Y Triêng Nữ nghệ nhân đa tài

63

baokontum.com.vn

02/08/2022 06:07

Từ lâu, người dân thôn 5 (thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) không còn xa lạ với cái tên Y Triêng (54 tuổi) – nữ nghệ nhân đa tài, am hiểu nhiều loại hình văn hóa truyền thống. Không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình tới du khách gần xa, nữ nghệ nhân còn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong làng gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đến thăm nhà nghệ nhân Y Triêng, đúng lúc bà mới ở rẫy về. Nhà không lớn nhưng bà dành nguyên căn phòng để bày biện đủ thứ nhạc cụ, trang phục, vật dụng truyền thống do chính tay mình chế tác. Quan sát trong căn phòng, chúng tôi cảm giác như tham quan một triển lãm nghệ thuật thu nhỏ.

Mảng tường lớn nhất tại căn phòng được bà Y Triêng bày biện các vật dụng theo thứ tự so với quá trình học hỏi của bà, càng nhìn càng thấy sự tinh tế và đẹp mắt qua cách trang trí. Đó là hình ảnh của những tấm thổ cẩm đầy ắp kỷ niệm, khi từ thuở còn nhỏ bà đã mày mò, dày công học hỏi, vào tận rừng sâu để lấy nguyên liệu tạo màu, tạo sợi; hay những vật dụng đời thường, các loại nhạc cụ bằng tre nứa mà Y Triêng dày công cùng cha mình làm ra… Điều đặc biệt, Y Triêng dành một góc riêng để cất giữ và bảo quản bộ cồng chiêng quý.

154145C%C4%83n%20ph%C3%B2ng%20c%E1%BB%A7a%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20Y%20Tri%C3%AAng%20nh%C6%B0%20m%E1%BB%99t%20tri%E1%BB%83n%20l%C3%A3m%20thu%20nh%E1%BB%8F%20v%E1%BB%9Bi%20%C4%91%E1%BA%A7y%20%C4%91%E1%BB%A7%20c%C3%A1c%20v%E1%BA%ADt%20d%E1%BB%A5ng,%20nh%E1%BA%A1c%20c%E1%BB%A5%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng
Căn phòng của nghệ nhân Y Triêng như một triển lãm thu nhỏ với đầy đủ các vật dụng, nhạc cụ truyền thống. Ảnh: HT

 

Chỉ tay vào từng vật dụng, nghệ nhân Y Triêng say sưa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về chúng như người mẹ kể về những đứa con của mình vậy. Với giọng nói nhẹ nhàng, trong trẻo, nghệ nhân Y Triêng hút chúng tôi vào từng câu chuyện bà kể.

Nghệ nhân Y Triêng sinh ra và lớn lên ở làng Cheo Leo (nay đã thành một phần của thôn 5, thị trấn Đăk Rve), đến với văn hóa văn nghệ truyền thống như một cái duyên. Từ nhỏ bà đã được trời phú giọng hát trong trẻo, cảm xúc. Lớn lên bà lại có niềm đam mê mãnh liệt với các nét văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc mình. Bà học đan, dệt vào năm 12 tuổi; lớn lên tự mày mò học đánh cồng chiêng, múa xoang; khi thạo chiêng rồi thì tiếp tục tập đánh đàn klong but, ting ning, tơ rưng… Dường như môn nào cũng vậy, khi bà đã quyết tâm học thì đều tập được thành thạo nhanh chóng, được các già trong làng khen là khéo tay, có khiếu.

Nghệ nhân Y Triêng lần lượt mang từng vật dụng, nhạc cụ tại phòng biểu diễn cho chúng tôi xem. Quả thật, chứng kiến bà chơi các loại nhạc cụ, chúng tôi cảm giác như bà có một “công thức riêng”, chỉ cần thay mỗi nhạc cụ khác nhau thì sẽ có cách ứng tấu, biểu diễn phù hợp. Cách chơi chiêng, chơi đàn của bà tuy đơn giản nhưng giai điệu và âm thanh rất có hồn, âm nào chắc âm đó, vô cùng sâu lắng và cảm xúc.

Dù thạo nhiều nhạc cụ nhưng hiện nay, bà Y Triêng vẫn chọn đánh cồng chiêng, múa xoang làm bộ môn chính để theo đuổi và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Theo bà, cồng chiêng và múa xoang là thông dụng nhất và không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội. Bà cũng là người dạy đánh cồng chiêng giỏi của làng, thường xuyên biểu diễn và tổ chức lớp dạy cho thế hệ trẻ.

