Gìn giữ nét đẹp nghề dệt thổ cẩm

1

baokontum.com.vn

Từ lâu đời, dệt thổ cẩm truyền thống đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong đời sống cộng đồng các DTTS vùng Tây Nguyên. Hiện nay, trước nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang được chính quyền địa phương, cộng đồng các dân tộc chung tay, nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Với nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống, tỉnh ta sở hữu kho tàng phong phú nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được duy trì và thực hành chủ yếu ở cộng đồng các DTTS tại chỗ và một số các dân tộc khác từ phía Bắc đến định cư tại tỉnh ta.

Hiện nay, với các chính sách khuyến khích, đầu tư của Nhà nước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được phụ nữ các DTTS trên địa bàn tỉnh tích cực gìn giữ, phát huy. Qua đó tạo ra các sản phẩm có giá trị để sử dụng trong đời sống hàng ngày, góp phần phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, trao đổi buôn bán trên thị trường.

Hiện nay, khi đến các thôn, làng đồng bào DTTS, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ ngồi bên khung cửi với đôi tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn, say mê dệt nên những tấm thổ cẩm đủ màu sắc. Đặc biệt, tại những ngày lễ, hội trong năm, trang phục thổ cẩm là một phần không thể thiếu, xuất hiện với đa dạng màu sắc, góp phần tôn vinh nét đẹp của ngày hội, vẻ duyên dáng của người phụ nữ Tây Nguyên.

Các thành viên tại Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở thôn Ri Mẹt (xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) say mê dệt. Ảnh: H.T

 

Trong một dịp đến thôn Ri Mẹt (xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei), chúng tôi được chứng kiến bà con Gié – Triêng tại đây thực hành dệt và trao truyền nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng rất hiệu quả. Từ năm 2022, thôn Ri Mẹt được địa phương hỗ trợ kinh phí thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm với nhiều thành viên là các nghệ nhân lành nghề tại thôn. Từ khi Tổ hợp tác được thành lập đã giúp việc dệt và trao truyền trong lớp trẻ được thuận lợi, phát triển mạnh mẽ hơn.

Hôm chúng tôi đến, chị Y Em – thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Ri Mẹt đang miệt mài bên hiên nhà với khung cửi và những cuộn sợi chỉ đủ màu sắc. Vừa tiếp chuyện với khách, đôi tay chị vẫn thoăn thoắt trên khung cửi để tạo nên những đường nét, hoa văn cho tấm thổ cẩm còn dang dở.

Chị Y Em chia sẻ: Thổ cẩm của người Gié – Triêng có màu vàng, màu đỏ và trắng làm chủ đạo, việc sáng tạo các hoa văn, đường nét đều dựa trên những nền màu cơ bản này. Khi còn nhỏ tôi rất thích ngắm nhìn những chiếc áo, váy thổ cẩm sặc sỡ nên được mẹ dạy cho cách dệt. Nhưng khi lớn lên, thổ cẩm ít được ưa chuộng nên tôi chỉ dệt để phục vụ trong gia đình. Từ khi là thành viên của Tổ hợp tác, tôi dệt các sản phẩm theo đơn đặt hàng nên có thu nhập trang trải cuộc sống. Vừa được làm công việc yêu thích vừa giữ được nghề truyền thống của cha ông nên tôi rất vui”.

153821C%C3%A1c%20lo%E1%BA%A1i%20h%C3%ACnh%20t%E1%BB%95%20h%E1%BB%A3p%20t%C3%A1c,%20t%E1%BB%95%20li%C3%AAn%20k%E1%BA%BFt%20trong%20d%E1%BB%87t%20th%E1%BB%95%20c%E1%BA%A9m%20c%C3%B2n%20l%C3%A0%20n%C6%A1i%20trao%20truy%E1%BB%81n,%20ti%E1%BA%BFp%20l%E1%BB%ADa%20%C4%91am%20m%C3%AA%20cho%20c%C3%A1c%20em%20nh%E1%BB%8F

Các loại hình tổ hợp tác, tổ liên kết trong dệt thổ cẩm còn là nơi trao truyền, tiếp lửa đam mê cho các em nhỏ. Ảnh: H.T

 

Chị Y Nhổ – Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Ri Mẹt cho biết: Được địa phương hỗ trợ thành lập tổ hợp tác dệt đã giúp các thành viên thêm say mê, vững tin vào nghề, tích cực truyền dạy cho lớp trẻ. Tổ hợp tác làm ra các sản phẩm chủ yếu là áo, váy, khăn, mền truyền thống với họa tiết, màu sắc đa dạng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hướng đến trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Bên cạnh mang lại thu nhập cho các thành viên, tổ hợp tác còn là nơi khơi dậy niềm đam mê cho các em nhỏ tại thôn trong học nghề dệt thổ cẩm”.

