‘Mang nợ’ sử thi

116

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, sử thi là một phần không thiếu, là niềm tự hào gắn liền với đời sống tinh thần của họ bao đời nay.

So với cồng chiêng, hay các loại hình ca múa hát truyền thống của đồng bào nói chung, sử thi (tiếng Banar gọi h’mon hay hơmon) là loại hình vô cùng độc đáo, gồm ca hát và kể phối hợp. Độc đáo ở chỗ, một câu chuyện có thể kể từ lúc con gà lên chuồng đến khi ông mặt trời thức dậy, thậm chí kéo dài nhiều đêm chưa hết, nhưng tất cả đều được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, không có trang giấy nào ghi lại. Cho nên, người kể sử thi ngoài phải có trí nhớ tốt, thuộc làu làu những bài sử thi dài vô tận ấy, còn phải có năng khiếu, phối hợp giữa hát và nói, nhuần nhuyễn, cuốn hút, khiến người nghe, từ trẻ nhỏ đến người lớn, đàn ông, đàn bà, tất cả đều nghe say sưa, như nuốt từng lời…

Mặc dù rất độc đáo, hấp dẫn, nhưng sử thi cũng là loại hình nghệ thuật khó nhất. Nên hiện nay, số người thuộc, hiểu và kể được sử thi ở Tây Nguyên ngày càng hiếm, hiếm như tìm sao trên trời giữa ban ngày vậy.

'Mang nợ' sử thi

Nghệ nhân A Lưu (trái) đang kể sử. Ảnh: Phúc Lập.

Cánh chim không mỏi A Jar

Biết hát kể sử thi đã khó, vừa biết hát, vừa biết phiên âm, biên dịch và viết sử thi Banar, Xê Đăng thành sách để lưu giữ cho đời sau còn khó gấp vạn lần hơn. Có lẽ, nghệ nhân A Jar, ở ở Plei (làng) Đôn (phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là người duy nhất làm được. Đến nay, sau mấy chục năm gắn bó với sử thi, tài sản vô giá của ông là hơn 20 cuốn sách sử thi Banar, Xê Đăng, được dịch song ngữ (Kinh – Bana và Kinh – Xê Đăng). Trong đó, cuốn “Giông, Gio tơrit pơti dâng ie” – “Giông, Gio mồ côi từ nhỏ” dày hơn 600 trang do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành.

'Mang nợ' sử thi

Nghệ nhân dân gian A Jar (trái) và A Lưu, 2 “cây đại thụ” hiếm hoi về sử thi Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hưởng.

A Jar sinh năm 1947, mồ côi mẹ khi mới 2 tuổi, đến năm lên 10, cha cũng qua đời. Nhưng 10 năm ấy đã đủ để sử thi in sâu trong đầu khi hàng ngày, cha vừa địu trên lưng vừa hát, kể sử cho ông nghe. Và cậu bé A Jar khi đó không giống những đứa trẻ trong làng, đó là mê học. Ông làm mọi cách để được đi học. Chính vì thế, năm 1974, ông lấy được bằng cử nhân. Hiếm có một trí thức dân tộc thiểu số như A Jar, thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp, biết nhiều ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số như Xê Đăng, Ê Đê, M’nông, Chu Ru…

Đến bây giờ, A Jar cũng vẫn không lý giải được tại sao ông mê hát, nghe kể sử thi đến vậy. Hễ rảnh rỗi là ông đi tìm những cụ già, những người biết hát kể h’mon để được đắm chìm trong những bản trường ca dài bất tận, mê đắm lòng người ấy.

Những đêm trong nhà Rông giữa đại ngàn, tiếng h’mon của các già làng lúc thủ thỉ như lời tâm sự, lúc vút cao tận đỉnh Ngọc Linh, khi lại ầm ào dữ dội như dòng Sê San. Qua sử thi, in sâu trong tâm trí chàng trai trẻ A Jar là hình ảnh người anh hùng Đăm Giông của dân tộc Banar hay chàng Đăm Duông của dân tộc Xê Đăng.

'Mang nợ' sử thi

Nghệ nhân A Jar năm nay đã 74 tuổi, nhưng vẫn miệt mài với việc sưu tầm, biên, phiên dịch sử thi, chỉ mong góp chút sức nhỏ níu giữ gia tài vô giá cha ông để lại cho đời. Ảnh: Phúc Lập.

Như trong bộ sử thi liên hoàn “Đăm Giông” gần 100 tác phẩm của người Ba Na, tác phẩm “Giông Giớ mồ côi” nói về chủ đề anh hùng ra tay giúp đỡ những người dân yếu thế rất được người dân nhớ và nghe hoài không chán.

“Nội dung tác phẩm xoay quanh 2 anh em nhân vật chính là Đăm Giông và Đăm Giớ. Họ luôn xuất hiện trong mỗi câu chuyện với một nghịch cảnh, thử thách phải vượt qua. Đăm Giông và em là Giớ mồ côi từ nhỏ, sống cùng với bà. Số phận bất hạnh, nhưng Giông là chàng thanh niên đẹp trai, tài đức, gan dạ, chiến đấu với kẻ thù, kẻ xấu để bảo vệ dân làng. Vì thế, người già nào cũng muốn Giông là con mình. Cô gái nào cũng ước ao lấy được Giông…”, A Jar kể.

'Mang nợ' sử thi

Những cuốn sử thi Banar, Xê Đăng do nghệ nhân A Jar khổ công sưu tầm, biên soạn. Ảnh: Phúc Lập.

