Tết đến gần, những vườn trồng hoa cúc trên địa bàn phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, trở nên nhộn nhịp với hàng chục cửu vạn cùng thương lái ra vào. Năm nay, mưa thuận gió hòa, những cây hoa cúc nở đúng dịp Tết, giá cả cũng ổn định, do vậy các nhà vườn trồng hoa ở đây đều vui mừng vì được mùa, được giá.
Phải ngồi đợi một lúc tôi mới có cơ hội để trò chuyện với anh Lê Văn Phê, người trồng hoa cúc gần 30 năm ở tổ 5, phường Nguyễn Trãi. Những ngày qua, anh Phê rất bận rộn đón tiếp thương lái ở các huyện và thành phố Kon Tum đến hỏi mua và lấy hoa. Anh Phê là người đầu tiên trồng hoa cúc ở phường Nguyễn Trãi. Những cây hoa cúc do anh trồng có dáng đẹp, thân cứng cáp và hoa nở tươi. Chính vì tạo ra được những cây hoa cúc chất lượng nên hàng năm, từ rằm tháng chạp trở đi, vườn hoa của anh luôn tấp nập kẻ vào, người ra.
Lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, anh Phê tâm sự, trồng hoa cúc có lợi ích về kinh tế hơn trồng các loại hoa màu như rau, củ trên cùng một diện tích. Trồng hoa cúc cũng cần nhiều tâm huyết và công sức để chăm sóc. Thành công của người trồng hoa đó là mỗi mùa vụ đều tạo ra được những cây hoa tươi, đẹp và nở đúng thời điểm. Làm nghề trồng hoa lâu năm, anh Phê hiểu rõ cây hoa cúc cần những gì để phát triển, khi cây có triệu chứng sâu bệnh hại cần xử lý ra sao và thời tiết thay đổi nên xử lý như thế nào.
Cận Tết, những vườn trồng hoa cúc ở phường Nguyễn Trãi nhộn nhịp thương lái đến mua. Ảnh: Đ.T
“Có chăng thời tiết cực đoan lắm, cây hoa cúc mới không đạt như ý muốn. Tuy vậy, năm nay thời tiết cơ bản ôn hòa, cây hoa cúc sinh trưởng và phát triển tốt, ra nụ và nở đúng thời điểm” – anh Phê chia sẻ.
Vườn hoa của anh Phê rộng hơn 6 sào, chủ yếu là hoa cúc pham và cúc pha lê với số lượng hơn 1.200 chậu, đủ các loại kích thước, từ 30-60cm/chậu. Ngoài trồng hoa cúc, anh Phê còn trồng 300 chậu hoa thược dược, loại hoa có nhiều màu sắc và được nhiều người ưu chuộng.
“Tuy thị trường hoa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sức bán hoa chậm hơn so với mọi năm nhưng bù lại giá cả vẫn ổn định, những bạn hàng, mối quen vẫn ủng hộ đặt hàng, đến nay, vườn hoa của gia đình tôi đã xuất bán được hơn 1 nửa số chậu”, anh Phê cho biết.
Giống như Tết mọi năm, ngoài bán sỉ cho các thương lái, anh Phê còn để lại 200 chậu hoa để bán lẻ ở chợ hoa Xuân. “Tham gia chợ hoa, trực tiếp bán hoa do mình trồng cho mọi người cũng là cách để giúp không khí Tết trở nên ý nghĩa và nhiều sắc xuân hơn”, anh Phê vui vẻ nói.
Ở phường Nguyễn Trãi, ngoài gia đình anh Phê còn có gần 50 hộ dân trồng hoa cúc khác. Vườn hoa của các hộ dân cũng nhộn nhịp trong những ngày qua. Những chuyến xe chở đầy hoa cúc cứ thế nối đuôi nhau chạy trên các tuyến đường. Một số hộ trồng hoa ở đường Nguyễn Văn Linh còn bày hoa ra vỉa hè trước nhà để bán lẻ cho khách, tạo nên nét đặc trưng cho “làng hoa cúc Nguyễn Trãi” mỗi khi xuân về.
