Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

9

baokontum.com.vn

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự minh bạch, công khai về quy hoạch khoáng sản, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ngành chức năng, và nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Theo các tài liệu địa chất khoáng sản hiện có, Kon Tum có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng về chủng loại, từ khoáng sản nguyên liệu (gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ…) đến khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc…), một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (wolfram, sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm…), công nghiệp điện hạt nhân (uran, thori, đất hiếm…).

Để khai thác hiệu quả cũng như bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng lập  và phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực quản lý khoáng sản.

Trong đó có Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Quyết định 1023/QĐ-UBND ngày 19/10/2020 phê duyệt Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

153909B%E1%BA%A3o%20v%E1%BB%87%20kho%C3%A1ng%20s%E1%BA%A3n%20ch%C6%B0a%20khai%20th%C3%A1c%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20nhi%E1%BB%87m%20v%E1%BB%A5%20kh%C3%B3%20kh%C4%83n

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ khó khăn. Ảnh: H.L

 

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 1.111 vị trí, khu vực, tuyến cấm hoạt động khoáng sản (tổng diện tích 297.421,31ha) và 732 vị trí tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (tổng diện tích 335,96ha).

Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh đã triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Luật Khoáng sản. Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên toàn tỉnh có 75 mỏ khoáng sản (đá, cát, đất san lấp, đất sét làm gạch) được cấp phép còn trong thời hạn khai thác theo thẩm quyền của UBND tỉnh cấp.

Sau 10 năm triển khai, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tạo dựng một “sân chơi” sòng phẳng, minh bạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cuộc chiến bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã và được triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, có sự thống nhất từ tỉnh xuống xã; sự phối hợp  giữa ngành chức năng với chính quyền; giữa các ngành có liên quan.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; thẩm định và phê duyệt trữ lượng khoáng sản; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ đã thanh tra, kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, việc xử lý vi phạm và khắc phục tồn tại, vi phạm.

Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực lòng hồ, khu vực biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời ngăn chặn các hành vi thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản.

Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện đúng quy định việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera tại khu chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa bao giờ là dễ dàng. Về mặt khách quan, khu vực có thể khai thác khoáng sản trái phép thường nằm ở những vùng rừng núi, sông suối, nơi ranh giới của 2 địa phương, giao thông phức tạp. Vì vậy rất khó bị phát hiện, và khi phát hiện thì không dễ để tiến hành truy quét.

153939Ph%C3%A1t%20huy%20vai%20tr%C3%B2%20gi%C3%A1m%20s%C3%A1t%20c%E1%BB%A7a%20nh%C3%A2n%20d%C3%A2n%20%C4%91%E1%BB%83%20b%E1%BA%A3o%20v%E1%BB%87%20kho%C3%A1ng%20s%E1%BA%A3n%20ch%C6%B0a%20khai%20th%C3%A1c

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Ảnh: HL

 

Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra, chủ yếu tại các sông suối nhỏ, tại các vùng giáp ranh địa giới hành chính, tại các bãi bồi ven sông suối có trữ lượng cát, sỏi lớn dễ khai thác và vận chuyển; khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.

Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế, chưa tự giác thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Mới đây, tháng 8/2024, Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng Kon Tum đã bị UBND thành phố Kon Tum phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác cát trái phép.

Trước đó, tháng 6/2024, UBND thành phố Kon Tum cũng phạt vi phạm hành chính đối Hợp tác xã Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ Đạt Tài do vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản.

Về chủ quan, từ thực tế cho thấy, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã có lúc, có nơi còn buông lỏng, không kịp thời phát hiện, hoặc phát hiện nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh.

Khâu phối hợp giữa các cấp, các ngành trong kiểm tra, xử lý chưa thực hiện tốt, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại cấp trên. Một số đơn vị chức năng, chủ lòng hồ thủy điện, thủy lợi chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác; còn để xảy ra tình trạng lợi dung hoạt động nạo vét để khai thác trái phép.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm ký ban hành văn bản số 3450/UBND-NNTN yêu cầu các sở, ngành liên quan, lực lượng chức năng, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả công tác quản lý khoáng sản.

Trong đó, nghiêm cấm việc lợi dụng nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát sỏi, lợi dụng thi công xây dựng công trình để khai thác, sử dụng khoáng sản trái pháp luật (đặc biệt là cát sỏi lòng sông; đất san lấp, xây dựng công trình).

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân. Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào ngành chức năng và chính quyền thì chưa đủ. Tôi đồng tình với ý kiến rằng, cần tăng cường vận động nhân dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản.

Với tai mắt của nhân dân, hẳn rằng các hành vi vi phạm sẽ được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.      

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/bao-ve-khoang-san-chua-khai-thac-43261.html