baokontum.com.vn
23/05/2024 15:56
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng, sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những thiệt hại ấy có thể được giảm thiểu nếu chúng ta tuân thủ nguyên tắc “chủ động trước thiên tai”.
Ngày 22/5- Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam 22/5 bắt đầu bằng bằng màn mưa rả rích từ sáng đến gần trưa. Trước đó, nắng nóng khốc liệt đã kéo dài nhiều ngày.
Trước đó, chúng ta đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến hạn hán, thiếu nước ở nhiều khu vực, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân- Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 3/5 của UBND tỉnh cho hay.
Cũng theo Công điện số 01, đến đầu tháng 5, đã có khoảng 112ha đất sản xuất bị khô hạn, thiếu nước (chủ yếu ở huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum); khoảng 117 giếng nước ở thành phố Kon Tum bị thiếu nước.
Lượng nước trong các hồ thủy lợi, thủy điện cũng xuống ở mức rất thấp, như hồ Đăk Uy dung tích còn khoảng 5,29%; hồ Đăk Yên còn khoảng 15,69%; hồ Ia Bang Thượng còn khoảng 2,11%. Nhiều hồ chứa nhỏ chỉ còn lại dung tích c h ế t, như Cà Tiên, Tân Điền, Hồ 6A, 6B, Hồ C2, C3.
Dù vậy, điều rất đáng ghi nhận là công tác ứng phó với thiên tai đang ngày càng trở nên hiệu quả hơn. Tinh thần chủ động trước thiên tai, phòng từ sớm, từ xa đã và đang được các cấp, các ngành phát huy khá tốt, từ đó hạn chế phần nào thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.
Trong đó nổi bật là ngành Nông nghiệp, vốn là một trong những ngành luôn chịu tác động trực tiếp nhất, thiệt hại nặng nề nhất, nhưng trải qua đợt khô hạn kéo dài vừa qua, diện tích lúa nước vụ Đông Xuân gần như không chịu thiệt hại nào.
Nhờ chủ động xuống giống sớm nên vụ Đông Xuân 2023-2024 không chịu ảnh hưởng lớn từ hạn hán. Ảnh: HL
“Chìa khóa thành công” nằm trong sự chủ động phòng tránh từ sớm, thông qua thay đổi thời vụ xuống giống; chủ động cải tạo hệ thống thủy lợi và áp dụng đồng bộ các biện pháp tiết kiệm nước phù hợp.
Theo ông Đặng Trần Huân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước dự báo xảy ra khô hạn cao, ngay từ tháng 10/2023, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân xuống giống lúa sớm hơn từ 15 – 20 ngày so với các năm trước.
Cùng đó, ngành Nông nghiệp yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa, hồ thủy lợi; vận hành hệ thống kênh mương thủy lợi hợp lý; hướng dẫn bà con lấy nước từ trên cao xuống thấp, sử dụng nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ tưới mới.
Đối với cây công nghiệp (chủ yếu là cà phê), cây ăn quả, đã khuyến khích nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khô hạn để kịp thời ứng phó.
Anh Trần Đức Tiến (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Được cảnh báo về khô hạn, thiếu nước, người trồng cà phê chủ động phối hợp điều tiết nước, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo độ ẩm cho cây. Vì vậy, diện tích cà phê ở khu vực này vẫn phát triển tốt trong hạn hán.
Đặc biệt, với phương châm “một đồng phòng bằng 10 đồng khắc phục,” từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng cơ bản trọng điểm phòng, chống thiên tai; khắc phục nhanh chóng các điểm xung yếu bị ảnh hưởng, đáp ứng giao thông đi lại, phục vụ cho sản xuất, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
UBND tỉnh đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với hàng loạt công trình khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai ở các huyện, thành phố. Trong đó có thể kể đến các công trình như khắc phục sạt lở đập Đăk Ngao 1 (huyện Sa Thầy); khắc phục sạt lở bờ sông Đăk SNghé (huyện Kon Rẫy); khắc phục sạt lở đường Sa Thầy – Ya Ly – Thôn Tam An (xã Sa Sơn) – Ya Mô – Làng Rẽ (huyện Sa Thầy).
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, sau nắng nóng kéo dài, trong mùa mưa 2024, tỉnh ta có khả năng xảy ra từ 8-10 đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 100-250mm/đợt.
Nhiều địa phương đứng trước nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là trong các tháng 9,10,11, có thể gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế- xã hội, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, những thiệt hại ấy có thể được giảm thiểu nếu chúng ta luôn chủ động trước thiên tai.
Theo các chuyên gia, muốn chủ động trước thiên tai, cần có giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện “3 trụ cột” là: Cải thiện thông tin; chủ động lập kế hoạch, thực hiện hành động sớm và bố trí nguồn lực sẵn sàng.
Thực tế cũng cho thấy, trong những năm qua, các ngành, các địa phương, đơn vị đã làm khá tốt khâu xây dựng phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Cắm biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm. Ảnh: HL
Theo đó, các địa phương đều xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho từng vùng cụ thể theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận biết những tác động xấu của thiên tai để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng và các loại nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai.
Hiện nay 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập được đội xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 5.200 người tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt trong xử lý các tình huống thiên tai tại cơ sở và triển khai các nhiệm vụ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Vậy thì điều quan trọng nhất là cảnh báo, dự báo phải ngày càng chính xác hơn và đến được với đối tượng chịu tác động một cách nhanh chóng, kịp thời hơn, thay vì để xảy ra tình trạng ứng phó bị động.
Đặc biệt, cần khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu khu vực.
Đồng thời bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho các công trình phòng, chống thiên tai. Vì một đồng bỏ ra để hành động sớm thì đỡ tốn hơn 10 đồng khi khắc phục hậu quả.
Hồng Lam
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/chu-dong-truoc-thien-tai-41016.html