baokontum.com.vn
15/06/2024 13:09
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất mới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cơ sở để tiếp tục nhân rộng giúp tăng thu nhập cho người sản xuất.
Qua rà soát, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở và các địa phương phối hợp triển khai thực hiện được 88 mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tập quán canh tác của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 48 mô hình, chăn nuôi có 17 mô hình, nuôi trồng thủy sản có 8 mô hình và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 15 mô hình.
Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa RVT gắn với xây dựng với thương hiệu “gạo Đoàn Kết” chất lượng cao, sạch vì sức khỏe cộng đồng được ngành Nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương triển khai năm 2021 tại xã Đoàn Kết với sự tham gia của141 hộ dân. Mô hình đã áp dụng đưa giống lúa chất lượng vào trồng, triển khai canh tác theo hướng an toàn, cơ giới hóa trong sản xuất nên năng suất, chất lượng lúa gạo được nâng cao. Năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, tăng 7,14% so với sản xuất lúa trong điều kiện bình thường; lợi nhuận đạt khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ. Thông qua triển khai mô hình đã giúp người dân tiếp cận với giống mới, phương pháp thâm canh hiệu quả, tổ chức liên kết trong sản xuất để xây dựng cánh đồng lớn, góp phần đưa sản phẩm gạo Đoàn Kết trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Mô hình trồng lúa ST 24 định hướng hữu cơ tại huyện Kon Rẫy cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TH
Nhằm giúp người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, đưa giống mới, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào trồng lúa, từ năm 2021- 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy triển khai mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ” tại 3 xã Tân Lập, Đăk Tơ Lung và Đăk Tờ Re. Tổng diện tích thực hiện là 35ha với 96 hộ dân tham gia. Với việc triển khai canh tác theo hướng giảm lượng giống, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu hóa học, thay vào đó là sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao, trung bình đạt 7 tấn/ha, chất lượng hạt gạo thơm ngon nên có giá bán cao hơn so với các loại gạo thông thường khoảng 20%. Do đó, mô hình được đánh giá đạt kết quả tốt, không chỉ giúp nâng cao giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng lúa, mà còn góp phần tạo ra sản phẩm gạo có lợi cho sức khỏe của người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Cùng với trồng trọt, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả với đa dạng các loại vật nuôi như mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi bò an toàn với dịch bệnh, nuôi heo sọc dưa, nuôi heo sinh sản và heo thịt, nuôi gà đẻ trứng.
Tiêu biểu có mô hình nuôi heo sọc dưa tại xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) đã góp phần đa dạng sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ dân và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Theo đó, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Đăk Pxi tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn từ quỹ sinh kế dịch vụ môi trường rừng đầu tư nuôi heo sọc dưa sạch theo hình thức bán hoang dã, an toàn. Với sự hỗ trợ, đồng hành tích cực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, 30 hộ dân- chủ yếu là các hộ đồng bào DTTS- đã mạnh dạn triển khai mô hình chăn nuôi này. Mỗi năm các hộ dân xuất bán ra thị trường khoảng 350 con heo giống và heo thịt; bình quân thu lời 600.000 đồng/con giống và 1-1,5 triệu đồng/con heo thịt.
Mô hình nuôi cá lồng bè tại lòng hồ Ya Ly là một trong những mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: T.H
Bên cạnh đó, tại các địa phương của tỉnh có điều kiện thuận lợi cũng đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn như mô hình nuôi cá lồng bè đối với 3 loại cá là diêu hồng, lăng nha, thát lát cườm được triển khai tại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) từ năm 2022. Thông qua mô hình đã giúp các hộ dân sinh sống trên vùng lòng hồ Ya Ly biết khai thác hiệu quả lợi thế về mặt nước, nguồn thức ăn từ tự nhiên để nuôi cá, hạn chế việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.
Để góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đông đảo người dân, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp, việc triển khai nhận rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, tập huấn, hỗ trợ để người dân tiếp cận và thực hành sản xuất theo các mô hình đã được kiểm chứng, đánh giá. Đồng thời, khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn thực phẩm, VietGAP để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đạt yêu cầu chất lượng, đáp ứng yều cầu cho thị trường xuất khẩu.
Thiên Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/nhan-rong-cac-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-hieu-qua-41388.html