Quyết liệt hơn trong di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

21

baokontum.com.vn

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo môi trường, vệ sinh thực phẩm và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, phù hợp với quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vấn đề này trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm và gặp nhiều vướng mắc.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh ta có bước những chuyển biến rõ nét về cả quy mô, hình thức tổ chức sản xuất. Chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung theo hướng khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao bước đầu có sự phát triển.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn gia súc 301.184 con; trong đó, đàn trâu có 24.528 con, đàn bò có 92.408 con, đàn heo 184.248 con.  Tổng đàn gia cầm 1.991.000 con. Toàn tỉnh có 24 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 45 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại vừa và 73 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại nhỏ.

162014Ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20ch%C4%83n%20nu%C3%B4i%20theo%20quy%20m%C3%B4%20trang%20tr%E1%BA%A1i,%20an%20to%C3%A0n%20sinh%20h%E1%BB%8Dc%20l%C3%A0%20gi%E1%BA%A3i%20ph%C3%A1p%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20khuy%E1%BA%BFn%20kh%C3%ADch.

Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, an toàn sinh học là giải pháp được khuyến khích. Ảnh: T.H

 

Trên thực tế, ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ manh mún, tự phát và chủ yếu tận dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ ít được đầu tư, khả năng tiếp cận áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Phương thức nuôi chủ yếu là phân tán, tập quán chăn thả, nhốt vật nuôi gần khu sinh hoạt gia đình. Điều đáng chú ý, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẽ trong các khu dân cư vẫn khá phổ biến; phần lớn các hộ chăn nuôi không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo quy chuẩn gây ra ô nhiễm môi trường.

Ngày 12/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi  trên địa bàn tỉnh

Theo đó, khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Đến hết ngày 31/12/2024, các cơ sở chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định. Các hộ, cơ sở chăn nuôi khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi và di dời đến khu vực được phép chăn nuôi sẽ được hỗ trợ kinh phí tùy theo quy mô, số lượng vật nuôi; đồng thời, được hỗ trợ ổn định đời sống. Chủ trương trên nhằm sắp xếp lại khu vực chăn nuôi và xử lý triệt để những trang trại gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư do hoạt động chăn nuôi gây ra.

Ông Đoàn Bá Quyết – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị, hướng dẫn các địa phương rà soát, triển khai các giải pháp đưa các cơ sở chăn nuôi ra khỏi những khu vực không được phép. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở các hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm quy định.

Đến nay, có 5 địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê, tổng hợp danh sách các cơ sở, trang trại, hộ gia đình chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi và có nhu cầu di dời.

Qua rà soát, có 377 cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi. Cụ thể, huyện Đăk Glei 124 hộ, huyện Ngọc Hồi 96 hộ, huyện Sa thầy 49 hộ, huyện Đăk Hà 16 hộ  và thành phố Kon Tum 92 hộ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có cơ sở chăn nuôi nào chủ động di dời.

162100Vi%E1%BB%87c%20%C4%91%C6%B0a%20c%C6%A1%20s%E1%BB%9F%20ch%C4%83n%20nu%C3%B4i%20ra%20kh%E1%BB%8Fi%20khu%20d%C3%A2n%20c%C6%B0%20g%C3%B3p%20ph%E1%BA%A7n%20h%E1%BA%A1n%20ch%E1%BA%BF%20%C3%B4%20nhi%E1%BB%85m%20m%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng,%20b%E1%BA%A3o%20%C4%91%E1%BA%A3m%20an%20to%C3%A0n%20d%E1%BB%8Bch%20b%E1%BB%87nh

Việc đưa cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ảnh: TH

 

Theo ông Đoàn Bá Quyết, việc vận động các cơ sở chăn nuôi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, vì đa số các hộ này thuộc diện hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng diện tích còn để trống chăn nuôi nhằm tăng nguồn thu nhập, nên khi di dời không có quỹ đất, thiếu kinh phí để xây dựng lại chuồng trại. Nhiều lao động tại cơ sở, hộ chăn nuôi lớn tuổi, khó chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Mặt khác, nhiều địa phương  chưa bố trí được quỹ đất quy hoạch chăn nuôi tập trung để đưa các cơ sở chăn nuôi vào khu quy hoạch.

Chẳng hạn như tại thành phố Kon Tum, địa phương xác định, việc di chuyển các hộ chăn nuôi ra khỏi khu nội thị, khu dân cư là việc làm cần thiết để xây dựng đô thị văn minh, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Do đó, thời gian qua UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường rà soát, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tối đa việc chăn nuôi trong khu dân cư, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát. Đồng thời, xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường khi phát hiện được hoặc có ý kiến kiến nghị của người dân.

Nhưng do điều kiện kinh tế của một số gia đình còn khó khăn, nhiều người lớn tuổi khó tìm công việc mới nên vẫn duy trì chăn nuôi. Vì thế, tình trạng chăn nuôi xen lẫn trong khu vực không được phép chăn nuôi vẫn còn diễn ra.

Cũng theo ông Đoàn Bá Quyết , thời gian tới, Chi cục  Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến để các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là các hộ gia đình hiểu rõ hơn về quy định, chính sách hỗ trợ của tỉnh liên quan đến việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, từ đó tự giác thực hiện. Đồng thời, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ gắn với xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tăng cường thanh kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Để đảm bảo việc di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư được thực hiện triệt để, bên cạnh chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần chủ động bố trí quỹ đất quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, có những giải pháp phù hợp khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường.     

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/quyet-liet-hon-trong-di-doi-co-so-chan-nuoi-ra-khoi-khu-dan-cu-43065.html