Địa giới hành chính 4.0: Xóa mờ khoảng cách địa lí

15

TP – Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố không chỉ là giải pháp tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi tiêu hành chính mà còn tạo nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Đảng và Nhà nước định hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, từ chính quyền điện tử, dữ liệu dân cư đến các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giúp rút ngắn khoảng cách địa lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Những khó khăn về địa lý dần được khắc phục nhờ giao thông thông minh, hạ tầng số, dịch vụ tài chính – ngân hàng trực tuyến. Người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công, an sinh xã hội, tạo cơ hội phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền.

Với những lợi ích thiết thực, chủ trương này đang nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ nhân dân, hướng đến một nền hành chính hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.

Kỳ 1: Trắc trở những cung đường

Khi đường bộ chưa hoàn thiện, điện, internet chưa tới từng nhà, mọi giao dịch phải trực tiếp, qua giấy tờ thủ công, nên mất nhiều thời gian, chi phí cho việc đi lại.

Từ cái khó của dân

Trong điểm dừng chân bên đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi, từng đoàn khách du lịch ghé vào nghỉ ngơi, ăn uống, mua đặc sản Cà Mau, ông Lê Minh Tỵ (SN 1977, ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) – chủ điểm dừng chân vẫn nhớ như in thời còn nhỏ.

Khi 2 tuổi, ông Tỵ theo cha mẹ từ Quảng Trị vào vùng chót mũi này lập nghiệp. Khi đó, nơi đây thuộc xã Viên An Đông, được xếp diện bãi ngang ven biển, nằm giữa rừng ngập mặn dân cư thưa thớt, chỉ có đường sông và dùng xuồng chèo tay. Muốn đi đâu phải chờ con nước lớn (nước lên theo thủy triều), mỗi ngày 2 con nước lớn, người dân nương theo đó đi lại, còn khi nước ròng kênh rạch trơ bùn không đi lại được.

Vào mùa gió chướng, mỗi ngày chỉ đi được 1 lần vào buổi chiều, con nước sáng sẽ đi ngược dòng, ngược gió sức người chèo xuồng không lại. Thời kỳ đó, UBND xã cách nhà ông Tỵ khoảng 12km đường thủy, phải mất mấy giờ đồng hồ chèo xuồng mới tới.

Địa giới hành chính 4.0: Xóa mờ khoảng cách địa lí ảnh 1

Mũi Cà Mau – Vùng đất cực Nam Tổ quốc. Ảnh: Tân Lộc

Cũng vì cản trở giao thông như vậy, người dân nơi đây ít khi đi xã, tới huyện càng không, giấy tờ, thủ tục hành chính cũng ít làm vì không phát sinh giao dịch, không đi đâu cần tới. Thời đó, để làm giấy tờ cho người dân, như chứng minh thư, hộ khẩu, khai sinh… chính quyền xã, huyện phải cử đoàn tới từng nhà thu thập thông tin, vận động người dân làm. Ngay ông Tỵ, đến năm 2000 mới có chứng minh thư, do ông làm nghề thu mua tôm đi nhiều mới làm.

Chuyện học hành của ông Tỵ và các bạn cùng trang lứa gần như không có, do trường lớp xa nhà, không có phương tiện và điều kiện kinh tế để đi học. Sau này, có người từ miền Bắc vào biết chữ nên mở lớp tự dạy ở nhà, rồi ông Tỵ theo học để biết chữ, không bằng cấp gì, học tương đương lớp 5 cũng bỏ theo cha mẹ mưu sinh.

Năm 2001 ông Tỵ lấy vợ, sinh con, lúc này phải đi khai sinh cho con nên làm đăng ký kết hôn. Riêng thủ tục kết hôn, ông Tỵ phải làm mất 1 tháng mới xong, do không nắm được thủ tục, từ nhà tới xã mất mấy tiếng đồng hồ, khi thiếu giấy tờ lại về, hoặc tới không gặp cán bộ cũng đành về, bị kéo dài.

“Rồi khi lên huyện làm thủ tục sổ đỏ năm 2014 – 2015, lúc đấy chưa có đường bộ, vẫn đi xuồng quãng đường sông hơn 10km, phải mất 3 tháng đi lại mới làm xong”, ông Tỵ kể lại.

Thời kỳ đó, chuyện người dân không biết mặt, không quen tên lãnh đạo huyện, tỉnh cũng bình thường, do không mấy khi gặp, cũng không có kênh thông tin, báo chí để xem.

Tỉnh miền núi Kon Tum nằm ở phía bắc Tây Nguyên với dân số khoảng 597.000 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54% với 43 dân tộc cùng sinh sống. Trước đây đường sá đi lại xa xôi, hiểm trở, nhiều vùng biên giới gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, hoàn tất các thủ tục hành chính.

Tại thôn biên giới Đăk Đoát (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei), trước đây người dân gặp muôn vàn khó khăn trong việc tiếp cận những chính sách, thông tin. Các buổi họp làng là giải pháp duy nhất để bà con có thể nắm được mọi thông tin cần thiết.

Ông A Thập, trưởng thôn Đăk Đoát chia sẻ, trước khi áp dụng công nghệ thông tin, mỗi tháng phải tổ chức họp thôn từ 2-3 lần để cung cấp thông tin, văn bản cho người dân. Tuy nhiên, điều này không hiệu quả khi chỉ có khoảng 40% người dân đi họp đầy đủ. Vì vậy, trưởng thôn phải tốn thêm thời gian để đến từng nhà vận động, tuyên truyền giúp bà con nắm đầy đủ chính sách.

“Trước đây mỗi lần đi làm bảo hiểm xã hội, tôi phải đến từng hộ vận động, lấy thông tin và di chuyển quãng đường xa để đến xã báo cáo.

