Giá cau tăng cao, người dân xã Đăk Nên phấn khởi

8

baokontum.com.vn

Năm 2024, giá quả cau tươi được thương lái trên địa bàn tỉnh thu mua với mức khoảng 70.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 4 lần so với các năm trước. Giá tăng cao, người dân tại xã Đăk Nên (huyện Kon Plông)- nơi trồng cau nhiều của tỉnh rất phấn khởi.

Những hàng cau xanh mướt, vươn cao là hình ảnh rất đặc trưng của các thôn, làng trên địa bàn xã Đăk Nên. Không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp của các khu dân cư, cây cau còn tạo ra thu nhập đáng kể cho bà con nhân dân nơi đây, nhất là giá quả cau tươi trên thị trường đang tăng cao.

Thôn Đăk Búk hiện có 52 hộ với 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Hiện tại, thôn Đăk Búk có số lượng cau nhiều nhất của xã Đăk Nên với trên 80ha. Tất cả hộ dân nơi đây đều có vườn cau, hộ ít thì khoảng 1ha, một vài hộ có trên 10ha. Thời điểm này đang bước vào mùa thu hoạch cau rộ, hầu hết người dân trong thôn đều dành thời gian để thu hái các buồng cau và lặt quả, đóng vào bao để xuất bán cho thương lái. Việc bán cau diễn ra thuận lợi vì trong thôn có đến 4 điểm thu mua cau với giá dao động từ 68.000-70.000 đồng/kg quả tươi.

1818425ha%20c%C3%A2y%20cau%20gi%C3%BAp%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20%C3%B4ng%20A%20Hu%C3%A2n%20c%C3%B3%20thu%20nh%E1%BA%ADp%20tr%C3%AAn%20300%20tri%E1%BB%87u%20%C4%91%E1%BB%93ng

5ha cây cau giúp gia đình ông A Huân có thu nhập trên 300 triệu đồng. Ảnh: T.L

 

Gia đình ông A Huân là hộ có nhiều cau nhất ở thôn Đăk Búk với 12ha trồng cau; trong đó có 5ha đang cho thu hoạch. Do giá cau tăng cao, thu nhập của gia đình ông trong năm nay đạt trên 300 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình sắm sửa thêm vật dụng trong gia đình, tích luỹ nguồn vốn để tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cau trong các năm tiếp theo.

Ông A Huân tâm sự: Nhiều năm trước, gia đình tôi xác định cây cau là cây chủ lực của gia đình để phát triển kinh tế. Do vậy, tất cả số tiền tích góp được gia đình đều tập trung đầu tư mua đất để mở rộng diện tích trồng cau. Đặc tính sinh trưởng của cây cau rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại nơi đây. Cây cau lại dễ trồng, chỉ tốn công làm cỏ mỗi năm, không yêu cầu về phân bón và nước tưới nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế. Bình quân mỗi năm, cây cau mang lại thu nhập cho gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng; nếu cau được mùa, được giá thì thu nhập có thể cao hơn gấp nhiều lần, như vụ cau năm nay chẳng hạn.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây cau, những năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã Đăk Nên chủ động trồng cau từ hạt trên các diện tích đất trống. Nhờ đó, diện tích trồng cau tại xã Đăk Nên phát triển nhanh chóng, hiện đạt 131ha.

181915Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20thu%20ho%E1%BA%A1ch%20qu%E1%BA%A3%20cau%20t%C6%B0%C6%A1i%20%C4%91%E1%BB%83%20b%C3%A1n%20cho%20th%C6%B0%C6%A1ng%20l%C3%A1i

Người dân thu hoạch quả cau tươi để bán cho thương lái. Ảnh: TL

 

Với giá thu mua cao hiện nay, theo đánh giá của UBND xã Đăk Nên, ước tính tổng thu nhập từ việc xuất bán cau quả của các hộ dân trên địa bàn xã Đăk Nên đạt trên 10 tỷ đồng. Từ đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân, tạo cơ hội để các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Vũ Văn Mạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết: Những năm qua, UBND xã Đăk Nên tích cực tuyên truyền vận động người dân phát triển diện tích trồng cau trong vườn nhà, trồng xen trên rẫy. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông để có kinh phí đầu tư trồng cây cau, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, UBND xã đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp để họ thu mua, bao tiêu sản phẩm của người dân và tăng cường kiểm soát thị trường, tránh tình trạng ép giá, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Thời gian đến, chính quyền địa phương tập trung quy hoạch vùng phát triển cây cau, từng bước đưa cây cau trở thành cây chủ lực để phát triển kinh tế trên địa bàn.    

Tấn Lộc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/gia-cau-tang-cao-nguoi-dan-xa-dak-nen-phan-khoi-43609.html