antgct.cand.com.vn
1. Tối thứ sáu giữa tháng 5 vừa rồi, nhà văn Nguyễn Quang Vinh gọi qua messenge cho tôi, hốt hoảng kêu: “Anh đi Hà Nội, một mình lái xe về đến gần nhà, đêm tối mắt quáng gà hay sao ấy húc gẫy chân con bò. Dân kéo nhau ra đông quá, chặn xe bắt đền. Dân họ bắt đền giá cao quá. Chịu không nổi”. Tôi lại nghĩ nhanh: “May là không đâm c h ế t người, nhưng đêm hôm giữa đường giữa chợ, thân cô thế cô, căng thẳng chuyện đền bù có khi án mạng xảy ra”. Chúng tôi trao đổi thêm vài phút, rồi Vinh ngắt máy để tiếp tục giải quyết sự cố tay lái.
Nhà thơ Văn Công Hùng và chiếc ôtô đã cùng ông rong ruổi mọi nẻo đường.
Tôi lo lắng cho Vinh quá bèn gọi điện thoại cho nhà thơ Văn Công Hùng, thông báo rồi bảo: “Một là, ông xem có ông bạn thân thiết nào gần chỗ Nguyễn Quang Vinh lái xe húc gãy chân bò, thì nhờ họ ra ứng cứu cho hắn. Hai là, tôi biết ông hay đi nhậu ban đêm rồi phóng ôtô về nhà, nhìn ông Vinh đấy. Tốt nhất là đi nhậu thì gọi taxi mới biết đường về nhà”. Thi sĩ của cao nguyên cười khùng khục, bảo: “Nguyễn Quang Vinh cũng điện thoại cho tôi với nội dung như ông, nhưng là húc gãy tay thằng bé, chứ không phải húc gãy chân bò đâu”. Tôi bảo: “c h ế t thật! Ông Vinh này lúc bảo húc bò, lúc bảo đâm thằng bé. Chắc hoảng”.
Tôi lại thao thao: “Các ông nhà văn nhà thơ thời bình mà “chúa lơ tơ mơ”. Đường xá tốt, xe ôtô cũng tốt, vừa lái vừa nghe nhạc nhè nhẹ du dương, mà còn đâm, húc lung tung. Thế mới biết ngày xưa các ông nhà văn lái xe vượt Trường Sơn chở hàng, chở vũ khí đạn dược, chở quân vào chiến trường dưới bom rơi đạn nổ ghê gớm, oai hùng thế nào”. Tôi kể cho Văn Công Hùng nghe một thôi một hồi về nhà văn Phạm Hoa mặc áo giáp, đội mũ sắt, đi ủng cao cổ lái xe qua các binh trạm. Từ một anh lính lái xe Trường Sơn, làm thơ, viết ký gửi in báo “Chiến sĩ Trường Sơn” rồi trở thành nhà văn nổi tiếng. Chuyện nhà văn Đỗ Tiến Thụy cũng bắt đầu từ lính lái xe, làm thơ in tưng bừng ở báo Quân đoàn 3, báo Tiền Phong.
Cánh lái xe Phạm Hoa, Đỗ Tiến Thụy ngày trước học 18 tháng ở trường trung cấp lái xe rất công phu, vừa học lái học vừa học nguyên lý, cấu tạo xe và sửa chữa. Giữa đường có trục trặc kỹ thuật, trừ nặng đến mức trung tu, đại tu, còn có thể một mình “bổ xe” ra sửa chữa. Thế nên có khi một mình một xe, Phạm Hoa mới lái qua ngầm, qua cua tay áo, qua trọng điểm, qua những ngày mưa gió, đường lầy thụt ở Trường Sơn giữa bom rơi đạn nổ”. Văn Công Hùng cười bảo: “Vâng! So với các bậc đàn anh nhà văn lái xe ngày trước, chúng em là… con muỗi. Em cũng thần phục ông Đỗ Tiến Thụy lâu rồi”.
Nói đến đây, tôi lại nhớ hồi Văn Công Hùng đang học lái xe, đến đoạn lái trên đường dài để chuẩn bị thi. Từ Gia Lai, ông phóng ôtô sang Kon Tum vừa rèn tay lái, vừa được… nhậu với nhà thơ Hữu Kim. Rượu quá đà, không lái xe về nhà được, bèn cậy thế đàn anh gọi Đỗ Tiến Thụy ở gần đó đến đưa cả xe và người về Pleiku. Lúc đó, Thụy mới được điều từ đơn vị lên Phòng Chính trị của Sư đoàn Đăk Tô làm lái xe chiếu phim. Cũng vì có năng khiếu văn chương nên Thụy được lái xe chở máy chiếu phim đi khắp các đơn vị, vừa được xem phim, vừa vi vu xuống tận bản làng có bộ đội cắm buôn, chứ không phải lái xe tải kéo pháo như trước.