Hiện nay chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại nhỏ, tôi đã có thể lấy được thông tin, chữ ký và báo cáo trực tiếp lên xã thông qua ứng dụng trực tuyến. Điều này giúp tôi có thể dễ dàng quản lý tất cả bà con mà không phải tổ chức họp thôn rườm rà như trước”, ông A Thập nhấn mạnh.

Không chỉ dừng lại ở việc thiếu thông tin, việc “sinh không khai, tử không báo” diễn ra thường xuyên, gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch. Hộ gia đình anh A Quý (trú xã Đăk Pék) phải mất 5 năm mới làm giấy khai sinh cho con của mình.

“Người con đầu sinh năm 2012 nhưng phải đến năm 2017 mới lên xã làm giấy khai sinh. Ban đầu, gia đình nghĩ rằng làm giấy khai sinh là không cần thiết. Nhưng khi nhà trường yêu cầu đầy đủ hồ sơ mới cho con nhập học, lúc đó gia đình mới tá hỏa đi hoàn thành giấy tờ”, anh A Quý cho biết.

Không chỉ chậm khai sinh cho con, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đăk Pék vẫn chưa có ý thức làm thủ tục khai tử khi gia đình có người qua đời. Trong năm 2024, toàn xã có 13/39 trường hợp khai tử không đúng hạn. Cá biệt có trường hợp người c h ế t 12 năm mới làm giấy khai tử khi nhân thân trong gia đình làm các thủ tục khác như chia tài sản thừa kế, thay đổi sổ hộ khẩu,…

Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pék nhận định, ngày trước, chính quyền xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm các thủ tục đơn giản như làm giấy khai sinh, giấy khai tử, cấp sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ tùy thân,… Đặc biệt đối với địa phương chiếm phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, việc hoàn thành một thủ tục hành chính đơn giản đôi khi phải mất từ 2-3 ngày.

Đến sự gian nan của cán bộ

Về những khó khăn đi lại, giao thương, học hành, y tế của người dân và chính quyền ngày ấy, chú Tư Dũng (Nguyễn Tiến Dũng) đều không thể quên và thấy hôm nay thay đổi quá nhanh. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chú Tư Dũng đã làm cán bộ xã, từ công an xã tới Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã Đất Mũi.

Từ khi chú Tư Dũng sinh ra tới khi nghỉ hưu năm 2013, vẫn chưa có đường bộ về xã xa nhất trên đất liền cực Nam Tổ quốc. Trong trí nhớ của chú Tư về ngày đó, nơi đây người dân đều làm “nhà không cửa” do không có trộm cắp, dân cũng nghèo không có mấy tài sản để trộm, có lấy đồ cũng không biết mang đi đâu vì không có đường.

Mọi hoạt động tại địa phương, lên xã, huyện, tỉnh đều bằng đường thủy, xuồng chèo tay. Phải tới những năm 2000 mới có điện về đây, rồi sau đó có thêm điện thoại bàn trang bị cho xã.

Thời điểm đó, công việc của cán bộ xã cũng không quá vất vả, chủ yếu nắm thông tin trật tự xã hội, chuyện dân tới trụ sở xã, huyện, tỉnh làm giấy tờ rất ít. Chính quyền triển khai gì phải tới từng nhà dân vận động. Chú Tư Dũng nhớ lại, từ xã Đất Mũi lên tới trụ sở UBND huyện hội họp, làm giấy tờ phải đi đò cả ngày mới tới. Lên tỉnh còn xa vời hơn, phải đi trước 1 ngày, ở trọ lại chờ hôm sau họp mới kịp.

Cũng vì thế, cả sự nghiệp làm cán bộ xã của mình, chú Tư Dũng cũng chỉ có vài ba chuyến được đi tỉnh. “Có lần đi họp huyện, xuồng hỏng máy mấy lần, mất tới hơn 4 tiếng đồng hồ mới tới, rồi dọc đường gặp sóng lớn, gió chướng, mưa rào, tới nơi được người cũng ướt hết. Chuyện đi họp trễ giờ, hoặc tới nơi họp đã xong cũng thường”, chú Tư Dũng nhớ lại.

Theo lời chú Tư Dũng, đi lại khó khăn, nghèo khó, con em Đất Mũi nghỉ học chiếm 30-40%, đa phần chỉ học hết cấp 1. Con em nơi đây muốn học tiếp cấp 2, 3 phải ra huyện, hoặc sang huyện khác học, thuê trọ ở lại, con nhà khá giả lắm mới theo nổi.

Đó là những chuyện khi xưa, trước khi đường Hồ Chí Minh về tới Đất Mũi, từ khi tuyến đường này đưa vào sử dụng năm 2016 tới nay, vùng cuối đất này đổi thay từng ngày.

Còn tại Kon Tum, ông Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, công nghệ đã giúp địa phương phát triển mạnh mẽ trong du lịch và nâng cao đời sống của người dân Xơ Đăng. Từ việc địa thế hiểm trở, khó khăn trong công tác quản lý, tuyên truyền cho người dân, giờ đây đã trở thành điểm mạnh để thu hút khách du lịch.

“Với việc công nghệ ngày càng được đẩy mạnh ngay tại địa phương, chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian, tiền bạc trong việc hướng dẫn, tuyên truyền bà con về các chính sách mới của Nhà nước.

Bên cạnh đó, những nhóm Zalo của thôn, xã cũng giúp chính quyền hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của bà con. Giờ đây, mỗi người dân như một kênh thông tin tuyên truyền, quảng bá cho địa phương”, ông Thủy nhấn mạnh.

(còn nữa)

TÂN LỘC – BỐN VIỆT – NGUYÊN LÊ