Ðặc sắc ẩm thực của đồng bào Ba Na bên dòng Ðăk Bla

4

baokontum.com.vn

Từ nhiều năm nay, đón Tết Nguyên đán đã trở nên quen thuộc trong đời sống của đồng bào Ba Na ở thành phố Kon Tum, bên cạnh việc các lễ, tết truyền thống của dân tộc Ba Na. Đây không chỉ là dịp người dân tổ chức các hoạt vui chơi, giải trí sau một năm lao động miệt mài, vất vả, mà còn là cơ hội để người dân cùng nấu và thưởng thức những món ăn độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Món ngon đậm vị núi rừng

Thành phố Kon Tum nơi có những làng đồng bào Ba Na sinh sống; các ngôi làng này nằm dọc theo dòng sông Đăk Bla thơ mộng. Cuộc sống của đồng bào Ba Na gắn liền với sông nước nên có nguồn thực phẩm đa dạng, phong phú. Từ nguyên liệu dân dã, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đã tạo nên các món ăn ngon, độc đáo, mang màu sắc rất riêng của ẩm thực Ba Na.

Điều đáng nói, các món ăn được nấu trong lồ ô là một nét đặc sắc trong ẩm thực của đồng bào Ba Na. Trong đó, cơm nướng ống (cơm lam) là món ăn được nhắc đến đầu tiên trong danh mục ẩm thực của người dân và không thể thiếu trong ngày Tết.

Theo kinh nghiệm của các chị phụ nữ Ba Na, gạo nếp dùng để nấu cơm lam phải là loại nếp được trồng trên rẫy, gạo sau khi vo xong cần phải ngâm tầm 4-6 tiếng cho gạo nếp mềm ra, nhưng nhất định không ngâm quá lâu, bởi sẽ khiến gạo nếp bị chua, cơm nấu lên không ngon. Khi nướng, ống lồ ô phải dựng nghiêng chứ không đặt nằm ngang và phải thường xuyên xoay tròn ống để hạt gạo chín đều, có vị dẻo thơm của nếp quyện lẫn vị ngọt của ống lồ ô, rất đặc trưng không có loại cơm nấu bằng cơm điện, nồi gang nào có được.

172404%C4%91%E1%BB%93ng%20b%C3%A0o%20Bana%20c%C3%B3%20r%E1%BA%A5t%20nhi%E1%BB%81u%20m%C3%B3n%20ngon%20mang%20%C4%91%E1%BA%ADm%20h%C6%B0%C6%A1ng%20v%E1%BB%8B%20n%C3%BAi%20r%E1%BB%ABng

Đồng bào Ba Na có rất nhiều món ngon mang đậm hương vị núi rừng. Ảnh: TH

 

Cùng với cơm lam, các loại thức ăn khác như cà đắng nấu cá suối, thịt nấu cây chuối, tôm nấu rau dớn, cháo… trước đây thường được nấu trong ống lồ ô, mang hương vị rất riêng của núi rừng.

Nghệ nhân ưu tú A Biu (làng Plei Klech, xã Ngọk Bay) lý giải: Việc sử dụng ống lồ ô để nấu thức ăn xuất phát từ tính tiện lợi trong công việc làm nương rẫy của người Ba Na; nay người dân đến cánh rừng này, mai đi cánh rừng khác, không tiện mang vác nhiều đồ dùng sinh hoạt. Bởi thế, khi đi rừng, đi rẫy, người dân chỉ cần mang theo gạo và muối, đi đến đâu lấy rựa phát vài cây lồ ô, xuống suối lấy nước là có thể nấu cơm, nấu canh cho cả nhà ăn. Nói thì là vậy, nhưng việc này không phải dễ, lồ ô được dùng để nấu ăn phải được lựa chọn kỹ càng, yêu cầu không được quá già mà cũng không quá non, thân thẳng, lóng dài và phần ruột rỗng phải lớn để chứa được nhiều thức ăn.

“Dù không cầu kỳ trong chế biến, nhưng nấu nướng trong ống lồ ô lại là cả một nghệ thuật. Khi nấu, ống lồ ô phải được dựng nghiêng, chú ý canh lửa, tính toán thời gian hợp lý, trở đều tay để thức ăn chín đều và không bị cháy, khi mở nắp ống phả mùi thơm phức của từng loại nguyên liệu”- nghệ nhân  A Biu cho biết thêm.

 Bên cạnh đó, các món gà nướng, thịt nướng, cá nướng cũng là những món ăn được dùng phổ biến các dịp lễ, tết của làng hay đám, tiệc của các gia đình. Bởi, theo người dân, các món nướng chế biến đơn giản, ăn ngon, bảo quản được lâu và dễ dàng phân chia cho mọi người mang về nhà. Các món nướng thường được chấm với muối ớt, lá é, thưởng thức cùng với các loại rượu cần được nấu từ gào, mì, bắp khiến tất cả đều ngất ngây.