Đỗ Tiến Thụy và Hữu Kim vất vả khiêng Văn Công Hùng nhồi vào ghế phụ đằng trước, rồi Thụy lái xe 50 cây số đưa ông thi sĩ mới tập lái về nhà. Khi Văn Công Hùng yên vị trong giường ngủ, Đỗ Tiến Thụy đã đánh xe của Hùng vào “chuồng”, thì ông mới giật mình: Bây giờ mình về Kon Tum bằng cách nào, trong lúc đêm hôm các nhà xe đều nghỉ. Cuối cùng thì Đỗ Tiến Thụy cũng nghĩ ra một kế, là điện thoại cho “thi sĩ xe ôm” Tạ Văn Sĩ: “Bác ngủ chưa hay đang sáng tác thơ? Làm một cuốc xuống Pleiku giải cứu em với để sáng sớm mai còn dự lễ chào cờ, không thì bị kỷ luật mất”.
2. Trên từng cây số, trên từng cung đường, chuyện nhà văn nhà thơ ngồi sau tay lái điều khiển ôtô có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ngày nhà văn Phùng Văn Khai học lái xe, thì tay lái vợ ông đã rất “lụa”, lái xe đưa chồng đi chỗ nọ chỗ kia chưa bao giờ va quệt. Thấy phiền quá, đi đâu cũng phải nhờ cậy vợ, mang tiếng là vợ yêu quá mà chăm sóc, bao bọc, nâng giấc, Khai đi học lái xe, thi đỗ, mừng như đỗ Trạng Nguyên, rồi mua ôtô riêng tự lái, không chịu chung xe với vợ.
Chiếc xe đầu tiên Khai mua là chiếc Lada của Liên Xô. Xe cũ kỹ, giảm xóc như răng bà lão, cánh cửa kẽo kẹt, máy kêu như xe ba gác… Những ngày đầu đánh xe ra khỏi “chuồng” là ra đường ngay, người và xe cộ nườm nượp, Khai hoảng quá, tay phải cầm vô lăng, tay trái hạ kính xuống và… giơ tay xin đường. Có lần, cánh cổng sắt của Tạp chí Văn nghệ Quân đội quệt tróc sơn một vệt dài ở hông xe, chỉ vì ông cài số lùi, nhìn gương căn chỉnh để không bóc vỏ cây đại thì lại xiết thành xe vào cửa sắt. Lúc qua cầu Chương Dương về nhà ở Long Biên, chẳng hiểu sao bỗng nhiên xe đằng trước bật xi nhan bất ngờ.
Nhà văn Phùng Văn Khai cuống lên, điện thoại hỏi vợ: “Em ơi! Xe đằng trước nhấp nháy đèn bên phải, anh đánh tay lái theo có được không?”. “Anh có muốn xuống sông Hồng không đấy? Xe người ta trục trặc dạt vào bên phải cầu để dừng đấy. Anh đi chậm thôi, rồi vượt lên đúng đường của mình”. “Thôi em chịu khó phóng xe máy ra, đổi tay lái cho anh, em đi ôtô, anh đi xe máy về. Tay anh run lắm”. Nói rồi Khai dừng ôtô thật. Dừng đột ngột giữa cầu, khiến bao nhiêu xe phía sau ùn lại. Cũng may, đúng lúc ấy nhà văn Nguyễn Thế Hùng cùng đường về nhà lái ôtô qua.
Ông dừng lại, giúp bạn đánh xe vào dừng bên cầu, rồi bảo: “Thôi, ông lên xe tôi chở về nhà. Mặc xác cái xe rách nằm ở đây. Vợ ông ra lái về. Chẳng ma nào nó lấy đâu mà sợ”. Gương mặt giãn ra, Khai ngoan ngoãn, ngồi lên xe bạn. Về đến gần nhà mới nhớ ra vợ mình đang phóng xe máy ra cầu Chương Dương. Một mình nàng dù tay lái “lụa”, nhưng với một xe máy, một ôtô thì đưa về nhà bằng cách nào?
Nghe chuyện, tôi bảo Phùng Văn Khai: “Chú mua xe cỏ. Ôtô gì mà có 70 triệu đồng, ọc ạch, chú không điều khiển được con trâu già ấy là phải. Tiếc gì tiền mà không mua xe đắt tiền, chỉ số an toàn cao”. Khai cãi: “Bác đếch biết làm kinh tế. Mua xe cỏ tập lái, có đâm húc, va đập thế nào cũng không xót. Tay lái em vững thì nó tan cũng vừa. Chứ xe sang đắt tiền có mà em phá ba tháng là xong”. Nhưng, phải sáu tháng sau, Phùng Văn Khai mới “phá” xong cái xe cỏ, và tốn thêm 70 triệu đồng nữa để sửa chữa, đền bù do va quyệt, nộp phạt để được tay lái vững vàng. Bây giờ, ông mua xe Camry rồi. Chồng một xe, vợ một xe, nhưng hai vợ chồng đi đâu thì ông tự tin giành tay lái chở vợ, chứ không sợ tái xám mặt như ngày nào bỏ xe trên cầu Chương Dương nữa.
