Vượt khó giữ vững dòng điện – Bài 2: Áp lực cung cấp điện

4

baotintuc.vn
Chú thích ảnh
Công nhân đội truyền tải điện Bắc Bình (Bình Thuận) vệ sinh sứ cách điện tại TBA 500kV Vĩnh Tân. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo báo cáo của PTC3, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải công ty đến năm 2023 là 5.861 MW. Tính cả phần nguồn năng lượng tái tạo phía lưới phân phối thì tổng công suất đấu nối vào lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối của 9 Công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên khoảng 10.000 MW và tỷ lệ cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực là hơn 50%. 

Với cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trên lưới điện phân phối và lưới truyền tải rất lớn, khiến một số đường dây 220 kV, máy biến áp 220 kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Gia Lai luôn vận hành trong chế độ đầy tải. Do vậy, PTC3 gặp phải không ít khó khăn trong quá trình vận hành an toàn lưới truyền tải điện, trong phối hợp giải tỏa hết công suất các nguồn điện của các nhà máy trong khu vực; trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố phải cắt điện thực hiện vào ban đêm nên nguy cơ gây mất an toàn và mất ổn định của hệ thống truyền tải điện là rất cao, ông Đinh Văn Cường, Phó giám đốc PTC3 cho hay.

Ông Hà Thanh Xuân, Phó Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho biết, trong mấy năm gần đây trên địa bàn có rất nhiều nhà máy năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Gia Lai và một số khu vực phụ cận được hoàn thành và đều đấu nối vào lưới điện truyền tải do đơn vị quản lý hòa lên lưới điện quốc gia với công suất 3.679 MW, dự kiến biến động năm 2024 tăng lên 4.228,7 MW làm gia tăng áp lực cho quản lý vận hành của đơn vị.

Trong những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên một số xuất tuyến và ngăn thiết bị do các truyền tải điện quản lý vận hành trong tình trạng tải cao. Cùng đó, do áp lực truyền tải điện, cung cấp điện liên tục, giải tỏa hết lượng công suất từ các nhà máy năng lượng tái tạo nên việc cắt điện để bảo dưỡng, sửa chữa rất khó khăn với thời gian cắt điện ngắn, thường bố trí vào ban đêm dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao. 

Ông Xuân cho biết thêm, với khối lượng quản lý vận hành lớn, cùng nhiều dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo đồng bộ triển khai song song với thiết bị, đường dây đang vận hành, tiềm ẩn rủi ro sự cố rất cao. Để đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn, người lao động ngành điện phải gánh hai vai, vừa quản lý vận hành vừa giám sát thi công dự án nên áp lực công việc rất lớn.

“Việc luôn phải vận hành đầy tải, quá tải khiến nhân viên vận hành các trạm biến áp rất căng thẳng do phải liên tục theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Điều độ viên các Trung tâm Điều độ để báo cáo kịp thời điều chỉnh công suất phát của nguồn điện”, ông Xuân cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hưng, Trạm trưởng Trạm biến áp 500 kV Pleiku (tỉnh Gia Lai) cho biết, trạm là điểm nút quan trọng trong hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc Nam, tiếp nhận và trung chuyển các nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo khu vực Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lắk lên lưới 500 kV. Trong giai đoạn mùa khô, công suất truyền tải chủ yếu đưa ra Bắc.

Cao điểm mùa nắng nóng, trạm gặp nhiều áp lực cao trong quá trình vận hành khi các đường dây luôn trong chế độ đầy, quá tải, gây nguy cơ phát nhiệt cho các mối nối. Ngoài ra giai đoạn mùa khô việc cắt điện khó khăn, khiến cho sửa chữa bị hạn chế nhiều. Thời gian bố trí không được dài, nên khi có thể, trạm đều phải bố trí thời gian thi công ngắn nhất để làm sao khôi phục cấp điện nhanh nhất. 

Trước khó khăn đó, anh em công nhân tại trạm đều tăng cường kiểm tra thiết bị, tăng tần suất soi phát nhiệt, kiểm tra các ngăn lộ. Khi có các công tác xử lý bất thường đều tăng cường đối đa nhân lực, thậm chí huy động thêm từ các trạm biến áp khác sang, tăng cường ca kíp, bố trí hợp lý để đảm bảo tiến độ, ông Vũ Ngọc Hưng cho hay. 

Truyền tải điện Lâm Đồng cũng gặp tình trạng tương tự khi nhiều đường dây do đơn vị quản lý thường mang tải cao, một số thời điểm đầy tải như đường dây 220 kV Đa Nhim – Đức Trọng, Đức Trọng – Di Linh… .Tình trạng phát nhiệt mối nối, mối vá, tiếp xúc lèo tại khóa néo thường xảy ra có nguy cơ gây đứt dây, tụt lèo. 

Theo ông Lê Trung Thanh, Phó Giám đốc Truyền tải điện Lâm Đồng, để kiểm tra, kiểm soát xử lý hiệu quả, kịp thời ngăn ngừa sự cố do đứt dây, tụt lèo… phải có kế hoạch theo dõi thường xuyên. Việc cắt điện xử lý các khiếm khuyết của các đường dây này vào ban đêm không được thuận lợi và khó khăn hơn rất nhiều so với ban ngày do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Riêng với thi công ban đêm, đơn vị luôn phải chú trọng kiểm tra kỹ hiện trường trước thi công để loại bỏ các chướng ngại trên trụ như ong, rắn…. Đồng thời trang bị dụng cụ thi công phù hợp, đủ ánh sáng…, chuẩn bị hậu cần đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho công nhân thực hiện tốt công việc…

Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 cho biết, trước khi bước vào mùa nắng nóng cao điểm, đơn vị đã chỉ đạo các truyền tải điện trực thuộc tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát thiết bị, máy biến áp, đo nhiệt độ tiếp xúc lèo, mối nối và hành lang tuyến đường dây để kịp thời khắc phục, xử lý hiện tượng bất thường, bảo đảm lưới truyền tải điện không xảy ra sự cố trong cung cấp điện./.

Bài 3: Tăng cường đầu tư cho lưới điện


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/kinh-te/vuot-kho-giu-vung-dong-dien-bai-2-ap-luc-cung-cap-dien-20240522111006469.htm