Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của lễ hội trên địa bàn tỉnh

5

baokontum.com.vn

Thời gian qua, tỉnh ta quan tâm bảo tồn, phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống của cộng đồng các DTTS. Thông qua đó, góp phần nâng cao ý thức của đồng bào DTTS trên địa bàn trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng cộng đồng DTTS tại chỗ, tạo nền tảng vững chắc, “sức mạnh nội sinh” để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, hệ thống lễ hội của cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đa dạng, là lợi thế để khai thác các loại hình du lịch thu hút du khách. Theo đó, các cộng đồng đồng bào DTTS thường tổ chức lễ hội hàng năm theo một lịch trình, thời gian nhất định, mang nhiều giá trị nghệ thuật và đặc trưng riêng về tập quán cư trú và lối sống gắn liền với tự nhiên, thần linh.

Hệ thống lễ hội, nghi lễ của cộng đồng các DTTS được chia làm ba nhánh chính, đó là: Hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến vòng đời con người (lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới, tang ma, bỏ mả); hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời cây lúa trong sản xuất nông nghiệp; hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến cộng đồng (lễ lập làng mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng nhà mới, lễ dời làng, lễ cầu mưa, lễ cầu an)…

163529Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Ba%20Na%20%E1%BB%9F%20th%C3%B4n%20Kon%20Trang%20Long%20Loi%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20nghi%20th%E1%BB%A9c%20l%E1%BA%A5y%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20gi%E1%BB%8Dt%20t%E1%BB%AB%20ngu%E1%BB%93n%20%C4%91em%20v%E1%BB%81%20nh%C3%A0%20R%C3%B4ng

Người Ba Na ở thôn Kon Trang Long Loi thực hiện nghi thức lấy nước giọt từ nguồn đem về nhà rông. Ảnh: H.T

 

Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các địa phương tiến hành phục dựng được 22 nghi lễ – lễ hội tiêu biểu của các DTTS trên địa bàn. Trong đó, tiêu biểu như: lễ mừng lúa mới; lễ hội ăn trâu, mừng nhà rông mới; lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na, Gié- Triêng, Xơ Đăng, B’râu; lễ bỏ mả, mừng lúa mới của dân tộc Rơ Mâm (huyện Sa Thầy); lễ làm chuồng trâu của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại huyện Kon Plông. Trong đó, lễ Ét đông (Tết ăn con dúi) của người Giơ Lâng (một nhánh của dân tộc Ba Na) tại huyện Kon Rẫy đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Già A Tủi (dân tộc Xơ Đăng) ở thị trấn Đăk Tô cho biết, đến gần cuối năm, khi bà con tuốt lúa xong xuôi, trước khi đem bán hay sử dụng thì cần phải tổ chức lễ ăn mừng lúa mới để cảm tạ trời đất ban cho mùa màng bội thu. Lễ chia làm 2 giai đoạn là ăn cơm mới tại mỗi gia đình và làm lễ chung tại nhà rông của làng. Trong lễ cúng, già làng báo cáo với trời đất, thần linh về công việc sản xuất của bà con và dâng những đồ lễ để cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được no đủ, con người an bình, hạnh phúc.

“Quan trọng nhất là phải tỏ lòng thành kính, trang nghiêm trong lúc làm lễ thì Yang mới chứng giám cho. Từ sáng sớm của ngày bắt đầu lễ hội, tất cả các gia đình trong làng đều phải đóng kín cửa, không ai được phép ra vào, cơm và các loại thức ăn được nấu sẵn để trên giàn bếp, rượu ghè cũng được các gia đình chuẩn bị đầy đủ. Già làng đi một mình đến nhà rông để thực hiện các nghi thức. Khi tất cả xong xuôi, thông báo cho bà con tập trung tại nhà rông để mở hội. Lễ hội kết thúc, bà con lại trở về với công việc đồng áng thường ngày, hăng say lao động với ước nguyện một mùa bội thu trong năm mới” – già A Tủi cho biết thêm.

Hiện nay, với công tác tuyên truyền, vận động, các lễ hội của bà con các DTTS đã giảm bớt một số chi tiết, công đoạn không còn phù hợp với nhịp sống văn minh, hiện đại và vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

163558Th%C6%B0%E1%BB%9Fng%20th%E1%BB%A9c%20%E1%BA%A9m%20th%E1%BB%B1c%20t%E1%BA%A1i%20l%E1%BB%85%20h%E1%BB%99i%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A1c%20DTTS

Thưởng thức ẩm thực tại lễ hội truyền thống của các DTTS. Ảnh: HT

 

Tại Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) hiện còn lưu giữ nhiều nét nguyên bản của nhiều nghi lễ, lễ hội của cộng đồng người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) tại đây. Trong đó, đặc biệt là lễ cúng nước giọt được tổ chức vào cuối năm là một trong những lễ hội lớn của bà con người Rơ Ngao nơi đây.

Theo nghệ nhân, già làng A Thui ở thôn Kon Trang Long Loi, lễ nước giọt thường diễn ra trong 2 ngày. Trước đây, lễ sẽ dùng vật hiến tế là trâu hoặc bò, dê gây tốn kém, lãng phí. Vì vậy, hiện bà con tại thôn đã thay vật hiến tế là heo hoặc gà để tránh lãng phí, đồng thời bỏ bớt một số công đoạn không còn phù hợp. Các công đoạn khác vẫn giữ được sự trang nghiêm, quy tắc truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt là trong công đoạn chuẩn bị, sửa sang các lễ vật, món ăn, đạo cụ đều thể hiện tính cộng đồng, gắn kết, thể hiện sự hài hòa với thiên nhiên, thần linh và con người với nhau.

Ngoài các DTTS tại chỗ, nhiều cộng đồng DTTS di cư từ nơi khác đến cũng tích cực gìn, giữ, phát huy các giá trị của lễ hội trong sinh hoạt cộng đồng. Tiêu biểu như cộng đồng người Mường ở thôn Hào Phú, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) đã tích cực gìn giữ lễ ăn cơm mới hàng năm, trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Chị Bùi Thị Thúy ở thôn Hào Phú (xã Đăk Kan) chia sẻ: Lễ ăn cơm mới của người Mường chúng tôi được tổ chức vào những ngày cuối năm với mục đích cảm tạ trời đất, thiên nhiên đã ban tặng mùa màng bội thu, bữa cơm no ấm, sum vầy. Theo tục lệ, sau khi lúa chín được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem đi cúng ông bà, tổ tiên trước sau đó mới được ăn. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình, làng xóm sum họp, quây quần bên nhau sau một năm vất vả; đồng thời nghi thức này mang ý nghĩa giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên.

 Có thể thấy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được các cấp chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện tốt đã giúp các lễ hội được bảo tồn, phát huy hiệu quả trong cộng đồng.  Qua đó, góp phần thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng các DTTS, góp phần bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch trên địa bàn.   

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/cong-tac-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-cua-le-hoi-tren-dia-ban-tinh-45247.html