Con gái của người Giải phóng quân

8

vnca.cand.com.vn

1.

Quá nửa thế kỷ, nhưng người cựu chiến binh Mỹ ở chiến trường Việt Nam tên Michael vẫn cứ đau đáu nỗi niềm ăn năn, không biết làm sao có thể nguôi ngoai được, dù bao lần đi xưng tội với cha thay mặt Chúa ở nhà thờ, nhưng hình như sự ám ảnh từ đôi mắt của bé gái trong bức hình, vừa buồn mênh mang, vừa như một câu hỏi “tại sao” đến the thắt, luôn làm Michael cảm thấy bứt rứt, như mắc nợ bé một câu trả lời mà chính bản thân mình cũng chưa biết phải trả lời ra sao.

Ngày ấy, năm 1967, Michael mới 18 tuổi, đã bị bắt lính và sau một đợt huấn luyện cấp tốc thì lên tàu sang miền Nam Việt Nam, rồi cũng rất nhanh được phiên vào một đơn vị thuộc sư Kỵ binh bay của Mỹ, ra ngay chiến địa ở miền Trung, rơi thẳng vào trận chiến khốc liệt ở Đăk Tô. Không thể kể lại hết những kinh hoàng, thống khổ, những khốc liệt, hủy diệt như ngày tận thế mà một tân binh Mỹ trực diện nếm trải.

Từ những trận đấu pháo của Mỹ với quân Giải phóng, đến các trận đánh bằng xe thiết giáp chiến thuật với sự xuất hiện dũng mãnh của những chiếc xe tăng quân Giải phóng, rồi hai bên dàn quân đánh trận theo đúng quy mô quy cách một trận chiến quân sự truyền thống giữa các binh chủng hợp thành thiện chiến của cả hai bên, một bất ngờ tác chiến đối với phía Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Việc hằng ngày Michael phải chứng kiến khoảnh khắc đội thu gom tử sĩ của sư đoàn là hàng trăm tấm pông-sô gói xác lính Mỹ được dồn lại, cho lên trực thăng, chuyển tới quân cảng Đà Nẵng chở về Mỹ, mà cảnh này kéo dài gần cả tháng, đã làm tinh thần của Michael gần như rơi vào hoảng loạn, lo sợ, bất an, hoang mang, không biết ngày nào thì mình cũng sẽ bị cuốn vào tấm pông-sô bít bùng đó.

Michael không biết làm gì ngoài việc làm dấu thánh và lẩm nhẩm cầu Chúa, khẩu s ú n g AR.15 gần như dính chặt vào người, hướng mũi s ú n g ra bên ngoài và mắt thì nhắm nghiền, tay bóp cò s ú n g, không cần biết phía trước có ai, mà cũng rất khó biết vì lúc đó cả chiến địa bị cày xới lộn tung, trên thì bom và rocket của máy bay Mỹ thả xuống, rồi pháo bắn, rồi các loại mìn, lựu đạn, vũ khí từ B.40, B.41, AK của quân Giải phóng đến các loại M.79, cối 81… của lính Mỹ, mờ mịt khói lửa, tiếng nổ, giống như lật trời đảo đất của một cơn địa chấn… Rồi, bỗng dưng trong đám hỗn mang khói lửa đó, một nhóm quân Giải phóng hiện ra, xông về phía chiến hào trận địa của Michael. Một cuộc đấu s ú n g trực diện giữa hai bên và ở khoảnh khắc sinh tử cận kề này, không ai kịp nghĩ gì về đồi phương, mà cứ nhắm mắt nhả đạn, chậm tích tắc là có thể không còn ngày mai.

Có lẽ, đó cũng là khoảnh khắc ghim chặt vào ký ức của Michael không thể phai nhòa, thành vết thương hội chứng thần kinh hậu chiến tranh Việt – Mỹ kéo dài đến mấy chục năm sau, khi bất chợt trước mắt, gần như đụng vào mũi s ú n g của Michael là một lính quân Giải phóng. Như một phản xạ tự nhiên, tay bóp có s ú n g và cả một loạt đạn ghim thẳng vào người lính Giải phóng, anh té nhào chồm về phía trước, hai tay gần như ôm róng riết xung quanh thắt lưng Michael, Michael cảm nhận phía trước bụng mình thấm ướt máu của anh ta và hoảng hốt cố gắng hất ra.

