Với mong muốn dân được an cư, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thời gian qua, huyện Kon Rẫy đã huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Đến nay 102 căn nhà xây mới và 53 nhà cần sửa chữa đã được triển khai đồng loạt trên địa bàn.
Giấc mơ không còn xa
Để chủ trương xóa nhà tạm, dột nát được triển khai đúng tiến độ, huyện Kon Rẫy đã thành lập các tổ giúp việc hỗ trợ, giúp đỡ đến từng hộ. Các thành viên UBND huyện phân công phụ trách địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhằm biến ước mơ có căn nhà mới, an toàn, khang trang, đẹp của người dân thành hiện thực.
Huyện Kon Rẫy huy động tất cả các lực lượng, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dân. Với sự vào cuộc của cả thống chính trị, người dân ở các làng vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đã hiểu và nhiệt tình ủng hộ chủ trương lớn của Đảng.
Nhà anh A Kiên ở làng Kon Long, xã Đăk Tơ Lung đang dần hoàn thiện. Ảnh: C.N
Nhờ chủ trương lớn trên, cùng sự đồng lòng, giúp đỡ của người dân mà ước mơ về căn nhà kiên cố của anh A Kiên ở làng Kon Long, xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) đang dần thành hiện thực. “Nếu chính quyền không hỗ trợ, không biết khi nào mình mới xây được nhà căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Nhà cũ tạm bợ, mùa mưa thì dột, mùa khô thì nóng. Để có được căn nhà mới, ngoài hỗ trợ chính quyền, người làng giúp, gia đình cũng góp thêm tiền, công, tự kiếm đá, sỏi làm móng. Nhà mới sẽ hoàn thành trước dịp đại lễ 30/4 này.” anh A Kiên tự hào khoe.
Anh A Tẻ- Bí thư Chi bộ làng Kon Long cho biết: Chủ trương lớn của Đảng về xóa nhà tạm, nhà dột nát tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong dân. Công tác tuyên truyền được chú trọng đến từng thôn, làng. Mọi người ai cũng hiểu được mục tiêu, ý nghĩa và tính nhân văn, cao cả của chủ trương. Khát khao về nhà ở mới an toàn, đẹp hơn của dân đã dần thành hiện thực.
Hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Kon Rẫy đã thành một phong trào toàn dân, toàn diện. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại, đã biết chủ động, góp thêm tiền, công, phối hợp cùng chính quyền trong xây nhà mới, đảm bảo nền, tường, mái cứng, giúp gia đình an cư lạc nghiệp.
Vượt khó, về đích sớm
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn. Tuy nhiên, triển khai thực tế, chính quyền các cấp trong huyện Kon Rẫy cũng gặp khó khăn. Trong đó, công tác vận động người dân hỗ trợ, giúp cho các hộ được xóa nhà tạm, đặc biệt là với hộ lười lao động, ít tham gia các hoạt động của thôn, làng gặp khó. Một số xã ở xa trung tâm; một số thôn, làng nằm cách biệt, phải qua sông, suối nên khâu vận chuyển vật liệu gặp khó khăn, chi phí vận chuyển và nhân công lớn. Bân cạnh đó, bà con tập trung cho vụ mùa, hoặc tranh thủ đi làm thêm, cải thiện cuộc sống nên lơ là.
Trước thực tế trên, anh Đỗ Xuân Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung cho biết: Với những trường hợp có tính chất lười lao động, ỷ lại chủ trương Đảng, Nhà nước, chúng tôi làm việc với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan để giải thích rõ chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động mọi người phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ai có tiền giúp tiền, không có tiền giúp công, giúp vận chuyển vật liệu, phụ hồ, đào móng, san nền. Qua đó, người dân hiểu, nhiệt tình ủng hộ, tích cực hỗ trợ nhau. Ngoài ra, chúng tôi huy động công an xã, tổ an ninh nhân dân thôn, xã đội, dân quân, đoàn thanh niên phối hợp để giúp gia đình tháo nhà, vận chuyển vật tư, hỗ trợ ngày công, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Huyện Kon Rẫy đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp dân xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: CN
Theo ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, quá trình triển khai chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn về cơ bản thuận lợi; được sự đồng tình ủng hộ, cán bộ, đảng viên, người dân, cộng đồng dân cư ở cơ sở. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn phát sinh thêm một số khó khăn, nhất là kinh phí hỗ trợ từ cấp trên phân bổ chậm.
Với tinh thần quyết liệt, đa dạng các biện pháp, giải pháp khi thực hiện nên huyện đã chủ động khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ. Cụ thể, huy động thêm từ nguồn xã hội hóa tại địa phương, kết hợp với 5% tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách; chủ động, linh hoạt ưu tiên hộ dân, địa phương ứng trước một phần kinh phí mua vật tư, đảm bảo triển khai thi công đồng loạt.
Nhờ vậy đến nay 155 căn nhà cần xây mới, sửa chữa trên huyện Kon Rẫy đã triển khai thuận lợi, khoảng 60% căn nhà hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ngoài sự hỗ trợ của chương trình, người dân, cộng đồng chung tay góp vốn, sức nên bình quân mỗi căn nhà giá trị khoảng 100 triệu đồng. Chúng tôi phấn đấu đến cuối tháng 4 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ dân có khó khăn về nhà ở trên địa bàn- ông Nguyễn Văn Thủy khẳng định.
Cao Nguyên