Hơi thở văn hóa của người Xơ Đăng qua tiếng cồng, tiếng chiêng

2

www.nguoiduatin.vn

Ngày 28/11, tại Quảng trường Trung tâm, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã tổ chức lễ khai mạc Hội thi Cồng Chiêng, Xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lần thứ II năm 2024.

Hội thi Cồng Chiêng lần này là một trong năm sự kiện do huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ V và hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập huyện. Hội thi sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 29/11.

Tham gia hội thi là 11 đội đến từ 11 xã trên địa bàn huyện, với mỗi đội gồm khoảng 25 người trở lên, đại diện cho nhiều lứa tuổi khác nhau.

Hơi thở văn hóa của người Xơ Đăng qua tiếng cồng, tiếng chiêng- Ảnh 1.

Các đội tham dự phần thi cồng chiêng.

Tại hội thi, 11 đội tham gia sẽ có tối đa 35 phút để trình diễn bài thi, bao gồm 5 phần thi liên hoàn. Mở đầu, các đội sẽ tự thuyết minh về những nét đẹp truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, các chính sách tự đào tạo và truyền dạy cồng chiêng, cùng những thành quả trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng của địa phương trong năm qua.

Tiếp theo, các đội sẽ tái hiện những trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh bản sắc và hơi thở cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng; trình diễn các bài cồng chiêng kết hợp với múa xoang, các tiết mục dân ca truyền thống và chỉnh âm cồng chiêng.

Ban tổ chức sẽ chấm điểm và trao giải cho các hạng mục: giải thưởng cồng chiêng, xoang; giải thưởng chỉnh âm cồng chiêng và giải thưởng trình diễn dân ca.

Nghệ nhân A Nghiêng (38 tuổi) đến từ xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ tại hội thi: “Từ xa xưa, đồng bào Xơ Đăng đã được ông cha truyền lại văn hóa cồng chiêng, xoang. Những bài cồng chiêng, xoang là linh hồn của người dân Xơ Đăng đang sinh sống tại xã Đăk Na”.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, dân tộc Xơ Đăng chiếm 95% dân số trong huyện, đây là một kho tàng văn hóa vô cùng độc đáo và quý giá.

Hơi thở văn hóa của người Xơ Đăng qua tiếng cồng, tiếng chiêng- Ảnh 2.

Nhiều hoạt động ý nghĩa tại lễ khai mạc.

Điểm đặc biệt của hội thi lần 2 là trong một đội thi, có nhiều lứa tuổi tham gia, từ trẻ em đến người lớn. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi văn hoá Xơ Đăng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, chứng tỏ các chính sách bảo tồn văn hoá mà địa phương triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai các giải pháp, nhằm phát huy văn hoá đồng bào Xơ Đăng, giúp nền văn hoá độc đáo ở vùng đất cách mạng luôn được bảo tồn và phát triển rộng khắp.

Một số hình ảnh PV Người Đưa Tin ghi nhận tại hội thi:

Hơi thở văn hóa của người Xơ Đăng qua tiếng cồng, tiếng chiêng- Ảnh 3.

Rượu cần một trong những đồ uống đặc sản của người dân địa phương giới thiệu đến du khách.

Hơi thở văn hóa của người Xơ Đăng qua tiếng cồng, tiếng chiêng- Ảnh 4.

Các tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc..

Hơi thở văn hóa của người Xơ Đăng qua tiếng cồng, tiếng chiêng- Ảnh 5.Hơi thở văn hóa của người Xơ Đăng qua tiếng cồng, tiếng chiêng- Ảnh 6.

Cồng chiêng là nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa người địa phương.


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/hoi-tho-van-hoa-cua-nguoi-xo-dang-qua-tieng-cong-tieng-chieng-204241128140003219.htm