Bất chợt, người Giải phóng quân buông tay từ từ khuỵu xuống, một tay chống trên đất, một tay lần tìm nơi túi áo, lấy ra một tấm hình, là một bé gái, ánh mắt nhìn Michael không có vẻ căm thù hay hận thù, mà là ánh mắt của một sự thương hại, một sự tha thứ đến kỳ lạ. Chính ánh mắt đó đã làm Michael day dứt xốn xang, cảm thấy cần làm một điều gì cho anh. Michael cầm tấm hình, lật phía sau thấy có mấy hàng chữ Việt, nhưng không hiểu viết gì, hình như là địa chỉ. Người Giải phóng quân lịm đi, mắt khép lại và nằm nhoài hẳn ra đất. Michael cũng vội nhét tấm hình vào túi áo và chạy nhanh về phía trước theo mấy người lính của đơn vị mình.

Trận chiến còn kéo dài tới ba ngày sau mới kết thúc, phía quân Mỹ bị tiêu hao gần hết sức chiến đấu. Phần còn lại của sư đoàn Kỵ binh bay được lệnh rút về căn cứ ở Đà Nẵng để bổ sung quân. Cũng lạ, Michael không bị một vết thương nào dù mấy lần tưởng chừng cận kề cái c h ế t.

2.

Đêm đầu tiên trở về căn cứ ở Đà Nẵng, Michael không ngủ được. Bức hình bé gái như động đậy, Michael lấy ra khỏi túi, chăm chú nhìn, bé gái chừng 5-6 tuổi, ánh mắt nhìn như xoáy sâu vào Michael, một đôi mắt to tròn u buồn đến nao lòng.

– Tại sao ông lại sang tận đất nước tôi rồi bắn cha tôi?

– Tại sao ông lại chia cắt cha con tôi âm dương cách biệt?

– Tại sao ông không thấy tội lỗi khi g i ế t người?

Michael bỗng nhiên run tay, toát mồ hôi lạnh, cảm giác hàng chục câu hỏi của bé gái trong bức hình đang cứa sâu vào tim mình, mà không câu nào có thể trả lời được.

– Ừ, tại sao mình lại có mặt ở đất nước này, cách xa nước Mỹ hơn nửa vòng trái đất, không có gì ở đây gọi là đe dọa nền hòa bình của nước Mỹ?

– Ừ, tại sao lại phải bắn g i ế t họ khi không có thù hận gì, đổi lại là hàng ngàn người trai trẻ anh tú của nước Mỹ phải bỏ thây ở đất nước xa lạ này?

– Ừ, tại sao lại phải luôn sống trong nỗi sợ hãi khi cái c h ế t vô lý có thể đến với mình bất kể lúc nào?…

Con gái của người Giải phóng quân -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Thế rồi, đêm đêm Michael như bị một thôi thúc thần bí nào đó, lại mang bức hình ra nhìn, đôi mắt cô bé vẫn rất buồn, một nỗi buồn thao thiết bi thương, vẫn hàng chục câu hỏi “tại sao” mà Michael không thể trả lời được, ngay cả câu hỏi đơn giản nhất “tại sao lại có mặt ở đất nước Đông Nam Á xa xôi này?”. Có đêm, nhìn bức hình, Michael bật khóc, một nỗi thất vọng tràn trề với những gì được cấp trên truyền đạt, chỉ thấy càng ngày sự có mặt của những người lính Mỹ ở Việt Nam càng vô lý. Chưa kể những cuộc càn quét hủy diệt đã làm cho bao người dân vô tội bỏ mạng, làng mạc thôn xóm bị cày xới như bị những cuộc đại địa chấn…

Nỗi giày vò ngày càng lớn, Michael rơi vào trầm cảm nặng và được trở về Mỹ. Trong hành trang về nhà của người lính Michael có bức hình bé gái, cùng tâm tư nặng trĩu không biết sẽ làm gì với nó, không biết phải làm sao chuộc lỗi với người Giải phóng quân và gia đình anh. Khi về đến nhà, cảm giác “món nợ” này càng nặng, choán hết tâm tư của Michael, bởi khoảng cách quá xa, chiến tranh vẫn tiếp diễn đầy tàn khốc và những “bọc” pông-sô chuyển về Mỹ ngày càng nhiều.

Michael đã cho bức hình vào một khung gỗ nhỏ, đặt ngay trên bàn làm việc của mình trong phòng. Ngày tiếp ngày, tháng nối tháng, năm qua năm, bé gái trong hình dần như một thành viên trong nhà Michael, cả nhà đặt tên cho bức hình là “Vietnamese Girl”- Cô bé Việt Nam. Ngày nào Michael cũng dành ít phút ngồi lặng ngắm và thầm trò chuyện với bức hình, cảm giác cô bé đang ở trước mặt, đang chất vấn bằng ánh mắt vời vợi buồn.