Theo phân công lao động, công việc nấu nướng này là của đàn bà, con gái. Các món ăn tuy không kén chọn về nguyên liệu, không nêm nếm nhiều gia vị cũng không quá cầu kỳ trong chế biến nhưng qua bàn tay khéo léo của những phụ nữ Ba Na với cách kết hợp các thực phẩm hài hòa đã tạo nên hương vị, nét đặc sắc riêng có của ẩm thực Ba Na.

Ngày nay, do nguồn nguyên liệu từ núi rừng hạn chế cùng với lối sống hiện đại nên nhiều món ăn truyền thống không còn được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, đồng bào Ba Na vẫn tích cực truyền dạy kinh nghiệm, phong tục nấu ăn cho con cháu. Vào mỗi dịp lễ, tết, trong đó có Tết Nguyên đán, người dân trong các làng lại tụ tập, cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, chế biến những món ăn truyền thống, tạo không khí rôm rả, ấm cúng, góp phần cố kết cộng đồng.

Phát huy giá trị của ẩm thực

Những năm gần đây, thành phố Kon Tum tích cực đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng nhằm khai thác hiệu quả giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS,  trong đó có tinh hoa ẩm thực để mang lại thu nhập cho người dân, vừa tạo động lực để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện có 4 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận. Đó là Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa), Làng du lịch cộng đồng Kon Klor (phường Thắng Lợi), Điểm du lịch A Biu (ở làng Plei Klech, xã Ngọk Bay) và Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa).

Cùng với quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, sắc màu văn hóa đa dạng, những ngôi làng xinh đẹp nằm bên bờ sông Đăk Bla ngày càng thu hút khách du lịch, bởi những món ăn độc đáo, mang hương vị và chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng của người Ba Na. Ẩm thực trở thành một trong những điểm nhấn, yếu tố quan trọng thu hút du khách khi đến tham quan, trải nghiệm ở mỗi điểm đến.

172445%E1%BA%A9m%20th%E1%BB%B1c%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong%20nh%E1%BB%AFng%20%C4%91i%E1%BB%83m%20nh%E1%BA%A5n%20trong%20thu%20h%C3%BAt%20kh%C3%A1ch%20du%20l%E1%BB%8Bch

Ẩm thực là một trong những điểm nhấn trong thu hút khách du lịch. Ảnh: TH

 

Nghệ nhân ưu tú A Biu chia sẻ: Du khách khi đến tham quan tại điểm du lịch của gia đình tôi ngoài khám phá, trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, lễ hội, thổ cẩm thì họ rất quan tâm tìm hiểu và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na. Hầu hết du khách đều thích thú với các món ăn được chế biến từ nguyên liệu bản địa, cách nấu truyền thống. Thế nên, nhiều người sau khi ăn uống còn đặt làm thêm để mang về. Có du khách mỗi khi có dịp trở lại Kon Tum là gọi điện tới đặt làm cơm lam, gà nướng mang đi.

Nhằm tạo điều kiện để đồng bào các DTTS, trong đó có đồng bào Ba Na, quảng bá, giới thiệu về những món ăn truyền thống của dân tộc mình, những năm gần đây, thành phố Kon Tum thường xuyên tổ chức các liên hoan ẩm thực.  Qua đây, cũng tạo cơ hội để người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch cộng đồng và để du khách thưởng thức những món ngon, đặc sắc của vùng đất Kon Tum.

Chị  Lê Thị Hồng (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất ấn tượng về văn hóa ẩm thực của đồng bào Ba Na tại thành phố Kon Tum. Các món ăn do chính người dân chế biến theo cách thức truyền thống, rất đậm đà với hương vị tự nhiên, đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Hơn nữa, thông qua các món ăn tôi còn hiểu hơn về nếp sống, đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Nắm bắt nhu cầu của thực khách, nhiều nhà hàng, khách sạn đã chủ động đưa những món ăn dân dã của người Ba Na như món gỏi lá, cơm lam, gà nướng vào thực đơn. Từ đó, các món ăn vốn từng bước vượt qua không gian mỗi gia đình, mỗi làng đến gần hơn với đông đảo người dân.

Có thể nói, cùng với trang phục, nhạc cụ hay cồng chiêng, ẩm thực truyền thống trở thành các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Ba Na bên dòng Đăk Bla.

THIÊN HƯƠNG


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/%C3%B0ac-sac-am-thuc-cua-dong-bao-ba-na-ben-dong-%C3%B0ak-bla-45151.html