Gia đình mê âm nhạc truyền thống

285

11/08/2020 13:01

Nép mình bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, ngôi nhà ông A Nhum, bà Y Djer (làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) luôn rộn ràng tiếng đàn t’rưng, tiếng dân ca Ba Na. Những giai điệu âm nhạc truyền thống như liều thuốc tinh thần, giúp gia đình nhỏ thêm vui vẻ, hạnh phúc, yêu đời.

Nối duyên vợ chồng

“Vợ chồng mình đến với nhau nhờ những bài dân ca Ba Na và đàn t’rưng đấy” – chỉ về phía cây đàn t’rưng, ông A Nhum cười giòn, mở đầu câu chuyện.

Như bao thanh niên khác, từ 17-18 tuổi, ông Nhum thường xuyên đi làm và ở lại trên rẫy. Thời điểm ấy, rẫy của nhà ông và bà Djer cách rất xa. Chiều chiều, sau giờ làm, ông lại lấy đàn t’rưng do chính tay mình chế tác, vừa đàn vừa hát.

20200809155718danh bat ca tren song dak bla
Người dân làng Kon K’tu đánh bắt cá trên sông Đăk Bla. Ảnh: X.B

 

Tiếng đàn, tiếng hát dội vào núi, vang xa. Từ rẫy bên này, theo giai điệu dân ca ngân vang, trầm bổng, bà Y Djer cùng nhóm bạn tìm sang. “Vốn mê những giai điệu dân ca của dân tộc mình nên khi nghe thấy tiếng anh A Nhum hát, tim mình xốn xang, ưng trong bụng lắm nên mới tìm sang rẫy của anh. Đến nơi, thấy anh say đắm trong từng câu hát,  mình rất thích, bắt chuyện làm quen, khi thân rồi, mình và anh cùng hát. Tiếng đàn lời ca đã nối duyên cho mình và anh A Nhum nên nghĩa vợ chồng” – bà Djer cười hiền, kể lại.

Kể từ ngày ấy, dù đói hay no, mỗi sáng thức dậy, ngôi nhà nhỏ lại vang lên những điệu hát. Tiếng đàn, tiếng hát còn theo chân vợ chồng ông bà lên tận đồi xa, nơi có những rẫy lúa, rẫy bắp, xua tan mệt mỏi, căng thẳng, giúp ông bà có thêm niềm vui, thêm sức lực xây dựng đời sống ấm no.

Không chỉ hát những bài dân ca cổ do ông bà, bố mẹ truyền lại, trong những lúc cùng chồng ngồi thư giãn dưới bóng cây trên rẫy sau những giờ lao động mệt nhọc hay dưới ánh trăng trước nhà khi màn đêm buông xuống, bà Y Djer đã sáng tác một số bài hát theo làn điệu dân ca Ba Na. Còn ông A Nhum, mỗi ngày đều tranh thủ chế tác thêm đàn ting ning, t’rưng để phục vụ cho gia đình và những ngày hội làng. “Hồi đó cuộc sống còn khó khăn lắm, cũng nhờ tiếng t’rưng, điệu dân ca mà cuộc sống gia đình mình luôn vui vẻ. Ngày làm mệt, đêm về, bên bếp lửa hồng, vợ chồng lại đàn hát, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống” – ông A Nhum hồi tưởng.

20200809160044ong nhum ba djer nen duyen vo chong nho tieng dan to rung va dan ca ba na2
Ông Nhum, bà Djer nên duyên vợ chồng nhờ tiếng đàn t’rưng và dân ca Ba Na. Ảnh: H.T

 

Truyền tình yêu âm nhạc truyền thống

Yêu dân ca, yêu nhạc cụ truyền thống là thế, nhưng cũng có một thời, ông A Nhum lại mê tiếng guitar, piano, theo những bản nhạc sôi động mà “bỏ quên” việc chế tác các nhạc cụ truyền thống như đàn t’rưng, ting ning… cũng như các điệu dân ca của người Ba Na.

Nhưng rồi cũng có ngày ông chợt nhận ra, dẫu đàn, hát những bài sôi động nhưng cứ thiếu vắng thứ gì đó, lòng buồn rười rượi. Đêm vắt tay lên trán, nằm suy nghĩ, nhận ra việc tự tay làm đàn, tự hát những bản dân ca mới mang lại niềm vui trong tâm hồn. “Không thể để bản thân bỏ quên nguồn cội, mình quyết tâm quay lại chế tác nhạc cụ, cùng vợ và con đàn, hát dân ca” – ông A Nhum nhớ lại.

