Kỳ vọng những đổi mới để ‘tiếp sức’ cho nhà giáo

6

baotintuc.vn

Nhân dịp 20.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chưa bao giờ tầng lớp trí thức, các nhà giáo, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo lại được những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước coi trọng, đề cao và đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu như hiện nay. Những nhà giáo, dù ở bất cứ vị trí nào cũng kỳ vọng đổi mới gắn với thực tiễn để tiếp thêm “lửa nghề” để yên tâm công tác.

tit1

Cô giáo Hoàng Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là một trong trong 251 giáo viên tiêu biểu được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh trong dịp 20.11 năm nay. 

Một trong những thành tích nổi bật của cô Trang là sáng kiến cải tiến phương pháp tính khẩu phần ăn cho trẻ tại trường mầm non. Sáng kiến này được nhân rộng ra tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện Hiệp Hòa và các huyện lân cận của tỉnh Cao Bằng.

huyen trang
Cô giáo Hoàng Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Cô giáo Huyền Trang kể : “Có được phần mềm tính toán khẩu phẩn ăn với các trường học ở thành phố rất dễ dàng. Nhưng ở vùng khó, cơ sở thiếu thốn, để có phần mềm là điều không thể. Nhà trường không có tổ bếp riêng phụ trách, giáo viên phải kiêm nhiệm việc tính toán khẩu phần ăn cho trẻ hằng ngày”. 

Nhận thấy, việc tính toán thủ công vừa phức tạp, vừa dễ nhầm lẫn, sai sót, vừa đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Không những thế, một tính toán nhầm lẫn có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng bữa ăn bán trú, như thiếu thực phẩm, thiếu định lượng theo bữa, thiếu dinh dưỡng. Cô giáo Huyền Trang đã nghiên cứu ra một bảng tính trên công cụ excel, với các công thức tính toán được cài đặt sẵn. Giáo viên chỉ cần nhập số liệu đầu vào như số học sinh, định lượng theo suất ăn là tính toán được khẩu phần chi tiết, từ đó quy ra được số thực phẩm cần mua hoặc cần bổ sung theo từng ngày, từng bữa.

Cô giáo Huyền Trang tâm sự: “Bảng tính của tôi không cần tới kết nối internet vẫn thực hiện được, thao tác thuận tiện. Giáo viên được giảm khối lượng công việc. Chất lượng bữa ăn bán trú được nâng cao. Trẻ được ăn đủ no và đủ ngon. Sau khi thí điểm ở trường, chúng tôi đã có kết quả rõ rệt trong việc giảm thiểu được các công đoạn thực hiện cũng như cải thiện thể chất của trẻ”.

15 năm sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô giáo Huyền Trang đã gắn bó sâu sắc với học sinh Cao Bằng, bất chấp những điều kiện khó khăn, vất vả tại địa phương. 

“Điều giữ chân tôi với nghề là tình yêu với trẻ vùng khó. Ngày 20.11, các em mang tới tặng tôi những bó dã quỳ, hoa đồng nội, cùng với những lời chia sẻ gần gũi. Tôi hiểu, những khuôn mặt lem luốc, quần áo mặc chưa ấm này cần lắm những người trẻ như chúng tôi tình nguyện xây đắp tương lai cùng các em”, cô giáo Huyền Trang xúc động chia sẻ. 

Trình duyệt của bạn không hỗ trợ.Tải về: video/mp4

Cô giáo Nàng Xô Vi ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất ngành Giáo dục, cũng là đại biểu duy nhất đại diện tiếng nói của hơn 500 đồng bào dân tộc Brâu tại Nghị trường Quốc hội, cùng tham gia, quyết định những quyết sách quan trọng của đất nước.

Lớn lên trong cảnh nghèo khó nhưng nhờ những tuyên truyền vận động của cán bộ, Nàng Xô Vi hiểu và khao khát đến trường và ý nghĩa của việc mang tri thức trở về đóng góp cho sự phát triển của bản làng.

xo vi nghitruong

Cô giáo Nàng Xô Vi cho biết: “Cả thôn Đăk Mế chỉ có từ 5 – 7 trẻ được tới trường và sau này cũng chỉ chừng ấy em được tốt nghiệp THPT. Cái đói, nghèo bủa vây cùng với những hủ tục như “chỉ người trong dân tộc Brâu mới được lấy nhau” đã là rào cản để trẻ tới trường và học cao lên nữa”.  Khi được cán bộ tuyên truyền về văn hóa, tri thức, Nàng Xô Vi đã ấp ủ muốn học để thay đổi cuộc sống. Năm 2014, Nàng Xô Vi là người đầu tiên của dân tộc Brâu đỗ đại học với sự giúp sức của trưởng thôn, dân bản.  

