Khắc ghi lời thề sắt son

93

Vùng đất biên giới nơi đại ngàn Tây Nguyên những ngày cuối thu vẫn xanh ngắt một màu. Nổi bật giữa bốn bề không gian hùng vĩ nơi “ngã ba Đông Dương” của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới và âm vang hào hùng của lời bài hát Quốc ca. Chia tay vùng đất Kon Tum, khắc ghi trong tâm khảm chúng tôi là một lời thề sắt son theo Đảng, quyết tâm thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu dành cho đồng bào dân tộc nơi đây: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Để những người “1 vai 2 gánh” yên tâm công tác

Tạm biệt vùng đất “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” của Ngọc Hồi, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến miền quê cách mạng Đăk Glei – vùng đất biên giới nguyên mẫu trong tác phẩm nổi tiếng “Rừng Xà Nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành…

Nỗ lực làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước  	 Ảnh: Huy Đằng
Nỗ lực làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Ảnh: Huy Đằng

Để nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở các tổ chức cơ sở Đảng, huyện Đăk Glei đã và đang nỗ lực thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng khu dân cư. Thực tế đã minh chứng, việc nhất thể hóa đã góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương đến tổ chức thực hiện.

Đưa chúng tôi đi thăm một vòng ngôi làng nhỏ bình yên dưới chân núi, Bí thư kiêm Trưởng thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, ông A Leo chia sẻ: Tôi làm Bí thư Chi bộ từ năm 2015, đến năm 2021 được tín nhiệm bầu giữ chức danh Trưởng thôn. Việc phối hợp triển khai công tác Đảng và công tác chính quyền nhanh và hiệu quả hơn; nắm bắt đời sống của người dân trong thôn cũng sâu sát hơn. Từ đó, những vấn đề quan trọng, nổi cộm như: triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… ở thôn được giải quyết nhanh hơn, tránh được sự chồng chéo và không bỏ sót nhiệm vụ.

Cũng như ông A Leo, A Thiên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk, xã Đăk Môn cho biết: một người vừa là Bí thư, vừa là Trưởng thôn nên nắm toàn diện tình hình chung, triển khai thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tốt năng lực người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Công việc của Đảng cũng trôi chảy mà công việc của chính quyền cũng tốt lên.

Ở những vùng biên giới đặc biệt khó khăn như huyện Đăk Glei, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Bí thư kiêm Trưởng thôn đã giúp uy tín và sức mạnh của Chi bộ tăng lên rất nhiều. Từ tạo được niềm tin, sự đồng thuận của bà con Nhân dân, các phong trào trong thôn đi lên, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đời sống người dân ấm no hơn, những hủ tục dần được loại bỏ. Từ hiệu quả thiết thực này, huyện Đăk Glei đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, sẽ có từ 30 – 40% số thôn làng có Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn.

Tuy nhiên, bất cập hiện nay không chỉ ở huyện Đăk Glei ngoài vấn đề phụ cấp thấp, việc triển khai thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ dân phố ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong xây dựng phương án bố trí, sắp xếp nhân sự. Bởi, không dễ tìm người gánh vác được cả “2 vai” vừa có năng lực, có tâm, có tầm, có uy tín để đảm nhiệm trọng trách. Rất nhiều Chi bộ, Trưởng thôn nhiệt tình, năng nổ nhưng lại lớn tuổi, không đủ khả năng đảm nhiệm 2 việc cùng lúc. Ngược lại, những đảng viên trẻ lại chưa đủ kinh nghiệm, năng lực để đảm trách… Do đó, các cấp, ngành chức năng cần sớm giải quyết thấu đáo bài toán này, để những người đứng đầu các Chi bộ yên tâm cống hiến và gánh vác trách nhiệm nặng nề nhưng thiêng liêng của mình.

Thực sự là chỗ dựa vững chắc của đồng bào

Kon Tum là tỉnh có đường biên giới dài 292,913km (tiếp giáp với Lào 154,222km và Campuchia 138,691km). Có 13 xã biên giới thuộc 4 huyện (Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Đrai) với 99 thôn (làng). Gồm 25 dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 77,5%; 2 dân tộc thuộc nhóm dân tộc ít người nhất nằm trong đề án bảo tồn; gần 20% dân cư biên giới có tôn giáo… những con số cho thấy “sứ mệnh” nặng nề, thiêng liêng các Chi bộ vùng biên phải đảm trách. Với những hạt nhân tích cực là những “cánh tay” nối dài của Đảng, Chi bộ đã lãnh đạo quần chúng Nhân dân đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế ở các vùng chúng tôi đi qua đều là khu vực đặc thù nhất, trọng yếu nhất và còn nhiều khó khăn nhất, là “lõi nghèo của cả nước”. Đói nghèo, thiếu việc làm, tệ nạn xã hội, hủ tục… vẫn đang là những thách thức lớn. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Một số chính sách dân tộc đã ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, chưa đạt được mục tiêu đề ra… Đó là những trăn trở, day dứt nhưng nằm ngoài khả năng của các Chi bộ vùng biên. Giải được bài toán này chính là một phần nâng cao sức mạnh cho các Chi bộ vùng đặc thù.

Từ những câu chuyện chúng tôi ghi nhận ở các Chi bộ vùng dân tộc thiểu số ít người nhất miền biên viễn Kon Tum, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định: các Chi bộ vùng biên đã và đang làm tốt sứ mệnh tăng cường mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với quần chúng Nhân dân. Để các Chi bộ, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số ít người nhất miền biên viễn Kon Tum thực sự là hạt nhân vững mạnh của Đảng, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là Chi bộ thôn (làng). Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng. Nỗ lực làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Đặc biệt, Chi bộ phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

“Các Chi bộ vùng biên, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số ít người nhất miền biên viễn Kon Tum phải thực sự là chỗ dựa vững chắc của đồng bào. Phấn đấu xây dựng Chi bộ ở từng thôn bản, buôn làng vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện ở cơ sở” – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh.

Chia tay vùng đất Kon Tum, khắc ghi trong tâm khảm chúng tôi là một lời thề sắt son theo Đảng; quyết tâm thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu của đồng bào dân tộc nơi đây: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

BÁCH HỢP – THANH MAI
https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-cuoi-khac-ghi-loi-the-sat-son-i305461/