baokontum.com.vn
04/02/2024 13:09
Ở thôn Kon Tum Kơ Pơng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), ai cũng dành cho già Luk (69 tuổi) những lời khen ngợi, bởi ông không chỉ là người giỏi đan lát mà còn rất tâm huyết trong việc truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Chúng tôi gặp già Luk tại nhà riêng khi ông đang miệt mài ngồi đan những chiếc giỏ bằng mây tre với đủ kích cỡ. Đôi tay ông thoăn thoắt, điêu luyện để đan những chiếc nan tre, vào nhau một cách đầy nghệ thuật khiến chúng tôi không thể rời mắt.
Vừa làm, già Luk vui vẻ chia sẻ: Bà con trong thôn Kon Tum Kơ Pơng giỏi rất nhiều nghề truyền thống, trong đó, có đan lát mây, tre. Không chỉ đàn ông trong làng mà phụ nữ cũng có rất nhiều người đan lát giỏi. Tính riêng hàng xóm gần nhà ông đã có tới 5-7 người đan lát thành thạo, thường xuyên được thương lái tới thu mua sản phẩm.
Những lúc rảnh rỗi, già Luk lại đan dệt như một thú vui hàng ngày. Ảnh: HT
Già Luk cho biết, không rõ nghề đan lát ở thôn Kon Tum Kơ Pơng có tự bao giờ, chỉ biết từ lúc nhỏ, ông đã thấy cha ông và người già trong thôn thường cặm cụi ngồi đan lát dưới gốc cây, bên hiên nhà sàn. Lúc ấy, trong làng, hầu hết hộ nào cũng có người biết đan giỏ mây tre, vừa phục vụ nhu cầu hàng ngày, vừa trao đổi buôn bán với các làng khác.
Đến nay, dù nghề đan lát mây tre không còn thịnh hành như ngày xưa nhưng theo già Luk, hiện tại rất nhiều người ở làng vẫn còn nặng lòng với nghề đan lát, nhưng chủ yếu là những người lớn tuổi, không có việc làm nên tranh thủ làm thêm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.
Kể về mình, già Luk cho biết, ông đến với nghề một cách tự nhiên như bao nghệ nhân khác, vì ngày xưa học đan lát là bắt buộc đối với đàn ông trong làng. Tuy nhiên, khác với những thanh niên cùng trang lứa, già Luk có niềm yêu thích đặc biệt với mây, tre, các kỹ thuật đan, có thể ngồi cả ngày quan sát cha ông mình làm và cố gắng học theo.
Lớn lên, khi đôi tay chắc khỏe dần dần, ông bắt đầu tập làm các vật dụng đơn giản, đồ chơi bằng mây tre để tiêu khiển và tặng cho bạn bè. Thời gian rảnh, ông phụ các già trong làng chuốt nan, chẻ sợi, luôn để ý những lúc cha, ông miệt mài đan lát để học theo. Ông còn theo cha, ông vào rừng học cách chọn tre, nứa chất lượng để làm nguyên liệu.
“Những lần được xem cha, ông, người già trong làng đan lát, tôi chăm chú, bắt chước từng chút một. chỉ sau thời gian ngắn, các kỹ thuật đan như ngấm vào máu. Khi có ý tưởng mới, tôi cứ cặm cụi đan không biết mệt mỏi, chỗ nào không biết lại hỏi và được cha, ông chỉ dạy. Cứ thế mà tôi thành thạo nghề đan lát từ lúc nào không hay” – già Luk chia sẻ.
Già Luk miệt mài đan giỏ bằng mây, tre trước hiên nhà. Ảnh: HT
Với niềm đam mê và sự kiên trì, bền bỉ, già Luk nhanh chóng trở thành thợ đan có tiếng trong làng. Từng sợi mây, sợi tre qua bàn tay khéo léo của ông được uốn cong, tạo hình ra những sản phẩm độc đáo. Cách đây nhiều năm, khi nguyên liệu mây, tre, nứa còn nhiều, nhu cầu về các sản phẩm đan lát còn cao, già Luk cùng bà con trong làng nhận đặt hàng số lượng lớn từ thương lái rồi cùng làm, tạo ra nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Hiện tại, nhu cầu về các sản phẩm đã ít đi, nhưng trong một ngày, nếu rảnh rỗi ông có thể đan 5-6 sản phẩm, bán với giá từ 30-60 nghìn đồng/cái tùy kích cỡ.
