Ngày 14-2-2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 238/QĐ-BHVTTDL công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 14 di sản, trong đó có dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na, tỉnh Kon Tum.
Vừa bảo tồn, vừa có thêm thu nhập
Trong tiết trời oi ả của nắng giêng hai, nghệ nhân Y Mứk (59 tuổi, làng Kon Kơ Tu, xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum) vẫn miệt mài bên khung cửi, dệt sản phẩm thổ cẩm khăn trải bàn 20 cái do khách hàng ngoại tỉnh đặt.
Những cuộn chỉ đủ màu sắc được nghệ nhân Y Mứk khéo léo đặt vào khung cửi nhịp nhàng, ngay ngắn. Mỗi tấm khăn đan hoàn thành với đầy đủ màu sắc, hoa văn sẽ được khách chốt đơn 800.000 đồng/cái.
Nghệ nhân Y Mứk tự hào: “Ban ngày, ngoài thời gian lên rẫy, cô ở nhà dệt thổ cẩm bán cho khách hàng. Các sản phẩm từ áo, quần, khăn… cô đều nhận làm. Tùy vào công sức, thời gian bỏ ra sẽ có giá khác nhau. Trung bình mỗi sản phẩm từ 400 đến 1 triệu đồng”.
Nghệ nhân Y Mứk giới thiệu hai chiếc áo thành phẩm, hoa văn bắt mắt. Ảnh: LK. |
Nhắc đến tương lai, nghệ nhân Y Mứk mủi lòng vì 8 đứa con, chỉ có hai đứa học dệt thổ cẩm. Thanh niên trong làng càng ít theo nghề, phần lớn chỉ thích đi làm ăn xa, không muốn học dệt nữa, do tốn công mà thu nhập thấp.
Còn nghệ nhân Y Yin (hơn 70 tuổi) là một trong những nghệ nhân ở tỉnh Kon Tum được đánh giá là “xưa nay hiếm” nhờ sở hữu khả năng tạo ra những hoa văn độc nhất vô nhị. Mỗi sản phẩm bà tạo ra thường gắn với mỗi câu chuyện về buôn làng, những cuộc đi săn thú vị.
Do vậy, sản phẩm của già Y Yin được một đơn vị chuyên về hàng thổ cẩm “bao tiêu, độc quyền” trọn gói. Nghệ nhân Y Yin cũng là một trong ít người vẫn còn sử dụng các chất liệu từ cây bông để cuốn sợi, nhuộm màu, dệt vải.
“Năm 12 tuổi, già đã biết dệt thổ cầm và không ngừng học tập và cố gắng tạo ra nhiều kiểu hoa văn riêng cho mình. Mỗi công đoạn từ kéo sợi, nhuộm màu, dệt… đều phải tỉ mỉ mới làm được những sản phẩm đẹp. Già thường dệt những tấm vải theo những câu chuyện từ xưa, nên không có mẫu giống với ai cả”, nghệ nhân Y Yin nói.
Nghệ nhân Y Yin (hơn 70 tuổi), kéo sợi bông bằng thủ công. Ảnh: HT. |
Do vậy, sản phẩm của già Y Yin được một đơn vị chuyên về hàng thổ cẩm “bao tiêu, độc quyền” trọn gói. Nghệ nhân Y Yin cũng là một trong ít người vẫn còn sử dụng các chất liệu từ cây bông để cuốn sợi, nhuộm màu, dệt vải.
“Năm 12 tuổi, già đã biết dệt thổ cầm và không ngừng học tập và cố gắng tạo ra nhiều kiểu hoa văn riêng cho mình. Mỗi công đoạn từ kéo sợi, nhuộm màu, dệt… đều phải tỉ mỉ mới làm được những sản phẩm đẹp. Già thường dệt những tấm vải theo những câu chuyện từ xưa, nên không có mẫu giống với ai cả”- nghệ nhân Y Yin nói.
Sức sống di sản
Tại Kon Tum, hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na còn duy trì nhiều trong các thôn làng tại các huyện như: Sa Thầy, Kon Rẫy, Đắk Hà và TP Kon Tum.
