Mẹ không cô đơn

3

baokontum.com.vn

30/07/2024 13:00

Một trong những bài học lớn ấy là mọi chiến thắng đều phải chịu rất nhiều mất mát, hy sinh. Cho nên, không thể để những thân nhân liệt sĩ, người có công phải chịu cô đơn.

Ngôi nhà nhỏ của mẹ Xuân nằm nép mình bên một con phố nhỏ- mà anh bạn đồng nghiệp của tôi ví von là ngắn như “một tiếng thở dài”.

Mọi ngày, trong căn nhà ấy chỉ nghe tiếng bi bô trẻ nhỏ, nhưng mấy hôm nay thường rộn rã tiếng nói cười. Mấy cụ bà hàng xóm cũng sang góp chuyện, rót nước mời khách.

Hỏi thăm ra thì mới biết. Thì ra là khách ở thành phố, khách của phường, của tổ dân phố đến thăm mẹ nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7.

Cứ mỗi lần khách vãn, mẹ lại thắp một nén nhang thơm trước bàn thờ ông, rơm rớm nước mắt: Tuy ông đã bỏ tôi đi xa mấy chục năm nay, nhưng từng ấy năm qua tôi không cảm thấy mình cô đơn. Tôi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền, của phường, của Hội người cao tuổi.

À, còn bà con hàng xóm nữa, thường qua lại thăm nom luôn. Như mấy hôm nay chẳng hạn, nhà mình lúc nào cũng vui. Chị Oanh cũng chăm lo cho tôi chu đáo lắm- mẹ vừa lau lau di ảnh của ông, vừa nói.

163433Th%C4%83m%20h%E1%BB%8Fi,%20%C4%91%E1%BB%99ng%20vi%C3%AAn%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20ch%C3%ADnh%20s%C3%A1ch

Thăm hỏi, động viên gia đình chính sách. Ảnh: HL

 

“Chị Oanh” mà mẹ Xuân nhắc đến chính là cô con gái nuôi của bà. Đã nhiều năm qua, Oanh lặng lẽ chăm sóc mẹ bằng tất cả tình cảm của con gái dành cho mẹ, không nề hà bất cứ việc gì, nhất là khi mẹ ốm đau, từ ăn uống, dọn dẹp, tắm rửa, vệ sinh.

Mỗi khi có ai trong xóm khen, cô chỉ cười. Trong lòng cô chỉ nghĩ, chăm sóc mẹ thật tốt là mệnh lệnh từ trái tim, không chỉ là ân tình, ân nghĩa mà còn là đạo lý.

Mẹ Xuân chỉ là một trong số nhiều đối tượng chính sách neo đơn trên địa bàn thành phố Kon Tum đang được sống những năm tháng cuối đời trong sự quan tâm, chăm sóc của mọi người.

Chồng mẹ vốn là một thương binh, đã mất hơn 10 năm nay. Theo lời kể của mẹ thì ông là lính Sư đoàn 968, chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Hạ Lào, bảo vệ sườn Tây đường Hồ Chí Minh.

Tháng 11/1974, đơn vị ông thay chân Sư đoàn 320 tác chiến tại chiến trường Tây Nguyên. Sau đó lại thay Sư đoàn 10 thực hiện nhiệm vụ nghi binh ở hướng Bắc trong Chiến dịch Tây Nguyên.

Đêm 16/3/1975, cùng với lực lượng vũ trang, chính trị của tỉnh Kon Tum, đơn vị ông thực hiện đột kích vào thị xã Kon Tum, chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng triển khai chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum.

Trước đó, các lực lượng của tỉnh, từ các hướng đã áp sát vào thị xã, tiếp quản một số vùng phụ cận, tấn công các mục tiêu quan trọng của địch.

Thị xã Kon Tum hoàn toàn giải phóng. Đơn vị ông thần tốc tiến vào Pleiku, sau đó đánh hạ hàng loạt căn cứ địch, như Mang Giang, An Khê, Bình Khê (dọc đường 19), tiến xuống đồng bằng tham gia giải phóng Bình Định, Phù Cát, Quy Nhơn, Cam Ranh.

Và ông bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt. Sau năm 1976, ông lại theo đơn vị trở lại Lào làm nhiệm vụ. Năm 1987, Sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ tại Lào và trở về Tổ quốc. Ít năm sau, ông nghỉ hưu, về quê đón bà vào Kon Tum sinh sống.