Gắn bó với nghề trồng hoa hơn 15 năm, anh Lê Tấn Sinh, một trong những hộ dân ở đường Nguyễn Văn Linh cho hay, vụ Tết năm nay, gia đình anh trồng khoảng 7.000 cây cúc pham, 2.500 cây cúc vạn thọ, 300 cây cúc pha lê, 1.500 cây hoa hướng hương và 200 chậu hoa dạ yến thảo. So với những năm trước, số lượng cây hoa có giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi nên chất lượng hoa của gia đình anh vẫn đảm bảo và được nhiều thương lái đến liên hệ đặt mua.
Ngoài cung cấp hoa Tết, nhiều hộ trồng hoa ở phường Nguyễn Trãi còn tất bật chuẩn bị hoa cho những vụ mùa tiếp theo. Ảnh: ĐT
Chị Nguyễn Thị Lành, trú tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) là bạn hàng thân thuộc của gia đình anh Sinh trong 5 năm trở lại đây. Chị cho biết, hoa cúc do gia đình anh Sinh trồng đẹp và tươi lâu nên khi đem về chợ trung tâm huyện bán được rất nhiều người mua.
“Hoa đẹp và tươi lâu chính là thước đo kỹ thuật của mỗi người trồng hoa. Để có được 2 yếu tố này, người trồng hoa phải chăm lo cho cây hoa từ lúc xuống giống, cắt tỉa, tạo dáng, vặt nụ, tính toán ngày châm đèn đến việc xử lý sâu bệnh, hại…Mỗi người trồng hoa đều có bí kíp riêng để tạo ra những cây hoa đặc trưng và mang thương hiệu riêng của mình”, anh Sinh chia sẻ.
Trồng hoa số lượng nhiều nên vào vụ Tết, những thành viên trong gia đình anh Sinh ai nấy đều bận rộn. Người cắt hoa, người chăm sóc những cây hoa chưa thu hoạch, người chở hoa giao cho khách. “Những ngày cuối năm của gia đình trồng hoa là vậy đấy!”, anh Sinh cười nói.
Cũng giống như gia đình anh Sinh, Tết năm nay, gia đình chị Trương Thị Tô Châu (cùng ở đường Nguyễn Văn Linh) có truyền thống trồng hoa cúc gần 20 năm cũng giảm số lượng hoa trồng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Không chỉ trồng hoa dịp Tết mà gia đình chị còn trồng hoa quanh năm, cùng với tay nghề cao, hoa của gia đình chị cũng được nhiều người đến hỏi mua.
Chị Châu cho biết, mùa vụ Tết Tân Sửu, gia đình chị trồng khoảng 1.500 cây cúc vạn thọ, 350 chậu cúc pha lê, 100 chậu hoa cẩm chướng, 100 chậu hoa đồng tiền và 50 chậu hoa dạ yến thảo. Trồng hoa lâu năm nên chị Châu biết được nhu cầu chơi các loại hoa tết của người dân trên địa bàn, chị cũng chăm sóc hoa bằng phân bón và thuốc sinh học để nâng cao uy tín và chất lượng. Ngoài bán sỉ cho các thương lái, chị còn trưng khoảng 250 chậu hoa các loại trước vỉa hè của nhà để bán cho khách qua đường.
Nâng niu từng cánh hoa, chị Châu bộc bạch rằng, chăm hoa như chăm con mọn. Mỗi khi rảnh rỗi, chị lại xuống vườn hoa để thăm, ngắm tác phẩm của mình. Sau mỗi lần như vậy, tinh thần của chị cũng thấy thoải mái nhiều hơn.
Nghe những lời tâm sự của chị Châu, tôi mới thấu hiểu rằng, trồng hoa không chỉ là làm kinh tế mà còn phải tạo ra những sản phẩm hoa đẹp và chất lượng, góp phần làm đẹp cho xã hội và quan trọng nhất đó là chứa đựng tâm huyết, của người trồng hoa.
Tết đến, Xuân về, hình ảnh chị Châu, anh Sinh hay anh Phê cười nói, bán hoa cho khách khiến tôi tin rằng, Tết năm nay, “làng hoa cúc Nguyễn Trãi” lại đón một mùa bội thu.
Đức Thành