baokontum.com.vn
07/06/2024 06:06
Với nguồn tài nguyên văn hóa, cảnh quan, môi trường, Kon Tum rất có lợi thế trong phát triển du lịch xanh. Đây là hướng phát triển mang tính bền vững, nếu khai thác, triển khai hiệu quả không chỉ thu hút lượng lớn du khách mà còn tạo được dấu ấn về một điểm đến không chỉ đẹp mà còn xanh và sạch.
Trong một lần ghé thăm chợ phiên Măng Đen mới đây, tôi cùng các thành viên trong gia đình thong thả thưởng thức ly cà phê trong không gian thoáng đãng, xanh mát. Chưa nói đến các yếu tố khác, điều khiến tôi và các thành viên thật sự ấn tượng chính là không gian xanh, dịch vụ xanh. Dưới những hàng cây thông xanh, những gian hàng nho nhỏ dựng lên từ những vật liệu tự nhiên và được trang trí bằng những sản phẩm nông sản như trái bắp khô, quả bí… do người dân quanh vùng sản xuất. Không chỉ vậy, các hàng quán dịch vụ nơi đây đều hạn chế xả rác thải ra môi trường thông qua việc thường xuyên dọn dẹp khuôn viên, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường như ống hút, ly cà phê làm bằng giấy…
Đó không chỉ là chuyện riêng ở chợ phiên Măng Đen. Những năm gần đây, với quan điểm phát triển du lịch xanh để mang tính bền vững, nhiều điểm đến, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến phát triển du lịch xanh thông qua việc xây dựng điểm đến xanh, hành trình xanh, dịch vụ xanh.
Mai anh đào khoe sắc hồng ở Măng Đen mỗi dịp xuân về. Ảnh: N.P
Nói về điểm đến xanh, hành trình xanh, tỉnh ta có nền tảng phát triển rất vững chắc. Và thực tế cho thấy, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn… chính là những loại hình du lịch của tỉnh được nhiều du khách lựa chọn trong thời gian qua. Bởi ngoài sự đa dạng, phong phú về nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ, các công trình kiến trúc, các di tích lịch sử, Kon Tum có nhiều ao, hồ, sông, suối; có tỷ lệ che phủ rừng 63,69%; có 3 khu rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Chư Mom Ray, có Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, có Rừng đặc dụng Đăk Uy) với sự đa dạng sinh học cao.
Không chỉ tận dụng nguồn tài nguyên được thiên nhiên ban tặng, các địa phương trong tỉnh còn không ngừng nỗ lực xây dựng điểm đến xanh thông qua việc trồng cây gây rừng, phát triển những loại cây trồng mang tính đặc hữu để phát triển du lịch. Như ở huyện Kon Plông đã tạo được dấu ấn du lịch xanh qua việc phát triển cây hoa mai anh đào, nông nghiệp công nghệ cao và các trang trại trồng cây ăn quả hữu cơ… Hay huyện Tu Mơ Rông những năm gần đây đã thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh được trồng, chăm sóc trên núi Ngọc Linh hùng vĩ.
Quay trở lại huyện Kon Plông, những năm gần đây, huyện đều đặn tổ chức lễ hội mai anh đào vào dịp hoa nở rộ. Để tổ chức và duy trì được lễ hội quy mô như vậy, từ rất nhiều năm trước, địa phương này đã tập trung trồng cây dọc theo các tuyến đường, quảng trường, khu du lịch, ven các ao hồ… Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, loại cây này nay thành chính cư. Và không chỉ phủ thêm màu xanh mà mai anh đào còn đưa Măng Đen (Kon Plông) trở thành điểm đến hấp dẫn, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Và tất nhiên, không dừng lại ở đó, huyện Kon Plông hiện nay đang tiếp tục phát triển mai anh đào ở những nơi phù hợp vừa để phủ xanh những vùng đất trống vừa tăng quy mô, diện tích cây hoa dần trở thành biểu tượng du lịch cho vùng đất này.
Du khách thích thú khi được trải nghiệm tại vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: N.P
Không chỉ quan tâm đến điểm đến xanh, hành trình xanh mà các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây rất chú trọng đến dịch vụ xanh. Như đã nêu, không chỉ ở không gian chợ phiên Măng Đen, mà nhiều điểm đến, cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ, bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa, sử dụng các vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường. Có thể nói đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần giúp Kon Tum được đánh giá cao ngay trong lần đầu tiên VCCI công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) – là chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh (đã đạt 15,09 điểm, xếp thứ nhất khu vực Tây Nguyên và xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước).
Khi đứng trước một sự lựa chọn, đánh giá về một điểm đến, nếu như yếu tố đẹp còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người nên khó đồng nhất thì yếu tố xanh, sạch được hiển hiện cụ thể nên rất dễ tìm được tiếng nói chung. Nói như vậy để thấy, quan tâm phát triển du lịch xanh, khai thác giá trị khác biệt của từng điểm đến sẽ tạo được sự ấn tượng, sự thống nhất, sự lựa chọn chung của phần lớn du khách khi đến với Kon Tum là hết sức quan trọng.
Vấn đề là phát triển du lịch xanh cần được định hướng trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển các sản phẩm, các dịch vụ thân thiện với môi trường. Và tất nhiên, đây không thể là chuyện riêng của mỗi địa phương, mỗi điểm đến mà rất cần sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Cùng với đó, rất cần sự nỗ lực của mỗi người dân, của mỗi cộng đồng dân cư, nhất là ở các làng du lịch cộng đồng, ở các điểm đến để cùng nhau phát triển trong gìn giữ, bảo vệ môi trường, cùng nhau xây dựng Kon Tum trở thành một điểm đến xanh ấn tượng trên bản đồ du lịch.
Nguyên Phúc
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/phat-trien-du-lich-xanh-41198.html