Điều chỉnh thời gian giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện phát triển kinh tế

5

baokontum.com.vn

22/05/2024 13:11

Việc thông qua Nghị quyết về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 nguồn ngân sách địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, các địa phương trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Nghị quyết 13/NQ-HĐND (ban hành ngày 3/5/2024) của HĐND tỉnh về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 nguồn ngân sách địa phương, tổng nguồn vốn được kéo dài là 45,792 tỷ đồng thuộc 12 dự án, nhiệm vụ do cấp tỉnh quản lý và 34,845 tỷ đồng của 75 dự án thuộc ngân sách của 9 huyện, thành phố.

Cụ thể, trong 12  dự án, nhiệm vụ do cấp tỉnh quản lý, có 8 dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023 và không được bố trí vốn kế hoạch năm 2024 với tổng kế hoạch đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 là 31,82 tỷ đồng.  4 dự án, nhiệm vụ hiện nay đang triển khai thực hiện theo tiến độ; mặc dù các chủ đầu tư đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép trong quá trình triển khai thực hiện để thực hiện giải ngân, tuy nhiên do những yếu tố khách quan nên không thể giải ngân hết kế hoạch được giao; mặt khác, trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn nên để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiếp tục có nguồn vốn thực hiện đảm bảo hoàn thành các dự án, HĐND tỉnh thống nhất cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 là 13,972 tỷ đồng.

152616H3%20(2) min

Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei (huyện Kon Rẫy) được cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Ảnh: T.H

 

Đối với 75 dự án thuộc ngân sách các huyện, thành phố trên địa bàn, vì những lý do khách quan nên không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo quy định, buộc phải xin điều chỉnh. Trong đó, huyện Sa Thầy có số lượng dự án nhiều nhất với 26 dự án, tổng nguồn vốn được phép kéo dài là 14,233 tỷ  đồng; tiếp đến là huyện Kon Plông với 10 dự án, tổng vốn kéo dài là 15,531 tỷ đồng; huyện Đăk Hà có 8 dự án với số vốn điều chỉnh là 720 triệu đồng, huyện Kon Rẫy có 6 dự án với số vốn là 1,633 tỷ đồng, thành phố Kon Tum có 6 dự án với số vốn kéo dài là 343 triệu đồng.

Việc HĐND tỉnh đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải nguồn ngân vốn đầu tư của năm 2023 sang năm 2024 đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương tiếp tục được triển khai thực hiện các dự án, đảm bảo hoàn thành theo tiến độ để đưa vào khai thác, sử dụng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Cùng với đó, để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh, các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ giải ngân các nguốn vốn. Tính đến ngày 30/ 4/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 392,6 tỷ đồng, đạt 17,46% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 địa phương đã giao.

Tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XII vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đánh giá cao nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương và nỗ lực của các doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn ngân sách. Tuy nhiên, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân toàn bộ nguồn vốn đầu tư công mà Trung ương, HĐND tỉnh đã giao năm 2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan rút kinh nghiệm sâu sắc về việc chậm giải ngân, kiên quyết không để tái diễn tình trạng này.

152651H1%20(1) min

Việc HĐND tỉnh đồng ý cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành các dự án, góp phần vào phát triển kinh tế. Ảnh: TH

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong các dự án được HĐND tỉnh cho phép kéo dài thực hiện, có một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp như Dự án Nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền- Phục hồi chức năng tỉnh lên 165 giường kế hoạch năm 2023 giao 18,8 tỷ đồng, giải ngân được 17,4%; Dự án Trưng bày Bảo tàng ngoài trời kế hoạch năm 2023 giao 10 tỷ đồng, giải ngân được 24,2%; Dự án Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Đăk Ring (huyện Kon Plông) năm 2023 giao 900 triệu đồng, giải ngân được 5,7%. Đây là vấn đề mà HĐND tỉnh đặc biệt lưu ý.

Sau khi Nghị quyết 13/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được ban hành, ngày 14/5/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định 278/QĐ-UBND giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 được cho phép kéo dài sang năm 2024 đối với 12 dự án, nhiệm vụ do cấp tỉnh quản lý đúng quy định.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn yêu cầu, các ngành, các địa phương cần phải tập trung thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi công các công trình, dự án nhằm tăng tỷ lệ  giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

HĐND tỉnh đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024; do đó, nguồn vốn đầu tư công năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023. Để đảm bảo kế hoạch giải ngân, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các ngành, các địa phương, qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh và của mỗi địa phương.     

Thùy Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/dieu-chinh-thoi-gian-giai-ngan-von-dau-tu-cong-tao-dieu-kien-phat-trien-kinh-te-40951.html