Giữ gìn di sản cho mai sau

4

baokontum.com.vn

Giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và mỗi người, vừa thể hiện lòng tôn kính và trân trọng lịch sử, vừa thể hiện niềm tự hào dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Di sản văn hóa là những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác,  bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể.

Nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Trải qua 19 năm, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của hơn mỗi người dân Việt Nam.

Là một tỉnh đa dân tộc, mỗi dân tộc ở Kon Tum đều có bản sắc văn hóa riêng nhưng lại tạo nên sự thống nhất trong đa dạng, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc trong lịch sử, cũng như tương lai.

150357Truy%E1%BB%81n%20d%E1%BA%A1y%20k%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20%C4%91%C3%A1nh%20chi%C3%AAng%20cho%20th%E1%BA%BF%20h%E1%BB%87%20tr%E1%BA%BB

Truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: H.L

 

Di sản văn hóa ở Kon Tum là sự thể hiện sinh động lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, thông qua nhiều loại hình, từ luật tục, kiến trúc, lễ hội, đến nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, nghề truyền thống.

Nổi bật là di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh đều có hoạt động sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, được thực hành gắn liền với các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng và thường tổ chức tại nhà rông, nhà sàn, nhà mồ.

Hay về lễ hội, các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh có hệ thống nghi lễ, lễ hội truyền thống phong phú, độc đáo, từ hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời con người đến hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến cộng đồng.

Ở di sản văn hóa vật thể, tỉnh ta có nhiều di tích lịch sử có giá trị lớn lao về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha anh, có ý nghĩa đặc biệt trong giáo dục lý tưởng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Như Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngục Kon Tum; Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngục Đăk Glei; Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh; Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chiến thắng Đăk Pek; Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum.

Nhiều di tích văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có sức hấp dẫn lớn mà mỗi du khách đến với Kon Tum không thể không thăm viếng, như Nhà thờ gỗ, Tổ đình Bác Ái, Chủng viện Thừa sai Kon Tum.

Tất cả làm nên một “bức tranh” di sản văn hóa đa sắc màu. Đó là những tài sản vô giá, không thể thay thế được; là kết tinh sức lao động, tình cảm, tinh thần và truyền thống văn hóa được tích lũy và kế thừa qua bao đời, tồn tại cho đến ngày nay.

Một lớp dạy múa xoang. Ảnh: HL

 

Những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đặc biệt coi trọng. 

Trong đó, ngày 11/5/2020, UBND tỉnh có Quyết định 15/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Tháng 7/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tỉnh đã bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh. Bảo tồn, phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá của các DTTS tại chỗ, từ cồng chiêng, nhạc cụ của các DTTS tại chỗ đến nghệ thuật diễn xướng sử thi, tiếng nói, chữ viết, lễ hội, công trình kiến trúc.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh; phân cấp rõ ràng, cụ thể trong quản lý nhà nước đối với di tích; hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, tín ngưỡng gắn với di tích.

Trong hành trình bảo tồn di sản văn hóa, các cấp các ngành đã nhìn nhận di sản cũng là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều địa phương đã gắn bảo tồn di sản với phát triển du lịch, tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống đồng bào DTTS tại chỗ.

Từ đó, Kon Tum được biết đến nhiều hơn, du khách đến nhiều hơn để được tận mắt chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa, tinh hoa tích tụ.

Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng nảy sinh một số vấn đề cần được xem xét, chấn chỉnh. Đó là có lúc có nơi, di sản không được bảo vệ đúng mức; bị xâm hại, xuống cấp, tiêu điều.

Hoặc tình trạng di sản phi vật thế bị “hiện đại hóa”; có khi bị “biến tấu”, xa rời bản chất dẫn đến “lệch pha”.

Hiện nay, không có quy định cụ thể về bảo tồn di sản văn hóa là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu bảo tồn di sản văn hóa là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của di sản, không để mất đi, không để bị thay đổi, biến hóa hay biến thái.

Việc này không chỉ cần đầu tư tiền của và công sức, mà còn đòi hỏi tâm huyết, trách nhiệm và sự hiểu biết cặn kẽ về di sản.

Vì vậy, cần thực hiện tổng rà soát, đánh giá tình trạng bảo tồn di sản; rà soát lại danh mục các di tích đã được xếp hạng theo sự cân đối với khả năng thực tế về đầu tư mọi mặt cho bảo tồn.

Từ đó, cùng với việc bố trí kinh phí bảo tồn thỏa đáng, cần quan tâm công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản có tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn cao.

Và quan trọng nhất là nhận thức và trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như người dân nơi có di sản.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/giu-gin-di-san-cho-mai-sau-44178.html