Kể chuyện học lái xe, tôi nhớ tới Thượng tá, nhà văn Phan Đình Minh, Phó tổng biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ & Môi trường – Bộ Công an, dù Minh học lái xe rất chăm chỉ, cần cù, chịu khó, nhưng cứ thi lần nào… trượt lần ấy, thi lại phải nộp tiền. Phan Đình Minh bảo: “Chẳng hiểu sao, cứ vào thi là em run bắn”. Thi đến lần thứ bảy mới đỗ. Những ngày đầu lái xe, cứ mỗi lần ông đi về nhà ở gần cái Trại Cẩm Giàng của nhóm Tự lực Văn đoàn, mà Thạch Lam viết truyện ngắn “Hai đứa trẻ” bên đường tàu ấy, khi quay lên Hà Nội là có chuyện.
Một lần ông dừng xe trước ngõ nhà tôi, gọi ra. Tưởng có chuyện gì, vì lâu không gặp ông. Tay bắt mặt mừng xong, ông dẫn tôi ra đằng sau mở cốp xe. Thất kinh. Máu me, lông lá, thịt xương tơi bời. “Em về quê, tránh con cóc ngồi giữa ngã ba thì cán phải đàn vịt qua đường. Đền tiền cho họ rồi mang vịt về ăn. Hai vợ chồng em thì ăn sao hết. Bác ăn đỡ giúp em, không hết thì cho hàng xóm, bạn bè”. Ông nhà văn này quả là nhân hậu, biết tránh “cậu ông Giời” mà hy sinh đàn vịt và chịu mất tiền. Cũng đáng để ăn vịt tan xương nát thịt ông ấy cho lắm.
Lại có ông nhà văn, bằng lái sắp đến hạn phải đi đổi mà quên béng, ấy là nhà văn Văn Giá. Trước khi đi ngủ, ông kiểm việc trong ngày, và bảo: “Sáng mai đi đổi bằng lái xe. Ưu tiên hàng đầu”. Tối nào cũng thế! Nhưng rồi, vốn lơ đãng, bằng lái xe quá hạn đổi một tháng rồi ông mới nhớ ra. Dĩ nhiên là ông phải thi lại. Văn Giá đã từng lái xe đưa tôi và mấy bạn văn đi khắp các nẻo đường Tây Bắc, Đông Bắc, vượt từ Đèo Pha Đin ở Điện Biên tới đèo Mã Pí Lèng, dốc 9 khoanh ở Hà Giang. Có nghĩa là tay lái đi miền núi “không phải dạng vừa đâu”.
Vậy mà khi đi thi lại, ông vẫn hồi hộp và run như lần đầu thi cách đây 20 năm. Ông thi ba lần rồi mà vẫn chưa được cấp lại bằng, bây giờ vẫn đang chuẩn bị thi lại tiếp. Ông bảo tôi: “Nản quá! Có lẽ phải giao xe cho con, đi grab thôi ông ạ”.
3. Nhà văn lái xe ôtô mà tôi phục nhất là Nguyễn Như Phong và Đặng Vương Hưng. Năm 1999, khi Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an mở Trại sáng tác truyện ngắn và ký “Cây bút vàng” ở Khánh Hòa, hai ông đã thay nhau lái cái xe 15 chỗ ngồi chở tôi, nhà văn Phan Quế, Phan Đình Minh, Cao Tiến Lê, Đoàn Xuân Tuyến từ Hà Nội vào tận Nha Trang.
Ngày ấy, quốc lộ 1 vừa hẹp vừa xấu, vậy mà ngày thứ nhất đi vèo từ Hà Nội vào Đồng Hới (Quảng Bình) hơn 500 cây số; ngày thứ hai chạy tới hơn 700 cây số từ Đồng Hới – Phú Yên. Ngày thứ ba, đoạn đường ngắn nên đến Nha Trang còn sớm hơn cả dự định.
Tôi nhìn tay lái của ông Nguyễn Như Phong và Đặng Vương Hưng vững chắc, uyển chuyển, rất “lụa”, cứ như anh hùng trên xa lộ. Oai quá! Nể phục quá! Cứ ước ao bao giờ mình cũng lái xe được như thế. Đúng là xứng danh nhà văn Công an lái xe đường trường.
Nguồn bài viết:
https://antgct.cand.com.vn/So-tay/nha-van-tren-tung-cay-so-i732417/