baokontum.com.vn
Nhận thức được tầm quan trọng việc phát triển thị trường trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, những năm qua, tỉnh ta tích cực triển khai Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, hoạt động thương mại trên địa bàn có bước phát triển toàn diện, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Nhằm phát triển thương mại trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng và góp phần định hướng, dẫn dắt cho sản xuất, ngày 14/9/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 3274/KH-UBND về triển khai Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương của tỉnh triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, xây dựng văn minh thương mại gắn với bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng, thu hút các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng thương mại; tăng cường các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phân phối hàng hóa, khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ trong thời đại 4.0.
Hoạt động xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Ảnh: T.H
Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Thực hiện Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các chương trình, đề án xúc tiến thương mại. Các hoạt động được triển khai đa dạng, như hỗ trợ tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, các chương trình hợp tác giao lưu giữa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia, xây dựng và duy trì điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, hàng hóa đặc trưng của tỉnh.
Trong 3 năm qua (từ năm 2021 đến nay), ngành Công thương tiếp nhận hồ sơ, cho phép các doanh nghiệp tổ chức hội chợ với quy mô nhỏ khoảng từ 100- 300 gian hàng; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 29 hội nghị kết nối giao thương, tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Kon Tum tại nhiều hội chợ triển lãm ở trong nước như Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La, Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên- Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022, Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng miền năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các hoạt động này, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong phát triển thương mại của tỉnh là việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng kênh cung cấp hàng hóa hiện đại, ứng dụng thương mại điện tử.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Sở Công thương cùng với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử, đào tạo kỹ năng số cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đồng hành, hỗ trợ 70 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia các ứng dụng thương mại điện tử; 200 đơn vị triển khai liên kết, kết nối các giải pháp thương mại điện tử, 90 đơn vị thực hiện chuyển đổi số; tạo điều kiện cho 349 tổ chức, cá nhân đưa thông tin doanh nghiệp, sản phẩm lên hệ thống Sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum.
Hoạt động kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Ảnh: T.H
Theo đánh giá của Sở Công thương, với những chương trình, giải pháp đồng bộ, sau 3 năm thực hiện Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, hoạt động kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Hạ tầng thương mại ngày càng được cải thiện với 34 chợ dân sinh đi vào hoạt động ổn định, 1 trung tâm thương mại và 4 siêu thị cùng với hệ thống các nhà phân phối, bán lẻ phủ kín các địa bàn, đảm bảo cho việc phân phối và lưu thông hàng hóa thuận tiện, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và kích thích sản xuất, kinh doanh ở các địa phương.
Giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh duy trì mức tăng trưởng ổn định, bình quân tăng 15,37%/năm, cao hơn so với mục tiêu đề ra (mục tiêu là 13%).
Riêng 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 32.344 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá trị xuất khẩu, nhập khẩu tăng đều qua các năm, từ 2021-2023, tăng trưởng bình quân đạt 7,39%/năm. Và trong 10 tháng của năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 325,5 triệu USD, đạt 101,7% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cao su thô, tinh bột sắn, cà phê nhân và cà phê hòa tan, dây thun khoanh, bàn ghế gỗ các loại. Thị trường xuất khẩu đa dạng như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Colombia, Đài Loan, Hoa Kỳ.
Việc thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa lĩnh vực thương mại của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, tạo động lưc thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Thiên Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/thuc-hien-hieu-qua-chien-luoc-phat-trien-thuong-mai-44219.html