Người Hà Lăng bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng

87

baokontum.com.vn

04/07/2023 13:20

Từ bao đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó mật thiết và xuất hiện hầu hết trong các hoạt động của người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Khúc Na (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy). Với bà con đồng bào DTTS nơi đây, cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc có giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, mang hơi thở cuộc sống và bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thôn Khúc Na hiện nay có 147 hộ dân hầu hết là người Hà Lăng, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp.

Theo như lời kể của già làng A Luôn (SN 1950), cũng là người đánh cồng chiêng giỏi ở thôn Khúc Na, khi ông lên 9 tuổi, cộng đồng người dân Khúc Na đang sinh sống trong rừng sâu gần biên giới với nước bạn Campuchia, thuộc khu vực Ja Book – Đăk Tao của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hiện nay. Đời sống vẫn còn khó khăn nhưng người dân Khúc Na luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Những ánh lửa bên ngôi nhà sàn, nhà rông được thắp sáng hằng đêm. Còn tiếng cồng chiêng, mỗi khi cất lên lại hòa cùng âm thanh của núi rừng và vang xa.

160022C%C3%A1c%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20chu%E1%BA%A9n%20b%E1%BB%8B%20cho%20bu%E1%BB%95i%20truy%E1%BB%81n%20d%E1%BA%A1y%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20t%E1%BA%A1i%20nh%C3%A0%20r%C3%B4ng%20c%E1%BB%A7a%20th%C3%B4n.
Các nghệ nhân chuẩn bị buổi truyền dạy cồng chiêng tại nhà rông của thôn. Ảnh: Đ.T

 

Trong ký ức của già làng A Luôn, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, nhất là văn hóa cồng chiêng luôn được thế hệ cha, chú của ông gìn giữ và trân trọng. Bằng chứng là dù phải di dời nơi định cư nhiều lần, trước năm 1961 ở trong rừng sâu gần biên giới; từ năm 1961-1971 ở xã Kroong và từ năm 1972-1976 ở xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum); từ năm 1977-1978 ở khu vực gần ngã ba sông Pô Kô-Đăk Blà thuộc xã Sa Bình; từ năm 1979-1985 ở khu vực gần nghĩa trang cũ của thôn và đến cuối năm 1985 mới chuyển về định cư tại vị trí hiện nay; nhưng cộng đồng người dân thôn Khúc Na đều mang theo những bộ chồng chiêng của mình để sinh hoạt. Cuộc sống hằng ngày, niềm vui, nỗi buồn, đều được người dân diễn tả qua việc đánh cồng chiêng. Cồng chiêng đóng vai trò quan trọng, được xem là vật bầu bạn, mang lại tinh thần cho người dân trong thôn.

“Khi tôi lớn lên, đất nước chìm trong chiến tranh. Ở trong rừng sâu, ở xã Kroong hay ở xã Hòa Bình, người dân Khúc Na đều bảo vệ lẫn nhau và giúp đỡ cán bộ cách mạng. Vì cồng chiêng là vật quý và có giá trị nên khi có báo động chiến tranh, mọi người đều mang theo những bộ cồng chiêng rồi nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Đến khi tỉnh Kon Tum được giải phóng vào ngày 16/3/1975, người Hà Lăng ở Khúc Na cùng cộng đồng các dân tộc khác diễu hành về thị xã Kon Tum để mừng chiến thắng. Mọi người vừa đi bộ vừa đánh cồng chiêng, trên tay mỗi người còn cầm bầu rượu cần và món ăn đi kèm là gỏi thân chuối với hạt mè. Trong không khí hân hoan, phấn khởi của ngày vui đại thắng, âm thanh cồng chiêng cùng làn điệu múa xoang của các thành viên trong đội cồng chiêng xoang Khúc Na cứ thế rộn vang, bài chiêng tên Xách Chuối của người dân thôn Khúc Na cũng vì thế được ra đời” – già làng A Luôn nhớ lại.