Đứng trước những đòi hỏi và thách thức của thị trường trong nhịp sống hiện đại, để nghề dệt thổ cẩm truyền thống được duy trì và phát huy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, cách làm sáng tạo để gìn giữ và bảo tồn nghề dệt gắn với phát triển hiệu quả du lịch, tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tiêu biểu như tại thành phố Kon Tum, địa phương hiện có trên 36% dân số là người DTTS tại chỗ như Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng. Chính quyền, địa phương đã tích cực mở các lớp đào tạo nghề về nghề dệt thổ cẩm;  hỗ trợ thành lập được 8 tổ hợp tác dệt thổ cẩm thu hút nhiều phụ nữ DTTS tham gia. Đồng thời khuyến khích bà con sáng tạo những sản phẩm thổ cẩm cách tân kết hợp truyền thống để có mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu hiện đại.

Đối với người Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum, thổ cẩm được xem là “linh hồn” của cả cộng đồng vì mang đậm những nét văn hóa rất riêng. Thổ cẩm của người Ba Na thường có gam màu chủ đạo là đen, xanh đen, gắn với các họa tiết đỏ, vàng, trắng. Đối với già làng, người có uy tín trong làng, trên trang phục thổ cẩm của họ thường dày, có nhiều màu sắc, hoa văn, vật trang trí hơn so với trang phục thông thường để thể hiện sự trang trọng, quyền uy của người mặc.

Nghệ nhân ưu tú Y Hanh (66 tuổi) – Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết: “Tổ hợp tác hiện có 15 thành viên đủ mọi lứa tuổi tham gia thường xuyên. Được hỗ trợ của chính quyền địa phương, Tổ hợp tác từng bước phát triển hiệu quả, kết nối thêm nhiều thành viên có đam mê với nghề dệt. Bên cạnh công việc đứng lớp giảng dạy về nghề thổ cẩm do địa phương tổ chức, tôi còn kết nối, nhận đặt hàng của khách và giao lại cho các thành viên cùng làm để sản phẩm được hoàn thiện và nhanh nhất. Với sản phẩm dệt tay, chúng tôi bán từ 1,5 triệu đồng/tấm; các họa tiết cũng được cách tân, sáng tạo bắt mắt để phù hợp với thị hiếu”.

153854Th%E1%BB%95%20c%E1%BA%A9m%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20g%C3%ACn%20gi%E1%BB%AF,%20b%E1%BA%A3o%20t%E1%BB%93n%20v%C3%A0%20s%E1%BB%AD%20d%E1%BB%A5ng%20trong%20nhi%E1%BB%81u%20ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20v%C4%83n%20h%C3%B3a,%20v%C4%83n%20ngh%E1%BB%87

Thổ cẩm truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và sử dụng trong nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ảnh: H.T

 

Ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, nhằm bảo tồn và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của cộng đồng các DTTS, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm, bố trí nguồn lực trong công tác truyền dạy, gìn giữ, bảo tồn. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân phát triển nguồn nguyên liệu, trồng bông, dệt vải để tạo nguồn nguyên liệu truyền thống; hỗ trợ dụng cụ, khung dệt cho các nghệ nhân; tuyên truyền người dân, các đội văn nghệ truyền thống sử dụng đúng các loại trang phục của dân tộc mình tại các lễ hội, ngày hội do tỉnh tổ chức.

Nhờ những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, trở thành nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc. Đến nay, tỉnh ta có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) tại huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum; nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc nghề dệt truyền thống của dân tộc trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã mở ra cơ hội phát triển nghề cho bà con trong thời gian đến.

“Với những kết quả đạt được trong việc duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh còn giúp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân. Tuy nhiên, để thổ cẩm truyền thống thực sự phát triển mạnh mẽ, bền vững theo thời gian rất cần sự chung tay nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương và cộng đồng các DTTS trên địa bàn” –  ông Phan Văn Hoàng cho biết thêm.

Hoàng Thanh