Tăng cường truyền thông về nguy cơ, phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên

5

thanhnien.vn

Ngộ độc nặng sau khi cùng ăn thịt, trứng cóc

Trong tháng 10.2024, riêng tại tỉnh Kon Tum xảy ra 2 vụ ngộ độc thịt cóc khiến 6 người nhập viện.

Trong đó, có trường hợp 5 người cùng ăn thịt cóc có lẫn trứng xào cùng rau rừng. Sau khi ăn khoảng 15 phút, cả 5 người đều có triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn mửa, vật vã và được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.

Trong số 5 bệnh nhân nói trên, có 2 trường hợp ngộ độc gây biến chứng chậm nhịp bên cạnh các triệu chứng ngộ độc cấp tính như: đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn.

Trước 5 trường hợp nêu trên, ngày 1.10, Trung tâm y tế H.Đăk Tô (Kon Tum) cũng tiếp nhận bệnh nhân 17 tuổi, ở H.Đăk Tô) nhập viện do ngộ độc nặng sau khi ăn thịt cóc gây suy đa tạng, rối loạn nhịp tim, suy tim.

Trước tình trạng ngộ độc thịt cóc xảy ra tại các địa phương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum đã khẩn trương có kế hoạch truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt tại các thôn, làng có nguy cơ cao. Đồng thời, Chi cục ATVSTP Kon Tum đã đề nghị các huyện tăng cường tần suất truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc trong mùa mưa.

Các bệnh nhân ngộ độc thịt cóc ngày 22.10 từng được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum

Các bệnh nhân ngộ độc thịt cóc ngày 22.10 từng được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum

Ngộ độc có thể gây tử vong, không tự bắt, chế biến ăn thịt cóc

Theo chuyên gia của Cục ATTP, ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.

Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc thường xuất hiện từ 1 – 2 giờ sau khi ăn với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc…

Ngộ độc do độc tố cóc rất nặng, nguy cơ tử vong, nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.

Để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc không nên tự bắt chế biến ăn thịt cóc. Chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng sản phẩm đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/tang-cuong-truyen-thong-ve-nguy-co-phong-ngua-ngo-doc-do-doc-to-tu-nhien-185241120201640821.htm