laodong.vnKhai thác khoáng sản là cát, sỏi dòng sông để phục vụ công trình xây dựng ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: Thanh Tuấn
Ngày 18.9, UBND huyện Kon Rẫy cho biết, đặc thù địa phương có nhiều điểm mỏ khai thác khoáng sản. Do đó, cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ việc thống kê, kiểm kê trữ lượng khai thác thực tế.
Theo quy hoạch được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt, huyện Kon Rẫy có 21 điểm mỏ khai thác khoáng sản. Trong đó, khoáng sản đồng có 3 điểm mỏ; cát làm vật liệu xây dựng thông thường có 11 điểm; mỏ đất làm vật liệu san lấp có 5 điểm.
Dọc theo dòng sông Đăk Snghé, Đăk Blà còn có một số điểm mỏ khoáng sản khác như: Dolomit (Đăk Pne), Felspat (thị trấn Đăk Rve), quặng Urani (Đăk Ruồng, Đăk Tơ Lung).
Giai đoạn 2021 – 2023, UBND huyện Kon Rẫy đề xuất 9 vị trí thuộc 8 điểm mỏ đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được UBND tỉnh cấp 7 giấy phép khai thác khoáng sản.
Trong đó, có 4 giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, 2 giấy phép khai thác đá xây dựng và 1 giấy phép khai thác đất san lấp.
Năm 2024, huyện Kon Rẫy đề xuất UBND tỉnh chấp thuận đưa 5 vị trí điểm mỏ với tổng diện tích 15,1ha vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2024.
Để tránh thất thu nguồn tài nguyên khoáng sản, UBND huyện Kon Rẫy chỉ đạo cơ quan chuyên môn thống kê, kiểm kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, tránh khai thác vượt khối lượng công suất, trữ lượng dẫn đến vi phạm pháp luật.
Mặt khác, cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân, camera giám sát để tính toán, báo cáo khối lượng thực tế. Từ đó, cơ quan Nhà nước có cơ sở để áp mức thuế tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường theo quy định.
Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/kon-tum-yeu-cau-lap-dat-tram-can-de-giam-sat-khoang-san-1395841.ldo