Trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Tiểu đoàn 59

10

congly.vn

Theo Quyết định số 959/QĐ-CTN ngày 30/9/2024 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Tiểu đoàn 59 và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho 3 cá nhân gồm: Đồng chí Nguyễn Lựu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59; liệt sĩ Nguyễn Bá Dương, nguyên Tiểu đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 59; liệt sĩ Trần Xưng, nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 59.

Lễ đón nhận Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân do Sư đoàn 305 (Quân khu 5) tổ chức tại Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vào ngày 19/10.

kh_td59-1.jpgPhó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (bên trái) tham dự lễ đón nhận danh hiệu AHLLVT cho Tiểu đoàn 59.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Năm 1950, theo chủ trương của Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 về xây dựng LLVT nhằm đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao của chiến trường liên khu, ngày 10/6/1950, Tiểu đoàn 59 chính thức được thành lập tại thôn 10, xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ (nay là TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm 2 đồng chí: Nguyễn Lựu – Tiểu đoàn trưởng; Phạm Đạo – Chính trị viên. Tiểu đoàn khi mới thành lập gồm 2 đại đội: Đại đội 6 độc lập của TP. Đà Nẵng, Đại đội 11 của tỉnh Quảng Nam; cơ quan Tiểu đoàn bộ gồm các cán bộ tham mưu tác chiến, chính trị, hậu cần và các phân đội trực thuộc. Đến cuối năm 1950, Tiểu đoàn 59 được bổ sung thêm Đại đội 4 bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Nam.

kh_td59-2.jpgTrao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể Tiểu đoàn 59.

Sau khi thành lập, Tiểu đoàn 59 được giao nhiệm vụ hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng; đến tháng 11/1951 được điều động về đội hình Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5. Với sự lãnh đạo đúng đắn của các Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng và Đảng bộ Liên khu 5, từ khi còn là đội biệt động, đại đội độc lập đến tiểu đoàn tập trung, cũng như khi chiến đấu trong trung đoàn chủ lực, Tiểu đoàn 59 đã nắm vững và vận dụng sáng tạo phương châm tác chiến “Du kích chiến là chính, kết hợp với vận động chiến, đẩy mạnh vận động chiến tiến tới” nên tiểu đoàn luôn gắn bó, phối hợp chặt chẽ và làm nòng cốt trong phong trào chiến tranh nhân dân phát triển ngày càng cao trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh trong liên khu.

Trải qua 9 năm chiến đấu và xây dựng, từ khi còn là các đơn vị chiến đấu biệt động tác chiến độc lập ở địch hậu cũng như đến lúc trưởng thành, chiến đấu trong trung đoàn chủ lực, Tiểu đoàn 59 đã tham gia nhiều đợt hoạt động và 6 chiến dịch lớn trên địa bàn các tỉnh Liên khu 5. Các cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt hàng chục tháp canh, lô cốt, 11 đồn kiên cố, hàng chục trận chống càn quét lớn của địch; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, thu hàng nghìn s ú n g lớn nhỏ trên các chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum.

Trong đó, có các trận đánh xuất sắc, hiệu suất cao như trận tiêu diệt Đồn Nhứt trên đỉnh đèo Hải Vân, bắt sống tên quan hai Pháp đồn trưởng; trận cường kích tiêu diệt đồn Thượng An và lô cốt đầu đèo ở An Khê; trận phối hợp diệt đồn và tập kích Binh đoàn cơ động ở Pleiring, tiêu diệt hơn 800 tên địch. Ngoài ra, tiểu đoàn còn phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương đánh bại các cuộc hành quân càn quét lớn của địch ở Điện Hòa (Quảng Nam), chiến khu Đá Bàn (Khánh Hòa), diệt 400 tên địch và thu nhiều vũ khí của quân địch.

kh_td59-3.jpgTrao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho thân nhân 3 cá nhân thuộc Tiểu đoàn 59.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã ngã xuống khắp các chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, nhiều gương hy sinh anh dũng đã được lưu danh trong lịch sử Trung đoàn 803, lịch sử Tiểu đoàn 59 và lịch sử đảng bộ các địa phương, điển hình các đồng chí: Nguyễn Lựu, Nguyễn Bá Dương, Trần Xưng,…

Với những thành tích đạt được, các năm 1951, 1953, 1954, Tiểu đoàn 59 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.


Nguồn bài viết:
https://congly.vn/trao-danh-hieu-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-cho-tieu-doan-59-455555.html