154244M%E1%BA%B7c%20d%C3%B9%20bi%E1%BA%BFt%20nhi%E1%BB%81u%20lo%E1%BA%A1i%20h%C3%ACnh%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20nh%C6%B0ng%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20Y%20Tri%C3%AAng%20v%E1%BA%ABn%20ch%E1%BB%8Dn%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20l%C3%A0%20b%E1%BB%99%20m%C3%B4n%20y%C3%AAu%20th%C3%ADch%20v%C3%A0%20g%E1%BA%AFn%20b%C3%B3
Nghệ nhân Y Triêng yêu thích và gắn bó với cồng chiêng. Ảnh: HT

 

Trong căn phòng nhỏ, nghệ nhân Y Triêng cẩn thận, tỉ mỉ mở nút cài chiếc vỏ bọc bộ cồng chiêng và lấy ra từng chiếc từ lớn đến nhỏ. Mỗi chiếc lấy ra bà đều gõ nhẹ và kiểm tra âm thanh, rồi lâu lâu lại nở nụ cười hiền tâm đắc với từng âm thanh phát ra. Bởi theo bà cho rằng, bộ chiêng này càng để lâu âm thanh càng hay như những chum rượu quý càng để lâu càng ngon vậy.

Bà Y Triêng chia sẻ: “Hàng năm, cứ sau mỗi mùa thu hoạch nông sản, bà con dân làng lại tưng bừng bước vào các ngày hội. Ngày ấy thôn mình nhiều lễ hội lắm như lễ mừng lúa mới, bắc máng nước… Những dịp như thế, không thể thiếu cồng chiêng, múa xoang, sau đó là giai điệu của những chiếc đàn tre, nứa, những giọng hát giao duyên, đối đáp đầy mê hoặc và hấp dẫn của các đôi nam nữ… Ngày còn nhỏ, với tôi đây còn là dịp để có cơ hội học hỏi các nghệ nhân, già làng cách chơi các bộ môn nghệ thuật mà họ biểu diễn”.

Hiện nay, làng đang duy trì đội cồng chiêng, múa xoang để tập luyện và biểu diễn. Theo bà Y Triêng, những lúc có dịp lễ hội có khi tối nào cũng tập, còn ngày thường thì một tháng tập vài ba lần cho khỏi quên bài.

154407Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20Y%20Tri%C3%AAng%20t%C3%A2m%20huy%E1%BA%BFt%20v%E1%BB%9Bi%20vi%E1%BB%87c%20truy%E1%BB%81n%20d%E1%BA%A1y%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20cho%20th%E1%BA%BF%20h%E1%BB%87%20tr%E1%BA%BB
Nghệ nhân Y Triêng tâm huyết với việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: HT

 

Nói về việc truyền dạy cồng chiêng và các bộ môn truyền thống khác cho lớp trẻ trong làng, nghệ nhân Y Triêng cũng đầy trăn trở và lo âu. Hiện tại các con của bà là A Nhấp (30 tuổi) và A Nhét (27 tuổi) mặc dù cũng biết đẽo tượng, đan gùi chút ít, nhưng chỉ làm cho vui chứ cũng không mặn mà lắm. Trong làng nhiều em nhỏ khác cũng vậy, cũng được học các nhạc cụ truyền thống nhưng khi rời lớp về nhà thì cũng ít tập luyện, không có sự mày mò khám phá như lớp nghệ nhân già ngày xưa.

Chị Y Hrem từng là trưởng thôn Cheo Leo nhiều năm liền, là một trong những người gắn bó và trăn trở việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống ở nơi đây. Hiện giờ khi thực hiện sáp nhập, thôn Cheo Leo trở thành thôn 5, chị không còn là trưởng thôn nữa nhưng vẫn hết lòng với những hoạt động tại thôn, đặc biệt là các phong trào tập luyện và biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Chị Y Hrem chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở và ra sức giữ gìn, đẩy mạnh các phong trào tập luyện văn hóa nghệ thuật truyền thống và được các nghệ nhân, già làng nơi đây rất ủng hộ. Một trong số đó có thể kể đến nghệ nhân Y Triêng, là một nghệ nhân giỏi của làng và rất tích cực với các hoạt động của thôn làng, đạt thành tích xuất sắc trong các ngày hội văn hóa dân tộc tại địa phương”.

Cũng theo Y Hrem, Y Triêng là nghệ nhân đa tài, vừa đánh cồng chiêng giỏi lại còn biết ca hát, chơi nhiều nhạc cụ và thành thạo nhiều bộ môn khác. Bà thường xuyên được mời đứng lớp và tham gia truyền dạy về kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ trong cộng đồng, được dân làng yêu quý và kính trọng. Ngoài ra, nghệ nhân Y Triêng còn thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội do địa phương tổ chức và đạt nhiều thành tích cao.

Chia tay bà Y Triêng, chúng tôi rời làng Cheo Leo hướng về thành phố Kon Tum. Trong không khí dịu nhẹ trong lành của rừng núi bao phủ ngôi làng, chúng tôi vẫn còn lâng lâng với những giai điệu truyền thống và những câu chuyện kể hấp dẫn của nghệ nhân Y Triêng. Hi vọng vào một ngày không xa, với sự chỉ dạy của những nghệ nhân tâm huyết tại làng, trong đó có nghệ nhân Y Triêng, làng Cheo Leo sẽ có những lớp trẻ tài năng và nhiệt huyết với văn hóa truyền thống.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/y-trieng-nu-nghe-nhan-da-tai-24764.html