Cụ thể, bắt đầu từ tháng 1.2025, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (thuộc địa phận 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) không thể tiếp tục giao khoán 13.000 ha rừng cho 16 cộng đồng bảo vệ do vướng Thông tư số 22 ngày 11.12.2024 của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ NN-MT). Theo quy định tại khoản 2, điều 19 của thông tư này, rừng đặc dụng không phải đối tượng rừng giao khoán theo chương trình mục tiêu quốc gia.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích hơn 56.000 ha với hệ động, thực vật rừng phong phú, đa dạng
Không còn được nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, đồng nghĩa với việc người dân không còn trách nhiệm tuần tra, quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông A Grửi (ở làng Rắc, xã Ya Xiêr, H.Sa Thầy) cho biết những năm trước, 30 hộ trong làng được giao khoán quản lý, bảo vệ 875 ha rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Cả làng chia ra làm 7 tổ, mỗi ngày 1 tổ sẽ đi tuần tra, quản lý bảo vệ rừng cùng với cán bộ vườn quốc gia. Tuy nhiên từ đầu năm 2025 đến nay, dân làng Rắc không còn tham gia tuần tra, bảo vệ rừng nữa.
“Chúng tôi sinh ra, lớn lên đã gắn bó với rừng, thấy rừng đứng trước nguy cơ cháy cao người dân cũng lo lắng. Chúng tôi đã kêu gọi các hộ tiếp tục tham gia bảo vệ rừng nhưng bà con không tham gia nữa. Người dân cho rằng khi không còn giao khoán thì cũng chẳng có trách nhiệm gì trong việc đi tuần tra, bảo vệ rừng”, ông A Grửi nói.
13.000 ha rừng không được giao khoán cho cộng đồng quản lý bảo vệ, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác giữ rừng rất ít nên Vườn quốc gia Chư Mom Ray đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, địa bàn tỉnh Kon Tum đang vào mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Ông Nguyễn Đức Duy, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, cho hay hiện nay trạm đang quản lý 3.000 ha rừng nhưng chỉ có 4 cán bộ, nhân viên. Do rừng không còn sự bảo vệ, chăm sóc của cộng đồng nên công việc của các cán bộ, nhân viên trong trạm gặp nhiều áp lực, thách thức.
“Hiện nay đang là mùa khô nên anh em phải trực 24/24, nguy cơ xảy ra cháy rất cao, nếu xảy ra cháy mà với lực lượng ít như hiện nay thì không thể xử lý kịp thời”, ông Duy lo lắng.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích hơn 56.000 ha với hệ thực vật rừng phong phú, đa dạng về số loài và trạng thái với khoảng 1.534 loài. Trong đó có 113 loài quý hiếm thuộc họ phong lan, ngành hạt trần, các loài họ dầu, lớp tuế, kim giao, thông tre… Hệ động vật có 718 loài với 115 loài động vật có vú, 275 loài chim, 41 loài bò sát, lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 179 loài côn trùng. Trong đó, 124 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ VN và thế giới như vượn đen má hung, bò tót, hổ Đông Dương…
Với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số loài, trạng thái, Vườn quốc gia Chư Mom Ray được đánh giá là một trong những vườn quốc gia lớn nhất của VN.
Thực trạng 13.000 ha rừng không được tiếp tục giao khoán, quản lý, bảo vệ đã khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray gặp nhiều khó khăn khi không còn sự chung tay của cộng đồng sống gần rừng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, cho biết Thông tư số 22 hướng dẫn chi tiết về thực hiện các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có hoạt động khoán bảo vệ rừng. Theo thông tư này, rừng đặc dụng bị điều chỉnh không phải là đối tượng rừng giao khoán theo Chương trình mục tiêu quốc gia nữa. Hiện Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Kon Tum giao cho các sở, ngành chuyên môn tham vấn ý kiến của các cơ quan T.Ư, song vẫn chưa xử lý được vấn đề này.
“Chúng tôi cũng rất mong là các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm điều chỉnh làm sao hướng về người dân, hướng về cộng đồng. Thông qua mô hình giao khoán, thu nhập của người dân được nâng cao. Ngoài ra thông qua việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng”, ông Thủy nói.