Khi còn sống, mỗi năm, vào dịp 27/7, ông và đồng đội thường gặp nhau. Trong câu chuyện, có những lúc các cựu chiến binh nghẹn ngào không nói nên lời. Ấy là khi họ nhớ về những đồng đội đã hy sinh trên các nẻo đường chiến đấu, hay ngã xuống ngay giờ chiến thắng.

Những đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống ở độ tuổi đôi mươi. Cảm ơn vì những hy sinh ấy, để chúng tôi và con cháu chúng tôi được sống trong hòa bình, hạnh phúc- ông hay nói.

163535Kh%E1%BB%9Fi%20c%C3%B4ng%20nh%C3%A0%20t%C3%ACnh%20ngh%C4%A9a%20t%E1%BA%B7ng%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20ch%C3%ADnh%20s%C3%A1ch

Khởi công nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách. Ảnh: H.L

 

Hơn 10 năm trước, ông ra đi mãi mãi, để lại bà một mình vì hai ông bà không thể có con, có thể là do di chứng của chất độc da cam. Vượt qua nỗi cô đơn, mẹ tiếp tục sống vui, sống có ích.

Cô Oanh ở cạnh nhà, thấy bà tuổi cao sức yếu thì thương lắm, thường qua lại thăm nom, tình cảm ngày càng gắn bó. Rồi vào ngày giỗ ông, cô thắp nhang xin ông, rồi xin mẹ được làm con nuôi, để tiện bề chăm sóc, đỡ đần mẹ sớm tối.

Mặc dù tuổi mẹ tôi đã cao nhưng việc trong nhà, từ chợ búa, cơm nước, giặt giũ vẫn tự làm lấy, chẳng phiền đến con cháu bao giờ. Đấy, ngay như đứa cháu ngoại đang ở tuổi hiếu động, nghịch như quỷ sứ, cứ quấn lấy bà, nhiều phen làm bà hụt hơi. Ấy thế mà khi tôi ngỏ ý đưa đi gửi, mẹ tôi gạt ngay- cô Oanh “than”.

Nhiều lúc cô cự nự: Mẹ ơi, mẹ già yếu rồi, để thời gian mà nghỉ ngơi. Mẹ nói: Lưng mẹ chưa còng, chân tay mẹ chưa mỏi, mẹ còn làm được việc thì cứ để mẹ làm việc. Cũng là để cho đỡ buồn, lại vui vì giúp đỡ được cho con, cho cháu. Còn có nhiều người già neo đơn cần được chăm lo, giúp đỡ hơn mẹ. Nghe vậy, cô cũng đành thuận ý, để mẹ thoải mái.

Hôm chúng tôi đến thăm, mẹ đang ngồi đó, thảnh thơi nhìn con cháu vây quanh. Đứa cháu ngoại nằm gọn trong lòng. Cô con gái nuôi đang chăm chú nhổ tóc sâu cho mẹ. Một hình ảnh thật bình dị nhưng sâu lắng.

Đúng như lời mẹ từng nói: Tuy hoàn cảnh tôi neo đơn nhưng tôi không hề cô đơn, vì tôi có rất nhiều con cháu bên mình.

Chỉ cần đọc qua lịch sử hình thành nên mảnh đất hình chữ S, sẽ thấy điều đặc biệt là phần lớn lịch sử ấy gắn với các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Để tồn tại như một quốc gia, người Việt đã chiến đấu ròng rã hàng nghìn năm trời, ngay trên mảnh đất của mình.

Được sống trong một đất nước tự do, yên bình, ấm no, chúng ta có rất nhiều bài học lịch sử cần ghi nhớ, cần phải thuộc lòng. Một trong những bài học lớn ấy là mọi chiến thắng đều phải chịu rất nhiều mất mát, hy sinh.

Và cách tri ân, đền ơn đáp nghĩa tốt nhất là không để những thân nhân liệt sĩ, thương binh phải cô đơn.

Vui thay, cũng như mẹ Xuân, bao đối tượng chính sách neo đơn khác ở Kon Tum nói riêng, trên cả nước nói chung, trong cuộc sống còn bộn bề khó khăn, họ không bao giờ phải cô đơn vì bên cạnh luôn có những tấm lòng tri ân, báo hiếu.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/me-khong-co-don-42118.html