Dừng xây dựng trường học, cầu treo vì địa giới chồng lấn

5

vnexpress.net

Quảng NamMạnh thường quân đầu tư 760 triệu đồng xây điểm trường và cầu treo ở xã Trà Vinh, đến khi công trình gần hoàn thành thì phải dừng do địa giới chồng lấn.

Ngày 28/5, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tạo điều kiện để các công trình tại thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My được tiếp tục triển khai. Cầu treo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong mùa mưa bão, còn điểm trường đảm bảo cơ sở vật chất cho trẻ em trong năm học mới.

Cầu treo được mạnh thường tài trợ mua vật liệu, người dân đóng góp ngày công xây dựng. Ảnh: Đắc Thành

Cầu treo được mạnh thường tài trợ mua vật liệu, người dân đóng góp ngày công xây dựng. Ảnh: Đắc Thành

Theo ông Dũng, đầu năm 2024 thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác giáo dục và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, xã Trà Vinh kêu gọi các nhà tài trợ, mạnh thường quân ủng hộ xóa điểm trường học tạm, làm cầu treo.

Chính quyền xã Trà Vinh đã kết nối được với một mạnh thường quân tài trợ xây cầu treo tại thôn 3, kinh phí 60 triệu đồng. Cầu dài khoảng 20 m, rộng hơn một mét, bắc qua suối Nước Tối phục vụ đi lại cho 105 hộ dân.

Cũng tại thôn 3, một mạnh thường quân đầu tư xây dựng điểm trường tiểu học với kinh phí 700 triệu đồng. Điểm trường được xây mới gồm hai phòng học, nhà nấu ăn và công trình vệ sinh, phục vụ 72 học sinh lớp 1 và lớp 2.

Hai công trình này từ nguồn xã hội hóa được thực hiện trên địa điểm cũ, sẵn có nên không gây không tác động đến môi trường sinh thái, rừng tự nhiên. Hiện hai công trình gần hoàn thành thì bị xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum lập biên bản buộc tạm dừng thi công, lý do nằm trên địa bàn xã Đăk Nên quản lý.

Chủ tịch huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết thôn 3, xã Trà Vinh chồng lấn địa giới hành chính với xã Đăk Nên nên việc xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh từ ngân sách nhà nước không thể triển khai. Đường, điện, trường lớp học chưa được đầu tư kiên cố khiến đời sống người dân gặp khó khăn.

Điểm trường tiểu học tại thôn 3 do mạnh thường quân tài trợ. Ảnh: Đắc Thành

Điểm trường tiểu học tại thôn 3 do mạnh thường quân tài trợ đang phải dừng lại. Ảnh: Đắc Thành

Trước đó năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) ban hành Chỉ thị 364 giải quyết tranh chấp đất đai liên quan địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Theo đó, ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và Kon Tum được xác lập sau nhiều lần tách, nhập.

Quá trình đo đạc chồng lấn gần 6.200 ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến trên 10 km, diện tích khu vực có dân cư xã Trà Vinh sinh sống hơn 3.000 ha. Hiện 238 hộ với hơn 1.000 người thuộc thôn 3 xã Trà Vinh sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông.

Theo ông Dũng, các hộ dân sống tại thôn 3, xã Trà Vinh đã ở vùng đất này từ xa xưa, trước khi triển khai Chỉ thị 364. Phong tục, tập quán người dân khu vực này là của bà con dân tộc thiểu số vùng Quảng Nam, khác với phong tục, văn hóa người thiểu số ở Tây Nguyên. Người ở đây chủ yếu là dân tộc Ca Dong, mang họ Nguyễn, họ Hồ, khác với người Xê Đăng ở Tây Nguyên mang họ A, họ Y.

Từ 2008 đến này, các ngành, địa phương của Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức làm việc với các ngành, địa phương liên quan của Kon Tum nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết.

Hôm 23/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi báo cáo kiến nghị Bộ Nội vụ giải quyết vướng mắc về địa giới hành chính giữa hai tỉnh. Tỉnh mong muốn điều chỉnh phần diện tích hơn 3.000 ha có dân cư xã Trà Vinh sinh sống thuộc địa phận của xã Đăk Nên về xã Trà Vinh.

Đắc Thành


Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/dung-xay-dung-truong-hoc-cau-treo-vi-dia-gioi-chong-lan-4751321.html