Vĩnh biệt trung tướng – anh hùng Khuất Duy Tiến

12

thanhnien.vn

Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến (nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1) không chỉ toát lên trí tuệ mà còn là phẩm chất, nhân cách cao quý của người cán bộ cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông vừa từ trần ngày 23.11, thọ 93 tuổi.

Đại đội trưởng tuổi 23

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 1.

Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến trở về thăm lại chiến trường xưa ở H.Sa Thầy, Kon Tum. Ảnh chụp tháng 5.2018

Sinh năm 1931 ở Đại Đồng (H.Thạch Thất, TP.Hà Nội), năm 1943, ông bắt đầu tham gia Việt Minh. Cách Mạng Tháng Tám nổ ra, ông phụ trách công tác thiếu nhi trong xã, tích cực tham gia tuyên truyền cổ động. Kháng chiến toàn quốc, ông làm nhiệm vụ nắm tình hình, phục vụ công tác diệt ác trừ gian ở địa phương.

Cuối 1949, ông bị đich bắt và giam ở Hỏa Lò. Giữa năm 1950, ông vượt ngục và đầu tháng 9.1950 nhập ngũ vào Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 (nay là Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3), liên tục chiến đấu ở đồng bằng Bắc bộ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông là Đại đội trưởng Đại đội 28, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 tiếp quản “khu tập kết 300 ngày” ở TP. Hải Phòng.

Tháng 5.1956, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1 và tháng 5.1958 ra trường, là 1 trong 5 học viên đạt điểm cao nhất khóa.

Tháng 12.1958, ông được phong quân hàm thượng úy, làm giáo viên chiến thuật Trường quân chính Quân khu 3 đến tháng 7.1962 được cử đi học khóa 1 trung cao quân sự. Tháng 7.1965, ông hoàn thành khóa học, về làm trợ lý huấn luyện thuộc Bộ Tham mưu Quân khu 3, chuyên theo dõi các đơn vị đi B.

“Vợ chồng tôi yêu nhau từ năm 1955, đến ngày 6.1.1958 thì cưới. Ngày cưới, tôi mặc quân phục, bà ấy mặc áo cán bộ thoát ly. Hôm cưới, mẹ tôi nhường buồng làm phòng tân hôn. Cưới hôm trước, hôm sau tôi phải về ngay đơn vị.

Chúng tôi sinh 6 người con, nhưng 2 cháu Khuất Sơn Hải và Khuất Hải Yến mất khi lên 5 tuổi và 17 tuổi, vì bệnh hiểm nghèo. Còn lại 4 người con. Các cháu học hành đến nơi đến chốn, trưởng thành trên các cương vị công tác của mình.

Suốt những năm chiến tranh, vợ tôi Vũ Thị Hồng Vân một mình, một bóng một đèn, thắt lưng buộc bụng nuôi dạy con khôn lớn nên người. Bà ấy chăm lo cha mẹ, khuôn xếp gia đình nội ngoại trong ấm ngoài êm, để tôi yên tâm phục vụ Đảng, nhân dân, phục vụ quân đội. Cuộc đời và sự nghiệp của tôi, hạnh phúc gia đình tôi, bà ấy là người vun trồng xây đắp. Ân nghĩa vợ chồng nói sao cho hết”…

Trung tướng – anh hùng Khuất Duy Tiến

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 2.

Tấm hình chụp sau ngày cưới của vợ chồng ông bà Khuất Duy Tiến – Vũ Thị Hồng Vân, năm 1958

Từ Quảng Trị vào Tây nguyên

Tháng 9.1967, đại úy Khuất Duy Tiên xung phong vào miền Nam chiến đấu và được cử làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320), vào Quảng Trị, tham gia chiến dịch tiến công địch ở đường 9 – Khe Sanh từ đầu năm 1968.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 3.