Già làng A Luôn (bên trái) và Đội trưởng Đội cồng chiêng xoang A Thân là những nghệ nhân am hiểu lịch sử, văn hóa cồng chiêng của người Hà Lăng ở thôn Khúc Na. Ảnh: Đ.T

 

Tiếp lời già làng A Luôn, Đội trưởng Đội cồng chiêng xoang thôn Khúc Na hiện nay là A Thân (SN 1959) cho biết, sau ngày giải phóng, bài chiêng tên Xách Chuối, Mẹ và Con hay Ngày Quốc Khánh 2/9…là những bài chiêng thường được người dân Khúc Na biểu diễn trong các ngày kỷ niệm, sự kiện quan trọng và dịp lễ hội của thôn. Các bài chiêng này, mọi người còn đánh trong những dịp quan trọng của gia đình, như mừng nhà mới, đón thành viên mới. Ngoài những bài chiêng có tiết tấu vui nhộn, nhịp điệu nhanh, người dân Khúc Na còn có các bài chiêng có nhịp điệu chậm để đánh khi trong thôn có người qua đời, người bị từ chối cầu hôn.

Những bài chiêng và nhà rông văn hóa được người dân Khúc Na gìn giữ, bảo vệ qua mỗi lần di dời đến nơi ở mới. Tính đến nay, cộng đồng thôn Khúc Na đã ổn định cuộc sống ở vị trí hiện tại được gần 38 năm, thôn có nhà rông truyền thống nằm cách cổng chào thôn hơn 100m, có đội cồng chiêng xoang với hơn 50 người, trong đó, có 28 người đánh cồng chiêng. Trong thôn Khúc Na còn có 7 hộ gia đình sở hữu 8 bộ cồng chiêng cổ được truyền qua nhiều thế hệ và 1 bộ cồng chiêng chung của cộng đồng thôn.

Bộ cồng chiêng chung cộng đồng thôn đang sử dụng được mua 3 năm, thay thế, cho bộ cồng chiêng cũ trước đó bị hư hỏng và lạc âm. Bộ cồng chiêng cũ được chúng tôi sử dụng trong thời gian rất dài, từ năm 1981 đến năm 2020 – Đội trưởng A Thân chia sẻ.

Ông A Át – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khúc Na cho hay, khi thấy bộ cồng chiêng của thôn bị hư hỏng và không thể sử dụng được nữa, người dân trong thôn đã đồng tình trích quỹ thôn với số tiền gần 40 triệu đồng để mua bộ cồng chiêng mới với 3 cái cồng và 12 cái chiêng. Ngày đưa bộ cồng chiêng mới về, người dân trong thôn đã cùng mổ heo ăn mừng, đánh chiêng, múa xoang dưới sân nhà rông đến khi trời khuya.

Nhắc đến nhà rông của thôn, ông A Át cũng chia sẻ, người dân Khúc Na, nhất là thế hệ trẻ đều có ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa nhà rông. Mọi người thường xuyên dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà rông, tham gia đóng góp công sửa chữa nhà rông, làm sân thể thao, lắp điện chiếu sáng. Nhà rông ngoài là nơi lớp trẻ tụ họp, rèn luyện thể thao chiều mỗi ngày, còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong thôn và là nơi vào mỗi dịp nghỉ hè. Già làng A Luôn, Đội trưởng Đội cồng chiêng xoang A Thân và các thành viên trong Đội cồng chiêng, gồm A Chiêu, A Ber, A Lai, A Kiu, A Ar, A Leoh, A Thiur, A Kah, thường xuyên tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong thôn. Qua những lớp truyền dạy cồng chiêng của các nghệ nhân, các thế hệ trẻ đã hiểu được giá trị, lịch sử, truyền thống văn hóa cồng chiêng của người Hà Lăng ở thôn Khúc Na.

Bằng tình yêu và trách nhiệm của mình, các thế hệ người Hà Lăng ở thôn Khúc Na đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Với riêng già làng A Luôn, Đội trưởng A Thân và các thành viên trong Đội cồng chiêng xoang, các nghệ nhân đều cho biết,  khi nào còn sức khỏe mọi người vẫn còn tích cực tham gia biểu diễn và truyền dạy cồng chiêng, có như vậy, bản sắc văn hóa của dân tộc mới không bị mai một, luôn được giữ mạch nguồn và phát huy cho đến tận mai sau.

Đức Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nguoi-ha-lang-bao-ton-phat-huy-van-hoa-cong-chieng-31568.html