Những công trình của thanh niên góp phần phát triển đất nước:: Số hóa 'địa chỉ đỏ'

3

thanhnien.vn

THAM QUAN KHÔNG CẦN NGƯỜI THUYẾT MINH

Anh Nguyễn Hữu Duy (ở Hà Tĩnh) cho biết anh đã đến Kon Tum để xử lý công việc từ vài ngày trước. Khi xong việc, anh đi tham quan những địa điểm nổi tiếng của địa phương, trong đó có di tích lịch sử cấp quốc gia ngục Kon Tum (TP.Kon Tum, Kon Tum).

Đứng trước cột QR giới thiệu về di tích, chỉ với vài thao tác quét, nhiều thông tin về khu di tích đã hiển thị trên màn hình điện thoại anh Duy. Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1905, cuối năm 1917 hoàn thành. Năm 1930, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi ở miền Trung. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra. Trong các cuộc biểu tình đó, ngoài những người bị địch g i ế t hại, có rất nhiều người bị bắt giam ở các nhà lao.

Những công trình của thanh niên góp phần phát triển đất nước:: Số hóa 'địa chỉ đỏ'- Ảnh 1.

Hàng loạt các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được thanh niên triển khai số hóa trong thời gian qua

Tại ngục Kon Tum, tháng 9.1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, do ông Ngô Đức Đệ làm bí thư. Ngục này là nơi giam giữ tù chính trị, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền bắc Tây nguyên, mở đường 14.

Ngục Kon Tum một thời được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam giữ và đọa đày hơn 500 chiến sĩ cách mạng. Họ đã đấu tranh kiên cường bất khuất, nhiều người anh dũng hy sinh và nằm lại nơi núi rừng Tây nguyên.

Đọc xong các thông tin hiển thị trên điện thoại, anh Duy lặng người xúc động và cảm phục. “Trước khi đến tham quan, tôi nghĩ đây cũng chỉ là một di tích lịch sử bình thường. Thế nhưng tôi đã bất ngờ khi khu di tích được xây dựng mã QR để du khách tìm hiểu thuận tiện hơn. Chỉ với vài thao tác đơn giản, các thông tin, hình ảnh đã xuất hiện trên màn hình điện thoại. Điều này giúp tôi có những trải nghiệm tốt hơn, dễ dàng tìm hiểu về giá trị lịch sử của khu di tích dù không có người thuyết minh”, anh Duy nói.

NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trong những năm gần đây, tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN Kon Tum liên tục triển khai nhiều công trình số hóa “địa chỉ đỏ” thông qua các hoạt động như: hành trình về nguồn, chiến dịch thanh niên tình nguyện, hoạt động trồng cây xanh tại “địa chỉ đỏ”… Qua đó, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng.

Không chỉ riêng khu di tích ngục Kon Tum, hàng loạt “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã được các cấp bộ Đoàn triển khai số hóa trong thời gian qua. Tiêu biểu như khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (H.Đăk Tô), Điểm cao 601 (H.Đăk Hà), khu di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần (xã Đăk Xú, H.Ngọc Hồi), di tích lịch sử cách mạng căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum (xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông)…

Theo đó, các thông tin thuyết minh được biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, dễ theo dõi, được tích hợp trong mã QR. Chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối mạng, du khách có thể nhanh chóng tìm kiếm thông tin về địa điểm mình tới mà không cần sự hỗ trợ của thuyết minh viên. Với việc số hóa các di tích, “địa chỉ đỏ”, đoàn viên, thanh niên cũng như du khách có thể dễ dàng tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống của tỉnh.

Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nên công tác truyền thông, giáo dục được Tỉnh đoàn Kon Tum triển khai sâu rộng, chủ động và quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, đa dạng về nội dung và hình thức. Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN Kon Tum yêu cầu các cơ sở Đoàn trên địa bàn tổ chức các nhóm tình nguyện đồng loạt ra quân phổ biến, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên và người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID), sổ sức khỏe điện tử (VssID)…

Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN Kon Tum tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng công trình số hóa “địa chỉ đỏ” các khu di tích lịch sử cách mạng, điểm du lịch trên toàn tỉnh. Đồng thời tích hợp các nội dung trên vào bảo tàng số của tuổi trẻ VN để giúp đoàn viên, thanh niên có thể truy cập, tìm hiểu về thông tin, dữ liệu, hiện vật lịch sử. 

Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho rằng công trình thanh niên số hóa “địa chỉ đỏ” của Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN Kon Tum rất có ý nghĩa. Công trình này hỗ trợ địa phương trong việc giới thiệu, quảng bá các di tích lịch sử. “Khi du khách đến tham quan có thể dễ dàng quét mã QR để nắm bắt được thông tin, ý nghĩa lịch sử của di tích. Đối với những du khách không theo đoàn, không có người hướng dẫn, thuyết minh, mã QR này thực sự rất hữu ích”, ông Hoàng nói.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/nhung-cong-trinh-cua-thanh-nien-gop-phan-phat-trien-dat-nuoc-so-hoa-dia-chi-do-185241211202257191.htm