Quan tâm phát triển nguồn nhân lực

5

baokontum.com.vn

13/06/2024 06:07

Để phát triển kinh tế, xã hội, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của tỉnh về vấn đề vốn, khoa học kỹ thuật thì yếu tố con người đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực cần phải có một kế hoạch rõ ràng cả về mục tiêu, quy mô và cơ cấu đào tạo, trong đó giáo dục được xem là “đòn bẩy”.

Trong những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nêu rõ: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội” là 1 trong 6 nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu cho cả giai đoạn mới.

Sự quan tâm này thể hiện rất rõ ở việc tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi học đại học, sau đại học; chính sách thu hút cán bộ, sinh viên xuất sắc về công tác tại tỉnh; chính sách đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo cao đẳng, dạy nghề và đặc biệt là ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (kèm theo Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh) đã tạo ra khung pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực. Nhờ vậy, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng được tăng lên. Nếu như năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 36,6%, thì đến năm 2023 đã đạt 58,5%, trong đó đào tạo nghề đạt 42,5%. 

164129Ch%E1%BA%A5t%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c%20h%E1%BB%8Dc%20sinh%20DTTS%20ng%C3%A0y%20c%C3%A0ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20n%C3%A2ng%20cao

Chất lượng giáo dục học sinh DTTS ngày càng được nâng cao. Ảnh: N.P 

 

Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang đối mặt với thách thức lớn trong đào tạo nguồn nhân lực. Nhận thức của không ít học sinh, phụ huynh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa về học tập, nâng cao trình độ dân trí vẫn còn hạn chế nên tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao, công tác duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần còn những khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động có trình độ và qua đào tạo đạt thấp, vẫn còn hơn 40% lao động chưa qua đào tạo. Ngay cả trong số lao động đã qua đào tạo, chất lượng cũng còn nhiều hạn chế, chủ yếu là lao động có trình độ sơ cấp.

Ở một khía cạnh khác cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện mới có Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và Trường Cao đẳng Kon Tum nhưng việc thu hút học sinh vào học tại các trường này gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, hằng năm, một số lượng học sinh rất lớn của tỉnh sau khi tốt nghiệp THPT đã đến học tập ở các thành phố lớn và sau khi tốt nghiệp đại học, đa số nguồn lao động được đào tạo bài bản này tìm cách ở lại làm việc ở các thành phố lớn với hy vọng có thu nhập cao, nhiều cơ hội thăng tiến.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thị trường lao động đang khan hiếm đội ngũ lao động có chuyên môn cao trên các lĩnh vực. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm qua và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng trong những năm tới.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thì việc nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn lực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu thiếu kiến thức, tri thức sẽ luẩn quẩn mãi trong đói nghèo, lạc hậu. Nếu lao động chưa được đào tạo, thiếu hiểu biết sẽ khó có nhận thức đúng đắn, tầm nhìn, thiếu phương pháp làm ăn hiệu quả và tất yếu khó vươn lên trong cuộc sống.

164154D%E1%BA%A1y%20ngh%E1%BB%81%20c%E1%BA%A1o%20m%E1%BB%A7%20cao%20su%20cho%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n

Dạy nghề cạo mủ cao su cho người dân. Ảnh: NP 

 

Để từng bước nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực thì ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông – vốn được xem là “xương sống” của hệ thống giáo dục, cần có sự gắn bó có tính hệ thống giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo nghề và nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, học sinh sau khi được đào tạo phải có khả năng làm việc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ngay chính trên quê hương mình.

Điều quan trọng nữa là bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số, thì cần định vị đúng nghề cần đào tạo, tiến tới định lượng được số lượng cho từng ngành nghề và cho các trình độ đào tạo, tăng cường hệ thống kiểm định chất lượng, hệ thống thanh tra chuyên môn để thực hiện phương thức quản lý giáo dục theo chuẩn. Về phương thức đào tạo, cần kết hợp đào tạo kiến thức phổ thông sau tốt nghiệp THCS với đào tạo nghề. Đảm bảo cơ cấu thành phần dân tộc trong đào tạo nghề nhằm thực hiện sự công bằng xã hội, tạo cơ hội bình đẳng giữa các dân tộc; tổ chức triển khai tốt công tác hướng nghiệp nghề cho học sinh người DTTS sau tốt nghiệp THCS, THPT. Ngoài ra, cần có chính sách tăng tỷ lệ ngân sách đầu tư cho đào tạo nhân lực nói chung, cho vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nói riêng. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến cuối năm 2025 có trên 60% lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 44%” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.     

Nguyên Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/quan-tam-phat-trien-nguon-nhan-luc-41378.html