Trưởng thành từ gian khó, nhận được sự giúp đỡ, yêu thương từ xung quanh đến khi là một giáo viên, trở về quê hương công tác, cô giáo Nàng Xô Vi cũng dành cho các học trò của mình tất cả những tình yêu ấy. 

Cô giáo Nàng Xô Vi tâm sự: “Tôi yêu thương các em bằng tấm lòng người cô, người chị, người mẹ, chứ không phải là một người bề trên. Tôi luôn nói với học sinh của mình rằng, tôi chỉ là người hướng dẫn, còn các em mới là chủ thể trong học tập, nghiên cứu. Một giáo viên giỏi không phải là dạy học sinh giỏi để giỏi hơn, mà là dạy học sinh yếu trở nên tốt hơn.

Trao đi tình yêu thương, cô giáo Nàng Xô Vi cũng nhận lại những tình cảm mộc mạc, hồn nhiên mà chân thành của học trò.

hocsinh
Học trò của Đại biểu Nàng Xô Vi đến khu tập thể cô ở để ăn cơm.

“Giai đoạn tôi công tác ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn, những ngày lễ, tết, hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, món quà mà các học sinh mang đến tặng tôi là những trái bầu, quả bí, mớ tôm, mớ tép mà chính các em hay gia đình đi bắt được. Cô giáo cũng chẳng có gì nhiều tiếp đãi các em, chỉ nấu một nồi chè thật to. Thế mà cả cô và trò vui lắm”, cô giáo Nàng Xô Vi nói.

“Nhớ lại những tháng ngày khó khăn, nhà ở rách nát vì phải đi thuê, nuôi con nhỏ. Bố đẻ tôi đi theo bế con cho tôi. Cứ ngày nghỉ, các em lại đến nhà trồng rau, nuôi gà, trông con cho tôi… Những tình cảm đó là động lực để tôi vượt qua những gian khó, cống hiến cho nghề”, Đại biểu Nàng Xô Vi xúc động.

Những năm tháng nhọc nhằn và khát khao muốn thay đổi cuộc sống, Đại biểu Nàng Xô Vi cho rằng, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của những gương mặt các em thơ khi tiếp nhận tri thức, nghe tôi giảng bài; thấy niềm hy vọng trong đôi mắt các em. Tôi muốn truyền lại cảm hứng cho các em, hãy bước ra cổng làng, vượt khỏi vùng an toàn của mình, để biết được năng lực của bản thân mình tới đâu”, cô giáo Nàng Xô Vi chia sẻ. 

Trình duyệt của bạn không hỗ trợ.Tải về: video/mp4

Một giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn gắn bó, một giáo viên lớn lên giữa bản làng. Nhưng trong họ đều có tình yêu và sự vun đắp để giáo dục vùng khó ngày càng tốt đẹp hơn. Vẻ đẹp ấy chính là sự cao quý của nghề giáo giúp họ vượt qua nhiều khó khăn, hy sinh niềm riêng để sống có ý nghĩa với nghề mình theo đuổi. 

tit2

Cô giáo Đặng Thị Huệ, Trường THCS Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là giáo viên cốt cán cấp huyện; tham gia các đợt tập huấn, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn, triển khai các nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên trong huyện.

Là một trong những nhà giáo tiêu biểu được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh năm 2024, cô giáo Đặng Thị Huệ cảm thấy rất vui và vinh dự. Cô giáo Huệ nói: “Đây là nguồn động lực rất lớn giúp tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân hơn nữa, trau dồi thêm những kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng được theo yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay”. 

Dang thi hue
Cô giáo Đặng Thị Huệ, Trường THCS Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Nỗ lực của mỗi giáo viên luôn rất cần những bệ đỡ từ chính sách, từ hoạch định của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. 