Đặc biệt, ngày càng có nhiều tổ hợp dệt gia đình, hợp tác xã dệt định hướng đưa sản phẩm truyền thống gắn liền với du lịch cộng đồng, địa phương. Nhờ vậy, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, vừa có thêm thu nhập cho người dân.
Anh Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc HTX Du lịch Nông nghiệp Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum, chia sẻ: “HTX có 600 thành viên, trong đó có gần 10 nghệ nhân dệt thổ cẩm. Mục tiêu của HTX là tạo công ăn việc làm ổn định, kết nối đầu ra sản phẩm cho người dân. Đồng thời hướng đến xây dựng bảo tồn các nét văn hóa truyền thống gắn liền du lịch”.
Nghệ nhân Y Yin kể chuyện bằng hoa văn thổ cẩm. Ảnh: Thông Bahnar. |
Riêng đối với dệt thổ cẩm, khó khăn nhất hiện nay là những nghệ nhân đã lớn tuổi trong khi lớp kế cận rất ít. Đặc biệt thời gian tạo ra một sản phẩm truyền thống mất rất nhiều thời gian nhưng đầu ra hạn chế.
Hơn 123 kiểu dáng hoa văn
Theo thống kê sơ bộ của Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có hơn 123 kiểu dáng hoa văn khác nhau trong các sản phẩm truyền thống của người Ba Na. Thậm chí, mỗi vùng trong tỉnh còn có những hoa văn riêng biệt.
Chính sự đa dạng, khác biệt trong đời sống thường ngày nên những sản phẩm dệt thổ cẩm cũng có những lối diễn đạt, cách làm độc đáo và rất hấp dẫn, bắt mắt.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum), cho biết từ nhiều năm nay, Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm đến bảo tồn trang phục của dân tộc thiểu số. Vì thế, hàng năm địa phương có rất nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ các nghệ nhân. Đồng thời, mở ra nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu dệt thổ cẩm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.
Theo bà Thu, dệt thổ cẩm dân tộc Ba Na được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sơ sở để tỉnh tiếp tục lập hồ sơ đề xuất thêm nét văn hóa của các dân tộc khác. Đồng thời, cũng là động lực để các nghệ nhân nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống bản địa.
“So với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh, hoa văn truyền thống trong thổ cẩm của người Ba Na có độ độc đáo về hình dáng và đường nét hoa văn, màu sắc đa dạng. Mặt khác, để dệt thổ cẩm vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì phải khẳng định được sức sống di sản”- bà Thu chia sẻ.
Người lưu giữ nhiều hoa văn quý Tây Nguyên
Huỳnh Nguyên Thông (hay còn gọi là Thông Bahnar, 37 tuổi, ngụ TP Kon Tum), mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã có gần 15 năm kinh nghiệm, gắn bó với dệt thổ cẩm của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Đặc biệt, anh dành nhiều tình yêu cho dệt thổ cẩm Ba Na nơi quê hương anh, tỉnh Kon Tum và cái tên Thông Bahnar cũng bắt nguồn từ đó.
Anh đã dày công đi sưu tầm hàng nghìn mẫu hoa văn khác nhau, sau đó tổ chức các “đội nhóm thiết kế” phục dựng lại hoa văn, chuyển thành các sản phẩm thời trang với độc đáo. Qua đó, tổ chức các workshop giới thiệu sản phẩm, đưa văn hóa thổ cẩm Tây Nguyên gần với công chúng hơn tại các thành phố lớn.
Thông Bahnar trong một lần xuống làng sưu tầm thổ cẩm. Ảnh: NVCC. |
Đặc biệt, những sản phẩm do nghệ nhân Y Yin (làng Kon Kơ Tu, TP Kon Tum) làm ra được anh đặt hàng độc quyền, với nhiều sản phẩm độc đáo, độc nhất… làm hoàn toàn bằng thủ công từ khâu lấy bông, kéo sợi, nhuộm và dệt. Mỗi sản phẩm của nghệ nhân Y Yin là một câu chuyện được diễn tả bằng hoa văn riêng biệt.
Lê Kiến
https://plo.vn/doc-dao-di-san-tho-cam-ba-na-post722223.html