Nếu không phải là người mê khoáng vật hay thực sự yêu thích khoa học trái đất, đến Bảo tàng Địa chất có thể khiến du khách hơi hụt hẫng và cảm thấy đơn điệu.
Nhưng nếu muốn có một ngày được sống với hàng triệu năm, thì bảo tàng này sẽ là “kho báu nhỏ” đang chờ du khách đến khám phá.
Lịch sử hình thành
Năm 1898, chính quyền thuộc địa thành lập Sở Địa chất Đông Dương (Service Géologique de l’Indochine) và muốn xây một bảo tàng để nghiên cứu khoa học và giáo dục về địa chất trong toàn Đông Dương.
Đến năm 1914, tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Địa chất được hoàn thành trong khuôn viên Sở Địa chất tại Hà Nội.
Đến năm 1954, sau Hiệp định Genève, một phần Sở Địa chất và các mẫu vật quý được chuyển vào Sài Gòn. Trước khi rút đi, chính quyền Pháp bàn giao bộ sưu tập này cho Nha Tài nguyên Khoáng sản của Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Ban đầu, các mẫu vật được bảo quản và trưng bày tạm thời trong một biệt thự tại số 31 Hàn Thuyên, sau đó mới chuyển về trưng bày tại tòa nhà hiện nay vào năm 1973.
Sau khi đất nước thống nhất, Bảo tàng Địa chất được giao cho Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam) quản lý.
Bảo tàng Địa chất có kiến trúc và nội thất mang phong cách xưa, đặc trưng là những cánh cửa chớp
Năm 2001, bảo tàng (với trụ sở chính tại Hà Nội) trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) công nhận.
Đến năm 2003, hệ thống Bảo tàng Địa chất được tái cơ cấu thành cơ quan chuyên trách trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản của Bộ TN-MT.
Năm 2008, cơ sở tại TP.HCM chính thức sáp nhập vào hệ thống Bảo tàng Địa chất Việt Nam, trở thành chi nhánh phía nam của bảo tàng quốc gia về địa chất.
Sau quá trình sắp xếp bộ máy, Bảo tàng Địa chất hiện nay trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Lưu giữ hơn 20.000 mẫu vật ‘đọc vị’ trái đất
Bảo tàng hiện đang lưu giữ khoảng 13.000 mẫu vật địa chất quý, trong đó khoảng 3.000 mẫu được trưng bày thường xuyên. Nếu tính cả các lõi khoan địa chất và mẫu lưu trữ, tổng số mẫu vật tại đây lên tới hơn 20.000.
Các khu vực trưng bày của bảo tàng nằm ở tầng trệt và 2 tầng lầu. Mỗi phòng trưng bày theo các chuyên đề địa chất riêng (địa chất tổng quát, khoáng vật – đá quý, cổ sinh vật…).
Du khách tham quan bảo tàng
Bộ sưu tập rất đa dạng, bao gồm mẫu đất, đá, khoáng sản, hóa thạch cổ sinh… quý hiếm của Việt Nam cũng như nhiều nước khác.
Các nhóm hiện vật chính gồm: đá và khoáng sản (quặng kim loại, khoáng vật công nghiệp, đá quý…), các mẫu hóa thạch cổ sinh vật (động thực vật thời tiền sử, gỗ hóa thạch…).
Những hiện vật độc đáo, “hiếm có khó tìm” ở bảo tàng có thể kể đến là khối đá kết tinh cổ (thuộc loại đá lâu đời nhất) được tìm thấy ở tỉnh Kon Tum với tuổi đời khoảng 1,6 tỉ năm; vỏ sò khổng lồ hóa thạch (sò tai tượng) được tìm thấy tại đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa).
Điểm nhấn tại tầng trệt (Địa chất tổng quát) là bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 được hoàn thành vào năm 1988. Tấm bản đồ lớn này cho thấy cấu trúc địa chất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, được chú giải rõ ràng, rất hữu ích để khách tham quan có thể tìm hiểu về sự đa dạng tài nguyên và địa tầng.
Xung quanh bản đồ, tầng trệt trưng bày các mẫu đá và khoáng sản cơ bản theo vùng miền
Các mẫu vật được trưng bày gắn liền quá trình hình thành địa chất từ thời tiền sử
Bảo tàng dành riêng một không gian trưng bày các mẫu địa chất từ quần đảo Trường Sa, như mẫu san hô hóa thạch, trầm tích biển, vỏ sò hóa thạch
Cây hóa đá trưng bày tại tầng trệt. Cây hóa đá là thân cây bị chôn vùi dưới đất hàng triệu năm, nước ngầm mang khoáng chất thấm vào và thay thế dần tế bào gỗ, biến nó thành đá nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng và vân gỗ
Tầng 1 tập trung giới thiệu các tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.
Tại phòng chuyên đề về khoáng sản, bảo tàng trưng bày nhiều mẫu quặng kim loại quan trọng (sắt, đồng, vàng, chì, kẽm, thiếc…), mẫu than đá, cũng như mô phỏng các dạng dầu thô và khí đốt
Đáng chú ý, tầng 1 trưng bày mẫu dầu thô đầu tiên khai thác ở thềm lục địa phía nam Việt Nam trong những năm 1980. Mỗi tủ trưng bày đều có chú thích bằng QR code để khách tham quan tìm hiểu thêm
Tầng 2 (Cổ sinh vật, địa chất lịch sử, đá quý) là không gian dành cho các hóa thạch cổ sinh (san hô, thực vật, động vật thân mềm…) và chủ đề lịch sử địa chất.
Đồng thời, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng nhiều loại đá quý nổi bật như thạch anh, cẩm thạch, ruby, sapphire, topaz… với đủ hình dạng, màu sắc.
Hai mẫu hóa thạch sinh vật cổ được trưng bày tại bảo tàng
Nhiều mẫu khoáng vật và đá quý có giá trị được trưng bày, tiêu biểu như đá hoa chứa hồng ngọc (ruby) thu thập ở Lục Yên (tỉnh Yên Bái)
Các sản phẩm chế tác từ đá
Bảo tàng Địa chất thường đón nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, học ngoại khóa, nhất là thứ 4 hằng tuần.
Học sinh đãi cát, học ngoại khóa tại Bảo tàng Địa chất
Khi có đoàn tham quan tập thể, nhân viên bảo tàng có thể hỗ trợ thuyết minh, hướng dẫn chi tiết về các mẫu vật và chủ đề địa chất liên quan.
Ngoài ra, bảo tàng còn phối hợp các tổ chức giáo dục khoa học để tổ chức các chương trình trải nghiệm cho thanh thiếu niên.