Kon Tum xin hỗ trợ ‘gỡ vướng’ quản lý khoáng sản

6

vietnamnet.vn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kon Tum, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn những năm qua gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Thứ nhất, về thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 quy định, đối tượng khoáng. sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: cát, sỏi, đất sét làm gạch, ngói và các loại đá (không có quy định về đất san lấp).

Trong khi đó, theo các văn bản hướng dẫn dưới luật, “đất” được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phải áp dụng các cơ chế quản lý theo pháp luật về khoáng sản. Vì thế phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc gây trì trệ trong đầu tư và tiến độ xây dựng. 

anh 1.jpg
Ảnh minh hoạ

Trên thực tế, hầu hết các công trình đầu tư công và ngoài khu vực công, trong quá trình chuẩn bị mặt bằng đều có thi công đào, đắp đất từ nơi thừa đến nơi thiếu, đất dôi dư tập kết về bãi thải. Các hoạt động này đều được xem là khai thác, sử dụng khoáng sản đất san lấp nên kéo theo hàng loạt các thủ tục pháp lý và các nghĩa vụ tài chính liên quan phải thực hiện, gây ách tắc, kéo dài. Nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa hiểu được quy định này dẫn đến vi phạm pháp luật.

Thứ hai, đối với các trường hợp được cấp phép trước ngày 1/7/2011. Điểm đ, khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “có quyền đề nghị gia hạn”, trong khi đó, khoản 1 Điều 84 lại quy định: “thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép”.

Theo Sở TN&MT tỉnh Kon Tum, sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các điều khoản nói trên đã gây nhiều khó khăn, bức xúc cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Nhiều dự án khai thác bị đình chỉ khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn trong khi mỏ chưa khai thác hết trữ lượng nhưng đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Khi các dự án này dừng hoạt động đã gây thiệt hại nặng về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Thứ ba, về cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Tỉnh Kon Tum có địa hình chủ yếu đồi núi dốc, sông suối nhỏ có dòng chảy mạnh, dẫn đến lượng cát sỏi tích tụ, bồi lắng thường xuyên có sự biến động lớn về trữ lượng theo mùa (mùa lũ, mùa cạn). Tuy nhiên, quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 chưa có hướng để giải quyết việc quản lý, cấp phép đối với phần tài nguyên cát, sỏi lòng sông được bồi lắng. Nếu không được khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên.

Thứ tư, việc quản lý đất san gạt, đất đào, đắp trong quá trình thi công công trình, triển khai dự án đầu tư. Trên thực tế, nhiều công trình có độ dốc cao, cần san gạt, tạo mặt bằng, tuy nhiên, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau đối với khối lượng đất này có phải là khoáng sản hay không. Nếu xác định là khoáng sản thì phải phải lập thủ tục để cấp giấy phép, hoặc đăng ký để được cấp thẩm quyền xác nhận, cho phép khai thác khoáng sản trong phạm vi công trình, dự án. Điều này dẫn đến phát sinh nhiều quy trình thủ tục, gây khó khăn đối với các dự án có quy mô nhỏ, khối lượng khoáng sản sử dụng ít, không đáng kể.

Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đề xuất Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục cấp giấy phép khoáng sản; sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn để giải quyết việc quản lý, cấp phép đối với phần tài nguyên cát, sỏi lòng sông được bồi lắng; sửa đổi, bổ sung quy định rõ trường hợp nào xác định là khoáng sản trong qúa trình san gạt, đào, đắp trong quá trình thi công công trình, triển khai dự án đầu tư, để địa phương có cơ sở triển khai, thực hiện.

Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cũng đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo hướng các giấy phép khai thác khoáng sản được cấp trước hoặc sau ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, đều có quyền như nhau, được phép gia hạn khi đảm bảo các điều kiện, nhằm tạo sự công bằng trong hoạt động khoáng sản.

Trần Hoàn


Nguồn bài viết:
https://vietnamnet.vn/kon-tum-xin-ho-tro-go-vuong-quan-ly-khoang-san-2346578.html