Kon Plông tích cực bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng

12

baokontum.com.vn

Những năm qua, huyện Kon Plông đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Ông Đặng Đình Toán- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông cho biết, thời gian qua, huyện đã tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, người uy tín, nghệ nhân để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ, trong đó có cồng chiêng. Đến nay, toàn huyện có 513 bộ cồng chiêng; 9/9 xã, thị trấn có bộ cồng chiêng để tập luyện, biểu diễn và có 72 đội cồng chiêng ở các thôn, làng.

Từ năm 2021 đến nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trên địa bàn mở 41 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho hơn 1.340 người tham gia, chọn hơn 10 nghệ nhân ở các thôn, làng có khả năng thẩm thấu âm nhạc tham gia lớp tập huấn, truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Đội cồng chiêng thôn Kon Chênh biểu diễn tại nhiều sự kiện, chương trình do xã, huyện tổ chức. Ảnh: N.S

 

Đội cồng chiêng thôn Kon Chênh (xã Măng Cành) là một trong những đội làm tốt công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở huyện Kon Plông. Đội được thành lập từ năm 2020, với 20 thành viên, trong đó 8 người đánh chiêng, 12 người múa xoang.

Nghệ nhân A Nuông (68 tuổi, người Mơ Nâm – một nhánh của dân tộc Xơ Đăng)- đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Kon Chênh cho biết: “Đội thường xuyên được các cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn huyện Kon Plông mời biểu diễn cồng chiêng mỗi khi có đoàn khách du lịch tới thăm Măng Đen. Bình quân mỗi tháng biểu diễn 3 – 4 lần, tháng cao điểm du lịch thì 7 – 10 lần, thu nhập khá ổn định từ 2 – 3 triệu đồng/lần”.

Theo ông A Nuông, từ bao đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào Mơ Nâm, là cầu nối giữa con người với thần linh, là phương tiện giao tiếp để gắn kết giữa mọi người với cộng đồng. Vì thế, những năm qua, ông và các nghệ nhân khác ở thôn thành lập đội cồng chiêng để truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu và biết văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha, ông, từ đó, mỗi lớp trẻ có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn “vốn quý” của dân tộc.

Còn tại các trường học trên địa bàn huyện, nhiều trường đã thành lập đội cồng chiêng; tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang nhằm khơi dậy và lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng. Hiện huyện có 10 trường học đã thành lập các câu lạc bộ, đội cồng chiêng. Hàng năm các trường thường xuyên cho học sinh tham gia hoạt động giao lưu, hội thi diễn tấu cồng chiêng, múa xoang do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

095253Nhi%E1%BB%81u%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20M%C6%A1%20N%C3%A2m%20%E1%BB%9F%20huy%E1%BB%87n%20Kon%20Pl%C3%B4ng%20c%C3%B2n%20g%C3%ACn%20gi%E1%BB%AF%20nhi%E1%BB%81u%20b%E1%BB%99%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng

Nhiều gia đình người Mơ Nâm ở huyện Kon Plông còn gìn giữ nhiều bộ cồng chiêng. Ảnh: NS

 

Trường PTDTBT THCS thị trấn Măng Đen (thị trấn Măng Đen) có tới 99% học sinh là người Mơ Nâm. Với mong muốn, học sinh của trường nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc.

Năm 2021, nhà trường tập hợp học sinh yêu thích, say mê với cồng chiêng tiến hành tập luyện, lựa chọn những em có năng khiếu để thành lập đội cồng chiêng.

Sau khi thành lập đội, trường đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện huyện tổ chức mời các nghệ nhân truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng, múa xoang cho học sinh ngoài giờ học. Đến nay, đội cồng chiêng của trường có 30 thành viên chính, gồm cả nam và nữ.

Ngoài duy trì các đội cồng chiêng, đồng bào Mơ Nâm ở huyện Kon Plông còn tích cực gìn giữ các bộ cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ việc làm này, đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương.

Ở thôn Kon Pring (thị trấn Măng Đen), nghệ nhân A Rôi (66 tuổi, người Mơ Nâm) là một trong những người còn giữ nhiều bộ cồng chiêng (2 bộ với 40 chiếc). Trước đây, khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho một bộ cồng chiêng quý gồm 20 chiếc. Sau đó, ông đã bán 3 con bò, 2 con trâu và hơn 1 tạ lúa để mua thêm một bộ chiêng. Có cồng chiêng mới, ông thường xuyên cùng thanh – thiếu niên tại thôn tập luyện để nâng cao kỹ năng.

“Cồng chiêng được người dân ở thôn xem là vật quý trong nhà. Bởi vậy, gia đình nào sở hữu nhiều cồng chiêng được coi là giàu có, người dân nể nang. Để bảo tồn cồng chiêng, tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con gìn giữ các bộ cồng chiêng. Nhờ vậy, hiện nay thôn Kon Pring vẫn còn lưu giữ hơn 20 bộ cồng chiêng”- nghệ nhân A Rôi cho hay.

Nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng ý thức lưu giữ và khát vọng lan tỏa những tinh hoa trong văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây, văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Kon Plông đã và đang được bảo tồn, phát huy.   

Nay Săt


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/kon-plong-tich-cuc-bao-ton-di-san-van-hoa-cong-chieng-42678.html