu để giao lưu, học hỏi với các dân tộc khác.

Trong những buổi trình diễn, Đoàn huyện Ngọc Hồi có sự góp mặt của nghệ nhân đủ mọi lứa tuổi. Trong số đó, phần biểu diễn đầy nhiệt huyết của các nghệ nhân “nhí” trở thành tâm điểm, khiến người xem vô cùng thích thú. Đây chính là những người sẽ kế thừa tình yêu văn hóa dân tộc, giúp nó còn mãi với thời gian.

Em Hà Anh Tuấn (10 tuổi, dân tộc Brâu) – thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn huyện Ngọc Hồi – vui vẻ nói: Em được ông, bà trong đoàn tạo cơ hội đi trình diễn để học hỏi. Em cảm thấy rất vui vì được gặp nhiều người và được giới thiệu về văn hóa dân tộc”.

Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan cồng chiêng là hoạt động đa màu sắc văn hóa dân tộc. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc anh em gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc, địa phương mình, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất, con người Kon Tum.                

Nay Săt


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/dai-tiec-da-sac-mau-van-hoa-cac-dan-toc-44554.html