Trầm ngâm nhấp ly trà nóng, A Jar nhớ lại, những năm thập kỷ 80 thế kỷ trước, cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng hễ nghe tin ở đâu, dù cách xa chục ngọn núi, có người biết h’mon là A Jar lại bỏ việc nương rẫy, tìm đến để được nghe kể, ghi âm lại. Sau đó, về nhà tiếp tục nhiều đêm trắng để nghe, ghi chép…

“Nghe băng là một công việc rất khó khăn, vì nhiều câu h’mon dài lắm, giọng kể lúc to lúc nhỏ, khi bổng khi trầm, nhiều từ cổ. Chưa kể, thâu âm bằng cái máy cát xét cũ, lạc hậu, âm thanh rè rè, lẫn tạp âm nên phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới hiểu đúng. Nếu nghe sai rồi viết ra sai là có tội với tổ tiên. Có nhiều lần, mình phải làm việc liên tục hơn 1 tuần mới dịch hết 1 băng catset”, A Jar nói.

Người kể sử thi Banar số 1

Không đa tài như A Jar, nhưng nghệ nhân A Lưu, sinh năm 1942, ở Plei Kon Klor II, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, cũng thuộc “hàng hiếm” khi trong đầu ông là một kho sử thi, lại được trời phú giọng kể, hát sử cuốn hút, hấp dẫn.

Già A Lưu sinh ra và lớn lên ở làng Kon Tum Kơ Nâm, một trong những làng của đồng bào Banar đầu tiên được hình thành ở Kon Tum. Cuộc sống chẳng dư dả, nếu không muốn nói là rất khó khăn, nhưng gia đình có truyền thống nghệ thuật dân gian, bà Y Ngao, mẹ A Lưu là nghệ nhân hát kể sử thi nổi tiếng trong vùng. A Lưu theo mẹ đi hát kể sử thi từ khi chưa biết đi. Vì thế, những bài kể sử thi cũng chảy trong huyết quản cùng nhịp thở rồi. Lớn lên, ông sớm bộc lộ những năng khiếu đặc biệt như thuộc nhiều bài sử thi, giọng kể cuốn hút, kể thâu đêm không cần nghỉ…

'Mang nợ' sử thi

Từ người lớn đến trẻ em, ai cũng thích nghe hát, kể sử thi, nhất là khi người kể là nghệ nhân A Lưu. Ảnh: Phúc Lập.

Người Ba Na gọi sử thi là h’mon, hoặc hơmon hơri, tức là vừa hát vừa kể. Sử thi thường biểu diễn trong nhà rông vào buổi tối, sau bữa ăn. “Hát một đêm chưa hết thì qua đêm sau, qua đêm sau nữa. Chính vì thế, người hát sử thi thường nằm. Hát đến khuya, khi nghe tiếng con gà rừng te te, người kể sử hỏi “có ai còn thức ko?”, nếu người thức ít thì nghỉ, đêm sau kể tiếp”, A Lưu nói.

Nghệ nhân A Lưu bảo, sử thi có sự cuốn hút lạ kỳ, bởi nó là những đúc kết kinh nghiệm bao đời của cha ông về mọi mặt đời sống. Là những chặng đường lịch sử đấu tranh của tổ tiên, cha ông trước cái ác, kẻ xấu, khát vọng chinh phục thiên nhiên hùng vĩ…, là những phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc mình. Sử thi là kho tri thức khổng lồ, là cuốn bách khoa toàn thư của người Banar và các dân tộc Tây Nguyên, là bức tranh thu nhỏ, sinh động về xã hội xưa. Các tác phẩm sử thi đều phản ánh cuộc sống từ thửa ban sơ của bà con với những cuộc đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, cuộc đấu tranh giữa các tộc người.

“Trong các tác phẩm ấy, bao giờ tác giả dân gian cũng xây dựng 2 tuyến nhân vật thiện và ác. Và dĩ nhiên, chiến thắng bao giờ cũng thuộc về cái thiện. Đó là một lời nhắc nhở con người, rằng phải luôn sống tốt, không bao giờ được làm điều ác, điều xấu, hại người khác”, A Lưu nói tiếp.

'Mang nợ' sử thi

Những bé gái chăm chú nghe A Lưu hát, kể sử. Ảnh: Phúc Lập.

Trong sử thi, những phong tục tập quán dân gian, những kinh nghiệm trồng trọt, săn bắn, đến làm nhà rông, dựng nhà mồ… đều có đầy đủ. Như trong bộ sử thi “Đăm Giông” có kể về kinh nghiệm chọn chỗ làm nhà rông, buổi chiều, già làng sẽ lấy muối và thóc, rắc ở một số vị trí, sáng hôm sau, nếu các hạt thóc vẫn còn ở vị trí đó thì là đất lành, không có mối có kiến. Hay là muốn mở một làng phải xem là nguồn nước ở đâu, nguồn nước có quanh năm hay không thì mới dựng làng được…

Hơn 60 năm hát kể sử thi, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, tài sản vô giá của nghệ nhân A Lưu là hơn 100 bài h’mon, trong đó có hơn 20 bài được Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam chọn xuất bản trong Bộ “Kho tàng sử thi các dân tộc Tây Nguyên”. Năm 2006, A Lưu là một trong số 3 người đầu tiên được tỉnh Kon Tum phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Năm 2001 dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước… triển khai, phát hiện một kho tàng sử thi đồ sộ của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên. Riêng Kon Tum có 2 bộ sử thi liên hoàn của dân tộc Bahnar và Xê Đăng, mỗi bộ có hơn 100 tác phẩm. Trong thành công này, có công rất lớn của nghệ nhân A Jar.

Phúc Lập

https://baomoi.com/mang-no-su-thi/c/39436910.epi