Theo cô giáo Đặng Thị Huệ, tiền lương của giáo viên được nâng lên khi chính sách về cải cách tiền lương được thực hiện. Điều này giúp mỗi giáo viên thêm gắn bó với nghề và tin tưởng vào những chính sách của Đảng và Nhà nước đã triển khai. 

Là một giáo viên ở miền núi, cô giáo Đặng Thị Huệ mong muốn những đổi mới trong giáo dục cần được sâu sát hơn, tới được đến từng đội ngũ giáo viên ở vùng khó.  

Cô giáo Đặng Thị Huệ nói: “Trong những năm qua, ngành giáo dục luôn nỗ lực đổi mới nhằm hướng tới người học. Trong đó có những đổi mới về Chương trình học. Đây là một chương trình rất hay khi giúp học sinh phát huy được năng lực, sở trường của mình. Tuy nhiên, tôi mong ngành giáo dục cần có những lớp tập huấn trực tiếp thay vì trực tuyến ở các trường học để giáo viên được tiếp cận với với Chương trình mới một cách trực quan hơn. Đặc biệt với những giáo viên dạy tích hợp như: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử Địa lý”. 

Trình duyệt của bạn không hỗ trợ.Tải về: video/mp4

Để những chính sách của giáo dục gần hơn với thực tiễn rất cần những tiếng nói của Nghị sĩ là Nhà giáo. Là nhà giáo, cán bộ quản lý và là Đại biểu Quốc hội, họ đã và đang đưa tiếng nói của cử tri là Nhà giáo một cách có chất lượng để chính sách khi ban hành sát với thực tiễn. 

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội, đây là một tin vui với giáo viên nói chung và với những giáo viên vùng khó, vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Một trong những vấn đề cốt lõi mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là chính sách tiền lương cho giáo viên. 

le thi thanh
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Lắk, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lắk.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Lắk, Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lắk cho biết: “Dự án Luật này đã thiết kế chế độ tiền lương, phụ cấp và các điều kiện thu hút nhà giáo ở vùng kinh tế khó khăn, hải đảo, đặc thù. Theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị đề xuất cơ chế tiền lương.  Ví dụ, đề nghị xếp lương bậc 2 cho nhà giáo hay quy định 9 loại phụ cấp, tùy theo đối tượng. Theo đó, những nhà giáo công tác ở vùng khó có chỗ ở, được thuê nhà, hỗ trợ khám sức khỏe… đã cơ bản đáp ứng được vấn đề liên quan đến đời sống giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác cống hiến”.

Ông Thái Văn Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Nghệ An cũng gặp khó khăn về vấn đề thiếu giáo viên, việc điều chuyển giáo viên trong tỉnh cũng như giữa các tỉnh. Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được vấn đề này”. 

“Dự án Luật Nhà giáo cũng có chế độ thu hút với sinh viên xuất sắc. Luật ra đời, có căn cứ pháp lý tham mưu cho UBND tỉnh ban thành cơ chế chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, những học sinh tốt nghiệp THPT xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi, những người có năng khiếu đặc biệt được bồi dưỡng sư phạm được thu hút làm nhà giáo. Đặc biệt, Nghệ An là một địa phương có địa bàn rộng, có biển, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số… Những vùng khó khăn này tuyển giáo viên đã khó, tuyển giáo viên giỏi lại càng khó hơn. Dự án Luật Nhà giáo được thông qua sẽ là cơ sở hành lang pháp lý để ngành giáo dục thu hút được những người giỏi, có tâm huyết, yêu nghề lên cống hiến ở những vùng khó khăn này”, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành nói. 

thai van thanh
Đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn ĐBHQ tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An.

“Muốn nhà giáo yên tâm cống hiến, đóng góp và tâm huyết với nghề thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội dành sự quan tâm cho nhà giáo. Để nhà giáo bằng sự nhiệt huyết, tự trọng và sự nỗ lực vươn lên, cùng với hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước”, Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh. 

tit3

Trong những thành tựu mà đất nước ta đạt được suốt hơn 40 năm qua của thời kỳ đổi mới, không thể không tính đến sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng nhà giáo, của tầng lớp trí thức. 

Giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn. 

Botruong kimson
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế. Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành giáo dục. 

