baotintuc.vn
Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương hỗ trợ người dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trồng cây có giá trị vào các diện tích đất trống, vườn tạp.
Thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà có 158 hộ với gần 1.050 nhân khẩu. Những năm qua, kinh tế của thôn vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp với cây trồng chính là cà phê. Tuy nhiên, do bận làm nương, rẫy, không ít hộ gia đình đã quên đi việc chăm sóc vườn cây quanh nhà. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường, gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.
Anh A Nguyên – Bí thư Chi bộ thôn Đăk Mút cho biết, thấm nhuần lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho bà con thôn Đăk Mút trong chuyến thăm tỉnh Kon Tum năm 2011 là phải cải tạo vườn tạp, tránh để cỏ dại, cây cối um tùm, A Nguyên đã thành lập Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế. Bên cạnh hỗ trợ nhau trong công tác phát triển kinh tế hộ gia đình, các thành viên Câu lạc bộ rất tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn phát quang vườn tạp để cải tạo, trồng các loại cây có giá trị kinh tế như sầu riêng, cà phê. Nhờ đó, đến nay, toàn thôn Đăk Mút đã không còn hộ dân nào để vườn tạp, tất cả đã được cải tạo, với tổng diện tích cải tạo hơn 10 ha.
Ông Lê Xuân Hưng – Bí thư Đảng ủy xã Đăk Mar đánh giá, việc tuyên truyền, vận động cải tạo vườn tạp rất có ý nghĩa trong thay đổi tư duy của người dân. Nhờ đó, họ đã có được một khoản thu nhập từ chính khu vườn quanh nhà, thay đổi cảnh quan, hạn chế được các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết.
Huyện Sa Thầy là một trong những địa phương làm tốt việc cải tạo vườn tạp. Đến nay, toàn bộ gần 760 ha vườn tạp của huyện đã được cải tạo. Để tạo sự thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cải tạo vườn tạp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Đề án số 07-ĐA/HU ngày 25/10/2021 của về cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Sa Thầy giai đoạn 2021-2025.
Cùng đó, huyện Sa Thầy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, từ rà soát, xác định diện tích cần cải tạo đến nhu cầu cải tạo của người dân. Từ đó, có giải pháp căn cơ, cụ thể, đi vào thực tế, giúp cải tạo vườn tạp diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Từ diện tích vườn tạp được dọn dẹp, cải tạo lại, người dân đã trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng đạt hơn 533 ha, cây mắc ca gần 105 ha và cây khác gần 60 ha.
Người dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trồng cây có giá trị vào các diện tích đất trống, vườn tạp.
Điểm đặc biệt tại huyện Sa Thầy là Ban Thường vụ Huyện ủy đã trực tiếp đóng góp, vận động được hơn 1,15 tỷ đồng, cùng với nguồn ngân sách từ khuyến nông, các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ gần 7,6 tỷ đồng cho người dân mua cây giống về cải tạo vườn tạp. Chính điều này đã tạo nên động lực cho người dân, giúp việc cải tạo vườn tạp diễn ra nhanh chóng.
Tại thành phố Kon Tum có hơn 170 ha diện tích vườn tạp cần được cải tạo. Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng thành phố Kon Tum cho biết, qua rà soát, đến nay đã cải tạo được hơn 47 ha. Các đơn vị phụ trách thôn, làng phối hợp với cấp ủy cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc bà con để vườn tạp. Qua đó, nắm bắt được tâm lý người dân để tuyên truyền, vận động họ thực hiện cải tạo, đưa một số giống cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, dừa… vào trồng tại các vườn tạp.
Bà Y Hằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết, tổng diện tích cần cải tạo trên địa bàn là trên 3.110 ha của 27.400 hộ (hơn 5.800 hộ người kinh và gần 21.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Đến cuối tháng 10/2024, diện tích đã cải tạo được 2.200,80 ha của 13.000 hộ; diện tích chưa cải tạo là 913,93 ha của 14.400 hộ dự kiến sẽ được thực hiện cải tạo từ nay đến cuối năm 2024.
Cơ cấu cây trồng phục vụ cho việc cải tạo chủ yếu là sầu riêng, bơ, xoài, dứa, cây có múi, mắc ca, cà phê xứ lạnh cùng các loại rau, củ, quả,… Tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương để cải tạo cho phù hợp; trong đó, huyện Sa Thầy là địa phương tổ chức thực hiện rất tốt, từ việc lập Đề án đến tổ chức thực hiện và đạt được kết quả nổi bật như tổng diện tích cải tạo vườn tạp đến thời điểm hiện nay đạt gần 760 ha, gấp gần 11 lần so với kế hoạch năm 2024 là 70 ha.
Theo bà Y Hằng, việc cải tạo vườn tạp đã được sự đồng tình hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, giúp các hộ gia đình được tiếp cận các loại giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, cải thiện dinh dưỡng hàng ngày, nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm bố trí để hỗ trợ cải tạo vườn tạp. Nổi bật là huyện Đăk Hà, từ Chương trình khuyến nông huyện hỗ trợ cho 8 xã với hơn 12.500 cây ăn quả các loại trồng trên 89,23 ha; huyện Ngọc Hồi hỗ trợ xấp xỉ 400 triệu đồng để cải tạo vườn tạo; huyện Sa Thầy đã hỗ trợ gần 12,6 tỷ đồng từ nguồn khuyến nông, các chương trình mục tiêu quốc gia, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện chương trình.
Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương cần phát huy vai trò hơn nữa của tổ chức chính trị, xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở để tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc cải tạo vườn tạp; tổ chức phát động phong trào cải tạo vườn tạp, “nhà sạch vườn đẹp”, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới; thực hiện dọn dẹp, sắp xếp lại hợp lý, khoa học, hợp vệ sinh.
Đồng thời, khuyến khích hộ gia đình vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện để đầu tư nâng cấp, tu sửa những công trình hiện có, bố trí lại nhưng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập từ kinh tế vườn.