Thiếu tá Khuất Duy Tiến (bìa trái), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 và Ban chỉ huy Trung đoàn 64 bàn phương án chiến đấu trong chiến dịch đường 9 – Nam Lào, năm 1971

Tháng 11.1970, thiếu tá Khuất Duy Tiến nhận quyết định làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch đường 9 – Nam Lào và đã có những quyết định táo bạo trong tổ chức lực lượng, làm thay đổi cục diện trận đánh, tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 VNCH ở điểm cao 456 (còn gọi là cứ điểm 31), phá tan tuyến phòng thủ phía tây bắc và sau đó đập tan cụm cứ điểm Bản Đông. Chiến thắng này là dấu chấm hết cho chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 4.

Thiếu tá – trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến (bìa trái) và các cán bộ gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau chiến thắng đường 9 – Nam Lào

Tháng 12.1971, Sư đoàn 320 hành quân vào chiến trường Tây nguyên, tham gia chiến dịch Xuân – Hè 1972. Tháng 4.1972, ông chỉ huy Trung đoàn 64 và lực lượng phối thuộc kiên cường tấn công, tiêu diệt Tiểu đoàn 11 của Lữ đoàn dù 3 VNCH, làm chủ điểm cao 1015 (Charlie), chọc thủng phòng tuyến sông Pô Cô, mở cửa tây mặt trận Tây nguyên, tạo điều kiện giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 5.

Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến (thứ 2 từ phải qua) ở chiến trường Quảng Trị

Đầu tháng 7.1972, ông chỉ huy đơn vị tham gia “chiến dịch đánh địch mở dân” trên mặt trận đường 19 tây. Sau gần 1 tháng vây ép, quân ta đã giải phóng khu vực Đức Cơ – Chư Bồ, san phẳng cái gọi là “căn cứ biên phòng tin cậy” và đến cuối tháng 1.1973, làm chủ cả vùng rộng lớn dài 30 km từ Đức Cơ đến Làng Dịt.

Khi hiệp định Paris ký kết, Đức Cơ là vùng giải phóng của ta và là nơi phái đoàn quân sự 4 bên đặt cơ quan đại diện để kiểm soát khu vực cửa khẩu.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 6.

Thiếu tá Khuất Duy Tiến (hàng giữa, thứ 3 từ phải qua) và các cán bộ dự hội nghị tổng kết chiến dịch đường 9 – Nam Lào, năm 1971

Tác giả chiến dịch nghi binh Buôn Mê Thuột

Cuối tháng 9.1973, Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến được điều về làm trưởng phòng tác chiến của mặt trận Tây nguyên. Trong chiến dịch Tây nguyên, ông là tác giả của phương án nghi binh, khiến đối phương tưởng ta đánh Kon Tum và Pleiku (Gia Lai) nên dồn quân về đó, không phòng thủ thị xã Buôn Ma Thuột…

Rạng sáng 10.3.1975, quân ta tấn công Buôn Mê Thuột và nhanh chóng làm chủ các mục tiêu. Ngày 18.3.1975, sau khi đánh bại cuộc phản kích của quân lực VNCH, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 7.

Trung tá Khuất Duy Tiến (bìa phải), Trưởng phòng tác chiến mặt trận Tây nguyên đứng cạnh đại tướng Văn Tiến Dũng ở Sở Chỉ huy Tây nguyên, tháng 2.1975

Cuối tháng 3.1975, Quân đoàn 3 được thành lập với 3 sư đoàn bộ binh (10, 320, 316) và các đơn vị binh chủng. Ông Khuất Duy Tiến nhận trọng trách Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn 3 và được phong quân hàm thượng tá.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, thượng tá Khuất Duy Tiến đốc chiến các đơn vị tiến công căn cứ Đồng Dù, chi khu Trảng Bàng, trại Quang Trung… đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của VNCH ở hướng tây bắc, mở cửa vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân lực VNCH, lúc 11 giờ 30 ngày 30.4.1975.

Bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đuổi Polpot

Sau ngày thống nhất, thượng tá Khuất Duy Tiến làm Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 (đóng quân ở thị xã Thủ Dầu Một). Tháng 10.1977, Quân đoàn 3 lên biên giới Tây Ninh đánh trả quân Polpot, ông được đưa trở về Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn 3 để xây dựng phương án chiến đấu. 

Tháng 2.1978, thượng tá Khuất Duy Tiến làm Phó sư đoàn trưởng 320 và tháng 3.1978, được cử ra Hà Nội học bổ túc ở Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 8.

