baotintuc.vn
Tinh gọn, hiệu quả
Đại diện Quân khu 5 biểu dương và tặng quà cho các già làng, trưởng thôn tiểu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2023 tại tỉnh Kon Tum. Ảnh (tư liệu) minh họa: Khoa Chương/TTXVN
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương và Chương trình số 39-CTr/TU của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, thời gian qua chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận thôn được huyện vùng biên Sa Thầy triển khai hiệu quả. Sa Thầy là địa phương đầu tiên của tỉnh Kon Tum hoàn thành việc hợp nhất này.
Đến tháng 8/2023, 64 thôn, làng của huyện Sa Thầy đã hoàn thành chủ trương trên. Trong đó, có 53 Bí thư kiêm Trưởng thôn; 11 Bí thư kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận. Việc nhất thể hóa hai chức danh đã giảm được 64 chức danh bán chuyên trách, giúp tinh gọn bộ máy tại thôn, làng.
Xã Ia Ly có 77% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hợp nhất 2 chức danh trên được các cấp ủy Đảng, chính quyền thống nhất triển khai sớm. “Hợp nhất hai chức danh này khi Đảng ủy triển khai công việc, Bí thư kiêm nhiệm nắm bắt được các chủ trương, khi về thôn, làng triển khai thuận lợi hơn.”, ông Phan Chí Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Ia Ly khẳng định.
Với 3 làng phần đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ia Ly lựa chọn nhân sự tại chỗ, làm ăn giỏi, có uy tín. “Là người trong làng, mình hiểu vấn đề, biết được việc cần, lựa chọn cách làm phù hợp với thực tế. Với tư cách là Bí thư, tôi nắm được chủ trương phát triển kinh tế của xã nên họp bàn với người dân trong làng chọn mô hình phát triển cây cao su, cà phê, sầu riêng, nuôi lợn, bò sinh sản. Mô hình phù hợp thực tiễn địa phương cũng như chủ trương chung trong phát triển kinh tế của Đảng ủy xã nên mọi người đồng thuận. Là Bí thư kiêm Trưởng thôn sẽ tạo được sự nhất quán trong công việc nên hiệu quả tốt hơn.”, ông A Dẩu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Tum xã Ia Ly chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Hiền Lương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 thị trấn Sa Thầy cho biết thêm, việc hợp nhất 2 chức danh tạo thuận lợi, chủ động cho công việc. Các chủ trương, chính sách của Đảng được Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch để triển khai, không bỏ sót công việc. Hợp nhất hai chức danh giúp ông chủ động, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm về công việc.
Chủ trương hợp nhất hai chức danh đã tạo được sự thống nhất tại các thôn, làng ở huyện Sa Thầy, từ đó giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Có nhiều Bí thư là người trẻ, tâm huyết, nhiệt tình gánh vác công việc của thôn. Việc thống nhất chức danh giúp cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, bảo đảm trực tiếp và toàn diện. “Thực tiễn triển khai, chủ trương Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đã tạo được sự thống nhất, từ đó giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Các Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết của tổ chức Đảng ở thôn; là nòng cốt xây dựng chi bộ vững mạnh. Việc hợp nhất 2 chức danh tuy giảm người làm nhưng công việc được triển khai nhanh và thông suốt, toàn diện hơn”, Phó Bí thư Huyện Sa Thầy Y Sâm khẳng định.
Nhân sự là then chốt
Để việc hợp nhất đạt hiệu quả, huyện Sa Thầy xác định lựa chọn nhân sự là yếu tố then chốt. Nhân sự được chọn là những người có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành; là người năng động, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với công việc và đặc biệt có uy tín cao trong nhân dân. Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Sa Thầy Nguyễn Minh Thuận, Bí thư kiêm Trưởng thôn phải có sức khỏe, kinh tế tốt, khách quan, công tâm, không lạm quyền, tiêu cực, bảo thủ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhân sự tốt sẽ góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Thực tế khối lượng công việc của Bí thư kiêm Trưởng thôn rất nhiều. Bí thư vừa tiếp nhận, triển khai Nghị quyết, Chỉ thị, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa tại thôn, làng, tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ. “Người kiêm nhiệm phải hiểu được thực tế nơi công tác. Với thị trấn, trung tâm của huyện, công việc nhiều, phức tạp, đa dạng, không giờ giấc nhưng dân tin, Đảng cử, tôi tin tưởng mình sẽ làm tốt công việc nếu xây dựng một tập thể đoàn kết. Để dân tin, đảng viên phải gương mẫu” ông Đỗ Hiền Lương bộc bạch.
Trong quá trình thực hiện, huyện Sa Thầy chú trọng và làm tốt công tác lựa chọn nhân sự. Người được lựa chọn bảo đảm về trình độ, năng lực, phẩm chất, tác phong, uy tín, phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chi bộ, thôn, làng. Nhân sự được chọn nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và sâu sát, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nên hiệu quả triển khai công tác cao hơn.
Các cấp ủy cơ sở tại huyện Sa Thầy chủ trương xây dựng “hạt giống” từ cơ sở. Những người được lựa chọn là các đoàn viên thanh niên tại chỗ, người xuất ngũ, có trình độ, học vấn để hướng dẫn, dìu dắt thông qua các đoàn, hội. Phó Bí thư Huyện ủy Sa Thầy đánh giá, qua thực tế công tác, các Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết của tổ chức đảng ở thôn, làng; là nòng cốt trong xây dựng Chi bộ vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Qua đó, công tác xây dựng Đảng ở cơ sở đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao vai trò, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/dia-phuong/hop-nhat-chuc-danh-bi-thu-kiem-truong-thon-giup-bo-may-tinh-gon-hieu-qua-20231012071523440.htm