Thời gian càng chồng chất năm tháng, Michael cảm giác ánh mắt cũng ngày càng như buồn nhiều hơn, buồn đến the thắt, mà khi nhìn vào, Michael càng day dứt mặc cảm tội lỗi của mình. Lời hứa với người Giải phóng quân chưa thực hiện được cũng làm cho Michael thấy bản thân mình tồi tệ, trong tim cứ như có một khối u ngày càng to hơn, vật vã Michael trong những cơn đau vô hình mà quặn thắt.

3.

Tại Đà Nẵng có tổ chức cuộc hội thảo Việt – Mỹ mang chủ đề “Chấn thương, khủng hoảng trong chiến tranh và chữa lành bằng nghệ thuật” do các trường đại học nghệ thuật của Việt Nam và Mỹ phối hợp tổ chức. Tính từ sau Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh được ký kết ngày 27/1/1973, tới thời điểm này cũng đã được 50 năm, rất nhiều học giả Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Úc, Nhật… tham dự.

Và, trong cuộc hội thảo, một học giả – giáo sư tâm lý, nghệ thuật học người Mỹ, đã mang ra bức hình được chụp lại – là chân dung một bé gái chừng 5-6 tuổi – “Vietnamese Girl”. Ông đã kể câu chuyện của người cựu chiến binh Mỹ tên Michael và cho biết hiện tại ông ta sống trong trạng thái trầm cảm nặng, luôn thường trực ám ảnh tội lỗi, ông muốn qua cuộc hội thảo này, giúp tìm bé gái trong bức hình để trả lại cho gia đình và nếu có thể được, ông sẽ sang Việt Nam, đến tận nơi tạ tội với cô bé, với gia đình người Giải phóng quân, như một sự chuộc lỗi, cho ông được thanh thản những năm tháng cuối đời. Ông cũng chụp lại hàng chữ phía sau bức hình khi chưa bị thời gian kịp làm mờ và dò hỏi biết được đó là địa danh – có lẽ là địa chỉ làng quê – ngôi nhà của người lính Giải phóng.

Câu chuyện đã nhanh chóng được truyền thông Việt Nam và nước ngoài đưa tin. Sự luân lạc của bức hình và vết thương tâm lý hậu chiến như một đề tài thú vị, đã được một hãng thông tấn nước ngoài đưa thành tin hotnews và một tờ báo xuất bản ở Việt Nam mua, đăng lại với dòng chữ “Em là ai – Em bé Việt Nam?”.

Ngày thứ hai của cuộc hội thảo, ngay từ đầu giờ, vị giáo sư người Mỹ thông tin cho các thành viên tham dự, đã có những hồi âm nhiều tín hiệu vui, có tới ba người phụ nữ của vùng quê đó cho biết bé gái chính là mình. Cả ba đều có cha là Giải phóng quân, cùng bị “mất tích” – hy sinh ở chiến trường Đăk Tô ngày ấy. Làm sao xác định được ai mới chính là cô bé trong hình, khi cả ba người đều có nét hao hao và hiện tại họ cùng xấp xỉ tuổi 60 như nhau.

Vâng! Đó là một thách thức không hề dễ dàng gì, bởi không thể lấy khoa học huyết thống bằng ADN để chứng minh. Mà, chân dung của người Giải phóng quân qua mô tả của Michael thì rất mơ hồ, làm sao kịp nhìn rõ gương mặt, đặc điểm nhận dạng vào thời điểm sinh tử đó, để có thể biết là cha của ai trong ba người phụ nữ này. Bản thân họ cũng không có hình chân dung của cha họ thì rất khó đối chiếu. Có lẽ như một cố gắng “chữa lành” và để có sự kết giao trong việc hàn gắn các vết thương chiến tranh của cả hai bên, thông tin câu chuyện đã được chuyển cho Bộ Ngoại giao của hai nước Việt Nam và Mỹ, đồng thời cũng được chuyển cho hai Bộ Quốc phòng, tìm xem đơn vị nào của quân Giải phóng và Mỹ trực tiếp tác chiến vào thời gian ấy ở khu vực này.