Nhưng lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như 5 không thể làm được trong quá khứ, và chúng ta đã từng làm được và tin tưởng rằng, trong tương lai giáo dục sẽ viết tiếp những kỳ tích lớn hơn. Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi và nghi ngờ sự tồn tại của giáo dục trường học và vai trò những người thầy trong tương lai. 

trao tang
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng 21 Nhà giáo dân dân được vinh danh năm 2024.

“Chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Chúng ta đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn. Trí tuệ nhân tạo không và không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế. Với trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới, chúng ta cần coi chúng là những công cụ sắc bến và hữu hiệu mới. Công cụ và vũ khí càng sắc bén lợi hại, thì càng cần người sử dụng chúng có năng lực tư duy cao hơn, kỹ năng tốt hơn để chế ngự, để sử dụng. Nền giáo dục mới sẽ thất bại nếu chỉ chạy theo trang bị kiến thức, nhưng sẽ là sai lầm nếu lại buông bỏ hoàn toàn kiến thức. Cơ sở dữ liệu lớn không thay được cho cơ sở dữ liệu tuy nhỏ nhưng nó tồn tại chủ động nơi và trong người học và thực sự thuộc về bên trong người học, được chuyển hóa bởi sự tiếp nhận và qua tư duy của người học”, người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định. 

box kimson1

Theo Bộ trưởng, chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, dạy cho các em khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân, bởi trước mắt là 4.0, rồi 5.0 và nhiều nữa trong tương lai. Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến. Đó là triết lý thích ứng và triết lý phát triển bền vững nền giáo dục của chúng ta.

Vì vậy, trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới, cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn. Thách thức lớn càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới. Những giá trị từ truyền thống như “học không biết chán, dạy không biết mỏi”, tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại. Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo chúng ta cần phải nắm chắc. 

traotang nhagiaonhandan bichloan
Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại.

“Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. Theo Bộ trưởng, chưa bao giờ tầng lớp trí thức, các nhà giáo, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo lại được những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước coi trọng, đề cao và đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu như hiện nay. Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTW khóa 11 đã khẳng định đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định việc đổi mới. Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục khẳng định quan điểm ưu tiên, tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết 45-NQ/TW của BCHTW khóa 13 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới cũng khẳng định “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia”; và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội”.

box kimson2

Với các chủ trương lớn này, lực lượng trí thức, các nhà giáo, hoạt động giáo dục và khoa học công nghệ được đặt ở vị trí vinh dự đi đầu – vị trí được coi trọng chưa từng có trong lịch sử. Đây là thời cơ lớn cho sự phát triển của giáo dục, thời cơ lớn cho các nhà giáo, các bậc tri thức cần thể hiện hết mình, thi thố tài năng, tất cả vì sự phát triển của quốc gia dân tộc. “Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”, đất nước trước cơ hội hưng thịnh, trí thức có trách nhiệm rất rất lớn. Các nhà giáo, các bậc tri thức, chúng ta dứt khoát cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để đáp lại sự phó thác, tin tưởng, giao trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Sự báo đáp của người trí thức xưa nay vẫn phải và nên theo tinh thần ơn nước một bầu cần đáp lại bằng cả dòng sông. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra, trong các chỉ đạo gần đây của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định vai trò của lực lượng nhà giáo, là “đầu tầu của giáo dục”, là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục. Tổng Bí thư bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các nhà giáo khi dặn dò trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Luật Nhà giáo rằng “luật Nhà giáo ban hành ra phải làm cho các nhà giáo phấn khởi, tươi vui, đón nhận…”. Nhà giáo phải có chỗ làm việc, có nhà ở công vụ, được tôn trọng và bảo vệ … Đó là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư với ngành Giáo dục, với trí thức khiến cho các nhà giáo thấy rất phấn chấn, thấy được quan tâm có chiều sâu, thấy người đứng đầu của Đảng thấu thực tiễn, thấu nhân tình, có tính chiến lược vĩ mô của dân tộc vầ tầm nhìn thời đại.

Tolam gapmat giaovien
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

box bichloan doianh

box Trongnghia

Bài: Lê VânTrình bày: Nguyễn Hà

20/11/2024 08:58