Gỡ vướng cho chính quyền và người dân

6

baokontum.com.vn

Ngày 14/11, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 65/2024/QĐ-UBND quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi được ban hành, quy định này đã nhận được sự quan tâm, đồng tình cao từ dư luận vì tháo gỡ vướng mắc bao lâu nay.

Người đầu tiên được tôi thông báo nội dung Quyết định số 65 là anh Nguyễn Văn Minh ở gần nhà (thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum). Phải nói ngay rằng, anh rất vui mừng khi nghe tin này.

Sở dĩ tôi thông báo cho anh là vì biết anh đang rất mong mỏi quy định này. Cách đây ít hôm, anh đã từng hỏi tôi rằng, một số tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Lâm Đồng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, đã có quy định cho phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Không biết tỉnh mình đã có chưa?

Lúc ấy, tôi đã nói với anh rằng, chắc chắn sẽ có. Khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai 2024 quy định: “Người sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp”.

Xây dựng công trình tạm trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhu cầu bức thiết của người dân. Ảnh: H.L

 

Khi Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng xây dựng các văn quy phạm pháp luật áp dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Anh Minh là một trường hợp cụ thể mà tôi biết đang gặp vướng mắc từ các quy định về sử dụng đất nông nghiệp. Gia đình anh có một một khu đất sản xuất hơn 3ha. Nhiều năm qua, anh có nhu cầu xây dựng nhà kho chứa phân bón, dụng cụ sản xuất, nông sản khi vào mùa thu hoạch và để người làm công ở tạm nhưng không được phép. Từ đó dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, kể cả thiệt hại, trong sản xuất.

Bao nhiêu lần tôi đi hỏi, đều được trả lời là pháp luật không cho phép. Chính quyền và cơ quan chức năng cũng chia sẻ rằng cũng rất muốn hỗ trợ, muốn tháo gỡ nhưng không được- anh nói.

Với quy định mới theo Quyết định số 65, không chỉ gia đình anh Minh mà nhiều, rất nhiều tổ chức, cá nhân có sử dụng đất nông nghiệp thở phào nhẹ nhõm.

Theo một cán bộ xã, lâu nay, vấn đề xây dựng lán trại, nhà kho, sân phơi trên đất nông nghiệp là vướng mắc của nhiều hộ gia đình có đất sản xuất nông nghiệp lẫn chính quyền địa phương.

Vì nhu cầu bức thiết, người dân xin phép xây dựng công trình thì không được, vì chưa có quy định. Nhưng tự ý xây dựng là trái phép, nếu chính quyền xử phạt thì mang tiếng làm khó người dân; không xử phạt thì thành ra bao che, để xảy ra xây dựng trái phép trên địa bàn.

Quy định mới góp phần khắc phục tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: HL

 

Có thể nói Quyết định 65 của UBND tỉnh đã giải quyết nhu cầu thực tế và bức thiết của người sản xuất nông nghiệp; tháo gỡ được vướng mắc cho chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, xây dựng.

Đặc biệt, việc cho phép xây dựng công trình để phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết được bài toán xây dựng trái phép; hạn chế được tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.

Quy định này càng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, đặc biệt là nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch theo chủ trương của tỉnh. Vì khi thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao rất cần các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trực tiếp.

Theo Quyết định số 65, người sử dụng đất nông nghiệp được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trừ trường hợp xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, đất lâm nghiệp và điện tích khu đất có đất nông nghiệp sử dụng kết hợp trong thửa đất có đất ở.

Theo đó, diện tích khu đất (tổng diện tích của một hoặc nhiều thửa đất liền kề) từ 2.000m2 đến dưới 5.000m2 được sử dụng tổng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 25m2. Diện tích khu đất từ 5.000m2 đến dưới 10.000m2 được sử dụng tổng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 50m2. Diện tích khu đất từ 10.000m2 đến dưới 50.000m2 được sử dụng tổng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 100m2.

Diện tích khu đất từ 50.000m2 đến 300.000m2 được sử dụng tổng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 200m2. Diện tích khu đất trên 300.000m2 được sử dụng tổng diện tích đất để xây dựng công trình không quá 300m2.

Quyết định số 65 cũng nêu rõ, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là công trình xây tạm, dễ dàng tháo dỡ, gồm nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ lao động.

Để quy định mới sớm được triển khai một cách hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện; tổng hợp khó khăn, vướng mắc để đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện quy định; kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không đúng quy định và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp vi phạm pháp luật trên địa bàn quản lý.

Tất nhiên, việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa phải được quản lý chặt chẽ  phù hợp với thực tiễn và hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng “thửa ruộng nào cũng có lán, trại, nhà kho”, thậm chí lách luật, núp bóng quy định để xây dựng công trình kiên cố, không phải công trình tạm.

Chắc chắn chính quyền và ngành chức năng sẽ phải nghiên cứu các giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai. Còn trước mắt, quy định mới này đã nhận được sự quan tâm, đồng tình cao từ dư luận ngay khi mới ban hành.  

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/go-vuong-cho-chinh-quyen-va-nguoi-dan-44146.html