Mất khá nhiều công sức sưu tra thông tin của nhiều cơ quan, đơn vị ở cả hai bên, đối chiếu các tài liệu lưu trữ, sau cùng thì phía Việt Nam đã cung cấp được ba chân dung phác họa về ba chiến sĩ “mất tích” trong trận chiến vào thời điểm đó. Tất cả được chuyển sang Mỹ cho người cựu chiến binh Michael nhận dạng. Lúc Michael mở email có chứa tập tin chân dung ba người Giải phóng quân, ông hồi hộp, có chút ngập ngừng. Cảm giác sẽ gặp lại người lính của đối phương mà mình bắn c h ế t bỗng dưng làm cho Michael sợ, một nỗi sợ mơ hồ không thể gọi tên.

Nhưng rồi ánh mắt của “Vietnamese Girl” trong khung ảnh để trên bàn như thôi thúc, giục giã, có cả như một van lơn rất thống thiết, Michael quyết định mở file. Ba chân dung người lính Giải phóng quân được vẽ theo trợ giúp của công nghệ AI, nhìn rất sống động, y như hình ảnh thật. Michael lần lượt nhìn kỹ từng chân dung, rồi nhắm mắt định thần lại, ông đưa tay cầu nguyện Chúa như một bám víu đức tin của mình, hãy giúp ông nhìn đúng chân dung cha của cô bé. Michael quyết định xem kỹ hơn, lâu hơn từng bức chân dung và như một linh cảm đặc biệt khi nhìn vào đôi mắt chân dung thứ hai, ông thấy rất quen thuộc, như thấy lại ánh mắt sau cùng của người Giải phóng quân, nhìn ông vừa như tha thứ, vừa như gừi gắm…

Michael trả lời là bức thứ hai. Cùng lúc đó, ông nhìn vào bức hình cô bé, có lẽ ông hoa mắt, lần đầu tiên ông cảm giác thấy nụ cười của cô.

4.

Thật nhanh, chân dung người Giải phóng quân số 2 đã được đưa về gia đình ba người phụ nữ để nhận dạng. Và, cũng rất nhanh, hay một điều may mắn đến kỳ lạ, vợ của người Giải phóng quân thứ hai, ngót 80 tuổi, từ khi nhận được tin chồng “mất tích”, bà cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, ngày nào cũng ra ngóng ngoài cổng nhà, bỗng như hồi sinh thần trí, nhìn hình nhận ngay ra chồng mình. Đúng là chồng, lúc đó anh mới chừng 30 tuổi, suốt hơn 50 năm nay vẫn trong hồ sơ “mất tích” nhưng bà và cô con gái luôn hy vọng chồng mình, cha mình sẽ trở về.

Rồi bà kể rất rõ ràng, bức ảnh cô con gái được chụp lúc bé lên 5 tuổi, cả nhà mang nhau ra thị trấn chụp ở cửa hiệu ảnh to nhất chợ, sau đó thì người cha lấy tấm hình con gái mang theo ra trận, còn hình ba người thì để ở nhà. Bà lật đật tới giường ngủ của mình, lấy ra một gói nhỏ để trong chiếc gối, mở mấy lớp giấy, sau cùng là một tấm hình cũng đã cũ – ba người, nhưng vẫn nhìn rất rõ nét mặt, người cha rất trùng khớp với tấm hình phục dựng và cô bé trong bức hình gia đình giống y hệt cô bé “Vietnam Girl”, cũng chiếc áo chấm hoa dâu li ti cổ lá sen. Một sự vỡ òa, vừa hạnh phúc, vừa đau đớn. Bà vợ ôm bức chân dung chồng khóc và giữ chặt, nhất định không đưa cho ai.

Tin cũng ngay lập tức được chuyển về cho Michael, ông vừa mừng, vừa thêm một nỗi lo, rồi làm sao đối diện với cô bé, với gia đình người Giải phóng quân. Ông quyết định trả lại bức ảnh cho gia đình cô gái, mà lúc này ông đã biết tên của cô – tên của một loài hoa dịu dàng – Cúc, bà Cúc. Bức hình đó cũng là kỷ vật cuối cùng của người cha, người chồng. Nhưng, cũng không thể gửi theo đường bưu điện, vạn dặm xa xôi, sợ thất lạc. Michael cảm thấy hơi bất an. Sau bao đắn đo, ông quyết định bay sang Việt Nam, trực tiếp gặp gia đình cô bé tạ tội, trả bức hình tận tay cô và tùy ý họ phán xử ông thế nào ông cũng chịu.