Nặng nợ với âm nhạc truyền thống, ông A Nhum rất kĩ càng trong việc làm nhạc cụ. Với đàn t’rưng, ông lựa chọn nứa và phơi cả tháng mới bắt đầu chế tác. Với đàn ting ning, ông cũng kỹ càng chọn ống nứa thật đẹp, thẳng rồi phơi khô. Trên phần đầu ống, ông cắm một số thanh tre nhỏ để mắc dây đàn, đây cũng chính là những chốt dùng để “lên dây” khi đàn cho âm thanh chuẩn hơn. Ông chọn nửa quả bầu khô tròn và dày gắn vào cuối ống trên thân đàn để thu thanh. Trước đây, ông sử dụng một loại dây rừng để làm dây đàn, tuy nhiên, hiện nay, loại dây rừng ấy rất hiếm nên ông làm dây đàn từ lõi của dây phanh xe đạp. “Vì làm quen rồi nên rất dễ dàng. Nếu có vật liệu sẵn sàng, khoảng 2 ngày mình có thể chế tác xong một cây đàn ting ning” – ông Nhum nói.

20200809155921con gai y ngoc khue danh dan vo chong ong nhum hat dan ca
Vợ chồng ông Nhum – Y Djer và con gái Y Ngọc Khuê đàn, hát dân ca. Ảnh: H.T

 

Không chỉ làm để phục vụ cho bản thân, gia đình, những lúc rảnh rỗi, ông còn chế tác đàn để bán cho những người muốn bảo tồn nhạc cụ truyền thống, các du khách nước ngoài. Đến bây giờ, ông không thể nhớ mình đã bán bao nhiêu cây đàn, chỉ biết rằng, mỗi lần có người tìm đến mua đàn, ông rất vui, không phải vì giá trị vật chất, mà vì âm nhạc truyền thống vẫn luôn được giữ gìn, bảo tồn.

Bên cạnh chế tác nhạc cụ, từ khi cô con gái Y Ngọc Khuê được 5 tuổi, ông A Nhum và bà Y Djer đã truyền dạy cho con cách đàn t’rưng, cách hát các bài dân ca. Theo sự chỉ dạy tận tình của ba mẹ, Y Ngọc Khuê nhanh chóng lĩnh hội và đánh tơ rưng rất hay. “Có lần con gái đánh đàn t’rưng và đạt giải nhất trong hội thi văn nghệ tại trường, vợ chồng mình tự hào lắm. Dù âm nhạc hiện đại rất đa dạng, phong phú nhưng nền âm nhạc truyền thống của người Ba Na vẫn mang sắc thái riêng, đặc sắc, rất hay và gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của đồng bào. Mình rất muốn các bạn trẻ yêu thích và giữ gìn âm nhạc truyền thống” – bà Y Djer bộc bạch.

Để bảo tồn âm nhạc truyền thống trong dòng chảy hiện đại, ngoài cô con gái, vợ chồng ông A Nhum, bà Y Djer còn hướng dẫn cho thanh niên, thiếu niên trong làng hát dân ca, đánh t’rưng và múa xoang. “Mỗi lần hướng dẫn cho các cháu múa xoang hay đánh đàn, vợ chồng mình đều rất vui mừng. Hiện nay, nhiều cháu đã biết đánh t’rưng, múa xoang rất dẻo. Có lần, với sự hướng dẫn của mình, các cháu ở Trường THCS Nguyễn Thái Bình đã đạt giải cao trong hội diễn văn nghệ, mình mừng lắm” – bà Y Djer tự hào kể.

Rời làng trở về, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh Y Ngọc Khuê đánh đàn t’rưng, vợ chồng ông A Nhum cùng đàn, hát dân ca Ba Na. “Này anh ơi, làng em gần bên chỗ núi, nếu anh muốn đến thăm, làng em gần bên dòng sông; em nhìn lên núi thấy đàn chim bay qua; nếu em xuống sông sẽ thấy ếch đang bơi, cá đang vẫy. Này anh ơi, đây mùa xuân đang đến gần, mùa đông nước cạn làm vui cho thỏa lòng mình. Em xuống cầu thang, em đang cầm đơm (xúc cá), em nhìn qua sông thấy anh đi kéo lưới…”. Giai điệu dân ca Ba Na do chính bà Y Djer sáng tác hòa với tiếng t’rưng nhịp nhàng, cuốn hút, bay bổng, vang vọng khắp làng.

HOÀI TIẾN

Đi tới nguồn bài viết