Khơi dậy niềm đam mê đan lát cho thế hệ trẻ

2

baokontum.com.vn

Khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đan lát cho thế hệ trẻ thông qua các lớp truyền nghề để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một, đó là cách làm của nhiều người cao tuổi, già làng, nghệ nhân tâm huyết ở huyện Đăk Hà trong những năm qua.

Đến thôn Đăk Kơ Đương (xã Đăk Pxi) hỏi đến ông A Đim (70 tuổi), bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây đều ngợi khen ông là người có nếp sống giản dị, hòa đồng và thân thiện với mọi người. Đặc biệt, ông còn là người giỏi đan lát. Hàng ngày, ông miệt mài đan  các sản phẩm như gùi, rổ, rá để bán, trao đổi với người dân trong vùng. Nhờ vậy, đã giúp cho ông có thêm nguồn thu nhập và góp phần “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong thôn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khi tham gia Hội Người cao tuổi xã Đăk Pxi, ông A Đim rất quan tâm đến bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, vận động các thế hệ trẻ trong thôn học đan lát. Tranh thủ những ngày nghỉ không lên rẫy, ngày cuối tuần, ông A Đim lại cần mẫn, nhiệt huyết truyền dạy nghề đan lát cho nhiều thanh niên trong thôn có đam mê học.

172127%C3%94ng%20A%20%C4%90im%20g%C3%B3p%20ph%E1%BA%A7n%20%E2%80%9Ctruy%E1%BB%81n%20l%E1%BB%ADa%E2%80%9D%20cho%20th%E1%BA%BF%20h%E1%BB%87%20tr%E1%BA%BB%20trong%20l%C3%A0ng%20g%C3%ACn%20gi%E1%BB%AF%20n%C3%A9t%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20c%E1%BB%A7a%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20X%C6%A1%20%C4%90%C4%83ng.%20(%E1%BA%A2nh%20Mai%20V%C3%A0ng)

Ông A Đim góp phần “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong làng gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: MV

 

“Để lưu giữ nghề truyền thống đan lát của dân tộc, tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của nghề, chỉ dạy những kỹ thuật cơ bản nghề đan lát cho lớp trẻ với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống. Hai năm nay, vào chiều thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, 7 – 8 bạn trẻ trong thôn lại đến nhà tôi để học đan lát. Điều đó khiến tôi rất vui vì vẫn có nhiều người trẻ đam mê nghề truyền thống của cha, ông”- ông A Đim cho hay.

Sau hai năm được ông A Đim truyền nghề, đến nay, anh A Hoàng (25 tuổi, ở thôn Đăk Kơ Đương) bước đầu đã thành thạo nghề đan lát truyền thống. “Nghề đan lát của người Xơ Đăng không khó lắm, nhưng yêu cầu người học và làm từng sản phẩm cần phải tỉ mỉ, cần mẫn và khéo léo. Có những sản phẩm đan rất khó, như đan gùi, vì cần rất nhiều bước, đôi khi phải biết cách tư duy, sắp xếp bố cục thì mới cho ra một sản phẩm chất lượng. Nên thời gian tới, tôi cần học hỏi và thực hành nhiều hơn. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động những người trẻ như tôi tham gia học đan lát để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc”- anh A Hoàng chia sẻ.

Cũng là học trò của ông A Đim, chị Y Hạnh (27 tuổi, ở thôn Đăk Kơ Đương) cho biết: Khác với quan điểm trước đây, nghề đan lát chỉ dành cho đàn ông thì ở lớp truyền dạy này phụ nữ cũng tham gia học nghề. Sau một năm, được sự chỉ bảo tỉ mỉ của ông A Đim, tôi đã biết đan lát những vật dụng đơn giản trong gia đình.

Hai tháng qua, đều đặn vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, nhiều bạn trẻ người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) ở làng Đăk Tiêng Ktu (xã Đăk La) lại hào hứng tập trung về nhà rông để học đan lát do ông A Wôih truyền dạy. Dù đã 70 tuổi nhưng ông A Wôih (ở làng Đăk Tiêng Ktu) vẫn thoăn thoắt các thao tác đan lát thủ công truyền thống của người Rơ Ngao.

172156%C3%94ng%20A%20W%C3%B4ih%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20nh%E1%BB%AFng%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20tr%E1%BA%BB%20%E1%BB%9F%20l%C3%A0ng%20%C4%91an%20l%C3%A1t

Ông A Wôih hướng dẫn những người trẻ ở làng đan lát. Ảnh: M.V

 

Theo ông A Wôih, hiện nay trong làng, số người biết nghề đan lát còn lại rất ít, chủ yếu là người đã lớn tuổi. Vì vậy, việc mở lớp này là rất cần thiết, qua đó, góp phần bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Rơ Ngao tại xã Đăk La. Bên cạnh đó, ông thấy rất vui, phần vì có thêm môi trường để thỏa lòng đam mê với nghề, phần vì được đóng góp một chút công sức nhỏ của mình cho thế hệ trẻ.

“Lớp có hơn 10 người, từ 10 – 15 tuổi. Khi tham gia lớp, tôi sẽ cho các cháu tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu để làm ra sản phẩm mây, tre đan. Đồng thời, tôi trực tiếp truyền dạy kỹ năng, cách đan các sản phẩm như gùi, rổ, rá, nia và thực hành hoàn thiện sản phẩm”- ông A Wôih nói.

Em A Nam (12 tuổi, ở làng Đăk Tiêng Ktu) chia sẻ: Tham gia lớp học em có cơ hội được tìm hiểu về nghề đan lát của dân tộc mình. Bên cạnh đó, em được các nghệ nhân chỉ dạy tận tình, tỉ mỉ từ cách chẻ, vót nan đến luồn nan. Những ngày đầu, việc thực hành còn lúng túng nhưng đến nay em đã thành thạo hơn và hoàn thành được một số sản phẩm đơn giản.

Ông Trần Anh Dũng – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: Thời gian qua, huyện đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mở nhiều lớp dạy nghề truyền thống cho người dân địa phương. Trong đó, có nghề đan lát. Những lớp truyền dạy được mở ra tạo cơ hội cho người dân, nhất là thế hệ thanh, thiếu niên tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. Qua đó, khơi gợi niềm đam mê và tạo ra các sân chơi lành mạnh giúp người trẻ tiếp nối, lưu giữ di sản văn hóa.    

Mai Vàng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/khoi-day-niem-dam-me-dan-lat-cho-the-he-tre-44482.html