Tính ra gần 60 năm Michael mới trở lại Việt Nam, trở lại chiến trường xưa đầy kinh hoàng và tội lỗi đến ám ảnh từng giấc ngủ từng bữa ăn. Để ông an tâm, Lãnh sự quán cử người tháp tùng cùng đến nhà của cô bé và làm phiên dịch giúp ông. Trên đường đi, Michael cố quan sát và nhớ lại, nhưng tất cả đã hoàn toàn không còn gì gọi là chiến địa năm xưa. Có nơi đi qua là cánh đồng lúa xanh mướt, có nơi đi qua là một thị trấn đông đúc, hình như các dấu vết của chiến tranh đã thuộc về quá khứ trong ký ức. Mà, những người Việt Nam ông gặp trên đường lại rất thân thiện, hiền lành và ấm áp trong cảm nhận của ông, họ hướng ánh mắt, gật đầu chào cả hai người như với hai khách quý, mấy đứa trẻ con còn hét lên “Hello”, rồi đưa tay vẫy vẫy, miệng cười tươi.

Michael vẫn chưa hết sự căng thẳng, ông hồi hộp không hình dung ra cuộc gặp gỡ sẽ như thế nào, liệu người con gái của anh Giải phóng quân có tha thứ cho ông hay sẽ làm gì? Rồi, người vợ và những người trong gia đình anh sẽ đối xử với ông ra sao? Họ có nguyền rủa, hay đánh ông, xua đuổi ông?… Bao nhiêu cảm xúc ngổn ngang trong lòng Michael, nhưng có lẽ sự quyết tâm tạ lỗi, sẵn sàng chịu đựng sự trừng phạt – mà Michael thấy là rất đáng phải nhận – khiến ông cảm thấy tự tin hơn, nghĩ mình cứ chân thành và hối lỗi tự tâm mình. Ông được nghe nói, người Việt Nam bao dung, nhân hậu lắm, họ luôn muốn khép lại những hận thù, để hướng đến tương lai trong hòa bình, hữu nghị…

Càng gần tới nhà cô gái, Michael càng xao xác lo lắng, cố trấn tĩnh mà xem ra thật khó, người lúc nóng lúc lạnh. Không biết bao lần Michael đã tập nói những câu xin lỗi, hối lỗi và tạ lỗi bằng tiếng Việt đến cô gái và gia đình, nhưng lúc này gần như trống rỗng, không thể nhớ một câu nào.

5.

Ra đón hai người có lẽ là cả làng, rất đông. Xe vừa dừng lại, Michael đã cảm nhận đây chính là quê hương của người Giải phóng quân mà anh từng sống và cũng chính từ nơi này anh đã vào trận rồi không bao giờ trở lại. Có chút chùng chình, có chút ớn lạnh sợ hãi. Michael run rẩy, ông cố tình kéo dài thời gian, chưa mở cửa ra vội, nghĩ không biết họ có bị kích động mà nhào tới đánh chửi khi biết ông chính là người đã bắn c h ế t người thân của họ.

Nhưng, ngay lập tức, Michael nhận thấy nụ cười thân thiện của họ dành cho mình. Đặc biệt, ông để ý thấy một phụ nữ luống tuổi, đứng khiêm nhường bên gốc cây to, rợp mát, hướng ánh mắt đến ông, chạm vào cái nhìn, bỗng dưng ông nổi gai, nhũn hết người, đúng cái ánh mắt buồn mênh mông, buồn da diết đó nhìn ông hơn 50 năm nay trong nhà ông. Ông bươn bải tới bên người phụ nữ, nói thật chậm từng chữ bằng tiếng Việt. Để chuẩn bị cho chuyến đi tạ lỗi này, Michael đã học tiếng Việt, vì muốn nói những lời sám hối bằng tiếng Việt đến cô gái và gia đình người Giải phóng quân.

– Chào cô! Có phải là cô Cúc – bà Cúc?

Có một khoảnh khắc im lặng đến lạnh người. Nhưng rồi, một nụ cười thoáng qua đầy dịu dàng.

– Dạ. Tôi là Cúc. Là người trong bức hình.

Bỗng dưng, giống một luồng điện lạnh ngắt chạy dọc sống lưng, Michael gần như cứng người, không biết nói câu gì tiếp theo. Ông nhìn bà Cúc đầy bối rối. Có lẽ nhận ra những lúng túng có phần hoang mang và tội nghiệp của ông, bà Cúc ra dấu ông đi theo. Như một sự vô thức kỳ lạ, ông đi theo bà, đi líu ríu từng bước ngắn và sau ông là một hàng người làng rồng rắn, họ cũng tò mò nhìn ông, trong các ánh mắt đều khá hiếu kỳ và thân thiện, không vẻ gì đe dọa. Cũng không biết vì sao, ông lại cảm thấy bình an đến kỳ lạ, những nỗi sợ tan biến. Đi khoảng 100m thì đến nhà bà Cúc, một căn nhà lợp lá đơn sơ, nhưng thoáng mát.