Đại tá Khuất Duy Tiến (bìa trái), Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 trình bày phương án tác chiến với Tư lệnh Nguyễn Quốc Thước (giữa) và Chính ủy Hà Quốc Toản, năm 1982

Mới nhập học được gần 3 tháng, thiếu tướng Kim Tuấn (Tư lệnh Quân đoàn 3) ra Hà Nội tìm ông: “Sư đoàn 320 sau khi cậu đi học, chiến đấu khó khăn, đã thương vong gần 2.000 người. Tôi đã báo cáo cấp trên xin cậu ngừng học, về làm sư đoàn trưởng”. Ông Tiến trả lời: “Chiến đấu là nhiệm vụ cần kíp. Đánh xong tôi đi học cũng được”, và ông ngay lập tức vào Tây Ninh nhận nhiệm vụ mới.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 9.

Thăm lại đồng bào Tây nguyên, năm 2018

Sau vài ngày thực tế, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến khẳng định: “Bộ đội ta chiến đấu rất kiên cường dũng cảm, nhưng chưa kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự và tiến công. Nhiều phân đội còn phòng ngự thụ động, chờ địch đến…”.

Khi mở hội nghị rút kinh nghiệm, ông kết luận: “Dùng lực lượng nhỏ lẻ luồn sau lưng địch, thực hành tập kích bất ngờ”. Từ đây, phương thức tác chiến mới đã được các đơn vị thực hiện trong giai đoạn phòng ngự, đạt hiệu suất chiến đấu cao, buộc địch phải co về phòng thủ, không dám mò sang g i ế t hại người dân Tân Biên (Tây Ninh).

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 10.

Thiếu tướng Khuất Duy Tiến (trái), năm 1985

Tháng 8.1978, Sư đoàn 320 tiến công địch, mở rộng địa bàn và hành lang liên kết với lực lượng nổi dậy của bạn, đưa hàng vạn người dân ra vùng căn cứ. Trong chiến dịch mùa khô 1978, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến chỉ huy lực lượng hành tiến thọc sâu, đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia), chỉ trong 1 ngày (cấp trên cho 3 ngày) đã diệt gọn sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot ở Krong Suong (tỉnh Tboung Khmum).

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 11.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Khuất Duy Tiến, năm 1995

Trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh đầu tháng 1.1979, Sư đoàn 320 đã kiên cường vượt sông Mê Kông dưới mưa đạn, tấn công làm chủ thị xã Kampong Cham, mở cửa cho Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Phnom Penh. 11 giờ 30 ngày 7.1.1979, khi nghe tin thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đứng lặng bên dòng Mê Kông thấm máu bộ đội. 

“Hơn 2 năm đánh Polpot, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 320 đã anh dũng hy sinh”.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 12.

Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến (thứ ba từ trái sang) tại Quảng Trị, năm 1971

Sau ngày giải phóng Phnom Penh, sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến lại chỉ huy đơn vị tiêu diệt các mục tiêu, giải phóng Tà Keo, khai thông tuyến đường 3 Phnom Penh – Tà Keo và đánh vào sào huyệt quân khu Tây Nam của Polpot, giải phóng nhân dân Khmer bị giam giữ, xây dựng chính quyền giúp bạn.

Đánh trả quân xâm lược, giữ núi đồi Vị Xuyên

Cuối tháng 7.1979, Quân đoàn 3 về nước và hành quân ra Thái Nguyên làm lực lượng cơ động của Bộ. Đại tá Khuất Duy Tiến nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn và 5 tháng sau (12.1979) làm Phó tư lệnh Quân đoàn 3.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 13.

Trung tướng Khuất Duy Tiến (phải) cùng thượng tướng Đào Đình Luyện (khi đó là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) trên máy bay trực thăng đi kiểm tra công tác xây dựng lực lượng ở các tỉnh phía nam, năm 1990

Tháng 12.1983, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Quân đoàn 3 và tháng 4.1984 nhận quân hàm thiếu tướng. Từ đầu 1985, khi Sư đoàn 31 của Quân đoàn 3 được tăng cường cho mặt trận Hà Giang, thiếu tướng Khuất Duy Tiến đã lên Vị Xuyên, đến từng căn hầm, đoạn hào với bộ đội. 