“Ngày trước khi người ta đặt hàng nhiều, có khi tôi đan được hơn 10 cái/ngày. Hiện nay, ít người đặt hàng nên tôi chỉ đan theo nhu cầu, hoặc đan sẵn rồi để trong nhà để thương lái tới thu mua” – già Luk cho biết.
Dù biết đan rất nhiều vật dụng như rổ, rá, nia, thúng nhưng hiện tại già Luk chỉ tập trung đan các loại giỏ bằng mây, tre vì nhu cầu thị trường, được thương lái và người dân rất ưa chuộng. Mang ra chiếc giỏ lớn vừa mới đan xong còn thơm mùi tre tươi, già Luk cho biết, đây là sản phẩm được ưa chuộng vì sử dụng được trong nhiều trường hợp. Nếu tập trung, già Luk đan chỉ khoảng hơn 1 tiếng là xong 1 chiếc giỏ.
Ngày nay nguyên liệu tự nhiên hiếm dần, cộng với nhu cầu của thị trường nên có lúc già Luk còn dùng nhựa kết hợp với mây tre để làm nguyên liệu, qua đó giúp tăng độ bền hơn cho sản phẩm.
Già Luk chia sẻ, để có được một sản phẩm chất lượng và đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người nghệ nhân phải cẩn thận, tỷ mỉ. Đặc biệt trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, phải chọn được loại tre, mây vừa “đủ chín”, cộng với việc chẻ, chuốt các sợi nan đạt tỉ lệ hợp lý, kết hợp với kỹ thuật đan, cài bằng tay sẽ tạo cho sản phẩm có độ hoàn hảo hơn. Mặt khác, việc chọn nguyên liệu cũng rất quan trọng, dù có sẵn trong tự nhiên nhưng phải trải qua nhiều lần thất bại mới biết chọn đúng loại nguyên liệu phù hợp.
Những vật dụng bằng mây, tre cỡ nhỏ được già Luk đan dệt chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Ảnh: HT
Giờ đây khi đã cao tuổi, mắt đã mờ, chân cũng đã chậm, già Luk không còn đi xa để lấy nguyên liệu được nên thường nhờ thanh niên trong làng tranh thủ lúc đi rẫy tìm giúp. Ông còn vận động lớp trẻ trong làng học đan lát và sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn học.
Già Luk cho biết: “Hầu hết lớp trẻ trong làng không mấy ai mặn mà với nghề đan lát. Bởi đan lát rất tốn công sức, sản phẩm làm ra có giá rất rẻ nên không đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, nhiều người trẻ sau khi học xong cũng không thường xuyên thực hành nên dần dần cũng quên nghề. Những người già thạo đan lát như chúng tôi muốn truyền nghề cũng khó”.
Hiện tại, già Luk thường xuyên được mời đi tham gia truyền dạy nghề đan lát tại các lớp truyền nghề, chương trình ngoại khóa, văn hóa văn nghệ do các đơn vị, địa phương tổ chức. Những lúc ấy, ông cùng với các nghệ nhân khác nhắc nhở, truyền tình yêu nghề cho thế hệ trẻ để ra sức giữ gìn.
Trăn trở với nghề truyền thống, già Luk tâm sự: “Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của dân tộc, dù khó nhưng chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những lớp dạy nghề truyền thống cho lớp trẻ, những thanh niên có ý muốn học nghề một cách bài bản để giữ nghề”./.
Hoàng Thanh
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nguoi-giu-nghe-dan-lat-o-kon-tum-ko-pong-37320.html