Cúi đầu bước vào trong, Michael ngồi xuống ghế, ngay lập tức nhận ra gian giữa ngôi nhà, bàn thờ người Giải phóng quân khói nhang đang vướng vít quẩn quanh chiếc lư không tan đi. Bức hình phục dựng theo công nghệ AI đã được đóng khung để trang trọng trên bàn thờ, cạnh bên còn một tấm Bằng Tổ quốc ghi công. Michael vội đứng dậy, xin phép bà Cúc, xin phép bà vợ của người Giải phóng quân và gia đình, cho được thắp nhang tạ tội với ông, với gia đình.

Michael quỳ giữa nhà, hướng lên bàn thờ người Giải phóng quân, nhìn chăm chú vào chân dung ông, nói rất chậm bằng tiếng Việt. Xung quanh trước đó lao xao tiếng người thì giờ cũng im bặt. Có một khoảng lặng thiêng liêng.

– Tôi là Michael, hôm nay tôi đã đến đây, đến ngôi nhà của ông, thực hiện lời hứa mang tấm hình về trả lại cho con gái ông. Tôi ngàn lần xin lỗi vì đã gây ra sự biệt ly vĩnh viễn giữa cha con ông và người thân. Tôi đã tự chịu sự trừng phạt suốt từng ấy năm và ngày nào cũng nghĩ về tội lỗi của mình, ăn năn và sám hối. Chỉ mong ông và gia đình tha thứ cho tôi, cho tôi có được một chút thanh thản những ngày còn lại!

Nói xong, Michael cúi đầu lặng yên một lúc lâu. Tới khi ngẩng lên, nhìn thấy cô con gái – bà Cúc và người vợ khóc lặng, Michael không kìm nén được, bật lên tiếng khóc, khóc như một sự tẩy rửa tội lỗi, khóc như một sự ăn năn suốt hơn 50 năm. Hai mẹ con bà Cúc khi thấy Michael khóc, đã tới bên ôm lấy ông, vỗ nhẹ vào vai ông. Vâng! Họ đã tha thứ. Nỗi đau và lòng căm thù đã được hóa giải bằng sự bao dung nhân ái. Tất cả đã thành quá khứ và khép lại hận thù.

Michael nén cảm xúc, lấy trong chiếc túi nhỏ khung hình bé gái – nguyên gốc năm xưa, trao lại cho mẹ con bà Cúc. Nhìn hai mẹ con ấp tấm hình lên ngực, thêm một lần Michael lại khóc. Ông cảm nhận được sự khoan dung của họ, cảm nhận được sự nhân hậu của họ, đại diện cho những người Việt Nam.

Ngày hôm đó có lẽ là một trang mới trong cuộc đời Michael, ông như được hồi sinh bởi cất được gánh nặng tội lỗi hơn 50 năm. Không những thế, ông còn được gia đình bà Cúc cùng người làng đãi ông những món ăn làng quê Việt, giản đơn mà thấm đẫm tình, họ xem ông như một người bạn, để cùng nhau nhìn về tương lai.

Cho đến khi trở về nhà, Michael vẫn còn lâng lâng cảm xúc, vẫn luôn tự hỏi tại sao một đất nước Việt Nam có những con người hiền hòa như thế, ấm áp như thế, yêu thương sự bình yên, mà ngày trước ông và đồng đội lại sang đó để tước đoạt sự sống của họ, chia cắt tình thân của họ, hủy diệt sự yên bình của họ… Michael nhớ, trước khi tạm biệt ngôi nhà của người Giải phóng quân, ông đã thầm hứa, một lời hứa sẽ sống thật tốt để xứng với những tha thứ của người Việt Nam.

Và, nhất định ông sẽ mang câu chuyện này, câu chuyện về bức hình “Vietnamese Girl”- Bé gái Việt Nam, con gái người Giải phóng quân, kể cho bạn bè, đồng đội của mình, những cựu chiến binh Mỹ cũng từng bị ám ảnh tội lỗi, như một câu chuyện “chữa lành” những di chứng tâm lý hậu chiến tranh Việt – Mỹ.


Nguồn bài viết:
https://vnca.cand.com.vn/Truyen/con-gai-cua-nguoi-giai-phong-quan-i748123/