Từ thực tế chiến trường, ông chỉ đạo làm đường chui, cải tạo các hang đá, hốc núi thành kho trạm, hầm trú ẩn và xây dựng hầm bê tông trên các điểm tựa. Nhờ hệ thống phòng ngự vững chắc, Sư đoàn 31 đã đẩy lùi các đợt tiến công lớn của lính Trung Quốc, cho đến khi thay quân.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 14.

Tướng Khuất Duy Tiến (thứ 2 từ phải qua) cùng các cựu chiến binh chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi, năm 2000

Cuối tháng 2.1989, sau khi đã chỉ huy Quân đoàn 3 hoàn thành cuộc hành quân lịch sử, di chuyển từ miền Bắc vào Tây nguyên, thiếu tướng Khuất Duy Tiến nhận quyết định Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 15.

Thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã nằm xuống mảnh đất Tây nguyên

Tháng 2.1990, tướng Khuất Duy Tiến nhận quân hàm trung tướng và tháng 3.1994 giữ chức trách Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn). Tháng 7.1997, trung tướng Khuất Duy Tiến có quyết định nghỉ hưu.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 16.

Trở lại chiến trường xưa, Tây nguyên vào năm 2000

Ngày 30.10.2013, trung tướng Khuất Duy Tiến được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 10.2023, ông là 1 trong 10 người được TP.Hà Nội chọn và trao tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú năm 2023.

Tiền tiết kiệm để xây nhà bia ghi danh liệt sĩ

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 17.

Trung tướng – anh hùng Khuất Duy Tiến và các cựu chiến binh Sư đoàn 320 tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Kon Tum

Năm 1989, thiếu tướng Khuất Duy Tiến (Tư lệnh Quân đoàn 3) về nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân lực của Bộ Tổng tham mưu. 

Thời điểm này, anh cả Khuất Việt Dũng (sau là Trung tướng – Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, hiện đã nghỉ hưu và đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) và chị Khuất Thu Hồng (nay là tiến sĩ tâm lý học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội – ISDS) đã đi làm. 

Ông bà chỉ phải nuôi con gái Khuất Thị Hải Oanh (nay là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng – SCDI) đang học năm thứ 2 đại học và cậu út Khuất Việt Hùng (nay là Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải) đang học lớp 10. 

Là thiếu tướng – tư lệnh nhưng chỉ trông vào đồng lương rất eo hẹp, nên bà Vũ Thị Hồng Vân, vợ ông, vẫn phải nấu xôi bán sáng, nuôi lợn và các con hằng ngày đi xin nước vo gạo, cơm thừa, lấy cây chuối và rau nuôi lợn.

Vĩnh biệt trung tướng - anh hùng Khuất Duy Tiến- Ảnh 18.

Đại diện cán bộ và nhân dân các dân tộc H.Sa Thầy (Kon Tum) ra Hà Nội viếng trung tướng – anh hùng Khuất Duy Tiến, ngày 24.11.2024

Cuối năm 2017, Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) tổ chức đóng góp kinh phí, tham gia ngày công xây dựng công trình nhà bia di tích lịch sử tại điểm cao 1015 (Charlie) và 1059 (Delta) thuộc địa bàn 2 xã Rờ Kơi và Hơ Moong của H.Sa Thầy, Kon Tum.

Trung tướng Khuất Duy Tiến đã bàn với gia đình, rút 750 triệu đồng (tiền tiết kiệm của 2 ông bà) góp xây 2 nhà bia di tích trên điểm cao 1015, 1049.

Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến từ trần vào hồi 16 giờ 10 ngày 23.11.2024. 

Lễ viếng tổ chức vào hồi 7 giờ ngày 26.11.2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội). 

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10 giờ 30 ngày 26.11.2024. 

An táng tại nghĩa trang nhân dân xã Đại Đồng, H.Thạch Thất, TP.Hà Nội.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/vinh-biet-trung-tuong-anh-hung-khuat-duy-tien-1852411242127477.htm