Để đuối nước không còn là nỗi ám ảnh

14

baokontum.com.vn

06/06/2024 13:16

Những vụ đuối nước luôn để lại sự mất mát, nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình, người thân của nạn nhân, càng đau lòng hơn khi nhiều nạn nhân là trẻ em. Và cũng là nỗi ám ảnh mỗi khi hè về của phụ huynh và chính quyền địa phương.

H., con bạn tôi, năm nay 14 tuổi, suýt c h ế t đuối khi đi tắm sông cùng chúng bạn. Mấy ngày nay được nghỉ hè, buổi chiều đám trẻ hay rủ nhau ra bờ sông gần làng đá bóng, rồi xuống sông tắm, bố mẹ bận chuyện làm ăn nên cũng ít để ý.

Đoạn sông này tương đối cạn nước, nhìn có vẻ yên bình. Nhưng ẩn dưới lòng những hố sâu, được tạo nên khi khai thác cát.

Chiều hôm đó, H. cùng đám bạn đá bóng xong, như thường lệ xuống tắm thì bị hụt chân xuống hố sâu. H. không biết bơi, vài bạn khác cũng chỉ biết sơ sơ, luống cuống tìm cách cứu bạn không được, lại còn chút nữa bị kéo xuống theo.

May có mấy người dân làm cỏ bắp gần đấy, nghe tiếng đám trẻ la hét nên chạy tới kịp, cứu được H. đang trong cơn hoảng sợ và tuyệt vọng.

Chỉ một thoáng sơ sẩy có thể trả giá bằng cả mạng sống của cháu- bố của H. vẫn còn run rẩy mỗi khi nhớ lại.

155211Ng%C3%A0y%20h%C3%A8,%20tr%E1%BA%BB%20em%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20r%E1%BB%A7%20nhau%20%C4%91i%20t%E1%BA%AFm%20s%C3%B4ng,%20su%E1%BB%91i,%20ao%20h%E1%BB%93,%20r%E1%BA%A5t%20nguy%20hi%E1%BB%83m%20khi%20kh%C3%B4ng%20c%C3%B3%20s%E1%BB%B1%20gi%C3%A1m%20s%C3%A1t%20c%E1%BB%A7a%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20l%E1%BB%9Bn

Ngày hè, trẻ em thường rủ nhau đi tắm sông, suối, ao hồ, rất nguy hiểm khi không có sự giám sát của người lớn. Ảnh: T.H

 

Ngay sau hôm ấy, anh đăng ký cho con học bơi. “Tôi cho rằng, cháu cần được học và bơi thành thạo, thậm chí hình thành kỹ năng bơi lội. Đúng ra phải thực hiện việc này sớm hơn. Nhưng muộn còn hơn không”- anh nói.

H. là một trong những trường hợp may mắn thoát nạn trong gang tấc khi đi bơi, hoặc sơ sẩy trượt chân ngã xuống sông suối, ao hồ.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh, những vụ tai nạn đuối nước vẫn xảy ra, chủ yếu ở trẻ em. Nhất là vào kỳ nghỉ hè, khi trẻ được nghỉ ngơi, rong chơi sau một năm học hành căng thẳng.

Đặc biệt là ở khu vực nông thôn, trong khi bố mẹ phải đi làm thì trẻ em tự chơi với nhau, thường rủ nhau đi tắm, hoặc tự tập bơi mà không có sự giám sát của người lớn.

Qua thống kê, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ đuối nước và từ đầu năm 2024 đến nay xảy 3 vụ.

Gần đây nhất, ngày 27/5, tại thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) xảy ra một vụ đuối nước làm một trẻ em tử vong ngay sau lễ tổng kết năm học.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, khoảng 15h20’ ngày 27/5, sau khi kết thúc buổi lễ tổng kết năm, một nhóm học sinh THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) rủ nhau đến khu vực sông Đăk Pxi (đoạn chảy qua thôn 1, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) chơi.

Tuy nhiên, trong lúc tắm, một cháu bất cẩn bị nước cuốn trôi. Nhóm học sinh đã hô hoán để người lớn đến ứng cứu nhưng không kịp.

Những vụ đuối nước luôn để lại sự mất mát, nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình, người thân của nạn nhân, càng đau lòng hơn khi nhiều nạn nhân là trẻ em. Và cũng là nỗi ám ảnh mỗi khi hè về của phụ huynh và chính quyền địa phương.

Nhà chức trách cho rằng, nguyên nhân gây tử vong do đuối nước chủ yếu do nhiều trẻ em không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước.

Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi; không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước, dẫn đến nguy cơ tử vong nhiều em cùng một lúc

Trong khi đó, tỉnh ta có nhiều sông suối, ao hồ tự nhiên và nhân tạo (hình thành trong quá trình triển khai các hoạt động phát triển kinh tế). Đây là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước.

Chưa kể nhiều nơi còn tình trạng ao hồ không có biển cảnh báo; kênh mương, hố sâu không có nắp đậy; nhiều công trình xây dựng không có rào chắn; thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng; nhiều ao, hồ tưới tiêu ở rẫy, khu dân cư không bảo đảm an toàn.

Đuối nước còn xảy ra do sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của bố mẹ khi để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm, như sông, suối, ao, hồ.

Nhiều ao hồ không có rào chắn, biển cảnh báo, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: TH

 

Để đuối nước không còn là nỗi ám ảnh, nhất là vào những ngày hè tươi đẹp, có một số việc cần làm, và làm ngay.

Trong đó, điều quan trọng trước hết phải dạy trẻ biết bơi, đi kèm hướng dẫn kiến thức an toàn khi ở môi trường nước, nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi; kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước.

Chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện cho các lớp dạy bơi cộng đồng; rà soát các khu vực thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa.

Làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm để nhắc nhở và cảnh báo để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão.

Quan trọng hơn, đuối nước hoàn toàn phòng tránh được từ sự quan tâm và hành động thiết thực của mỗi gia đình. Bên cạnh cho trẻ em học bơi, hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải luôn để mắt tới con nhỏ; giám sát và liên tục nhắc nhở hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn.

Bởi trong nhiều vụ đuối nước thương tâm, nguyên nhân trước hết thuộc về gia đình, khi lơ là, thiếu sự quan tâm, giám sát.

Trong nỗ lực phòng, chống đuối nước, sáng 21/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2024.

Theo lãnh đạo ngành chức năng, phong trào giúp trẻ em trên địa bàn rèn luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe và phòng, chống tai nạn đuối nước, nhất là vào dịp hè.

Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, với ý nghĩa tạo môi trường sống an toàn, có cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ em Việt Nam.

Trong đó cần quan tâm ưu tiên xua tan nỗi ám ảnh đuối nước!    

Thành Hưng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/de-duoi-nuoc-khong-con-la-noi-am-anh-41262.html