Kỹ năng chỉnh chiêng của đồng bào các DTTS

109

baokontum.com.vn

30/07/2023 06:53

Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang và tăng sức hấp dẫn, ngoài kỹ thuật đánh của các nghệ nhân thì kỹ năng chỉnh, sửa chiêng có ý nghĩa rất quan trọng, từ đó góp phần phát huy giá trị di sản của cồng chiêng Tây Nguyên.

Kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng là một thao tác kỹ thuật nhạc cụ truyền thống của đồng bào các DTTS, tương tự như việc khoét lỗ các ống sáo hoặc lên dây đàn để tạo cao độ. Khi phải thay thế, mua thêm một vài chiếc hoặc cả bộ, người ta phải tiến hành chỉnh âm các cồng chiêng mới cho phù hợp với thang âm cổ truyền của từng dân tộc, vùng miền. Hoặc theo thời gian, âm thanh của bộ cồng chiêng bị lệch chuẩn thì cũng cần phải căn chỉnh lại cho đúng.

145857Ch%E1%BB%89nh%20%C3%A2m%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20k%E1%BB%B9%20n%C4%83ng%20%C4%91%C3%B2i%20h%E1%BB%8Fi%20s%E1%BB%B1%20k%E1%BB%B3%20c%C3%B4ng%20v%C3%A0%20n%C4%83ng%20khi%E1%BA%BFu%20%C4%91%E1%BA%B7c%20bi%E1%BB%87t%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A1c%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n

Chỉnh âm cồng chiêng là một kỹ năng đòi hỏi sự kỳ công và năng khiếu đặc biệt của các nghệ nhân. Ảnh: H.T

 

Tại Kon Tum và một số vùng lân cận trong khu vực Bắc Tây Nguyên, theo các chuyên gia đánh giá, việc chỉnh, sửa âm cồng chiêng phong phú và đa dạng hơn một số nơi khác, phát triển hơn so với vùng Nam Tây Nguyên. Theo khảo sát, bộ cồng chiêng ở các DTTS trên địa bàn tỉnh có số lượng phong phú hơn, có thể từ 7 – 12 chiếc, tùy vào đặc trưng và sở thích của từng cộng đồng. Để gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, nhiều nghệ nhân gạo cội trong lĩnh vực cồng chiêng vẫn hàng ngày miệt mài, đam mê nghiên cứu việc chỉnh, sửa chiêng với mong muốn lưu giữ những tinh túy kỹ thuật cho thế hệ trẻ kế cận.

Bên mái nhà sàn, nghệ nhân cồng chiêng A Thui ở thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) hàng ngày vẫn miệt mài mở các lớp dạy đánh chiêng. Sau những giờ lên lớp, ông lại tỉ mẩn, chăm chút từng chiếc chiêng, chiếc cồng trong nhà của mình để điều chỉnh những chiếc bị lạc nhịp. Với đôi tay điêu luyện, ông vừa xoay, gõ chiêng bằng những dụng cụ chuyên dụng, tai thì ghé sát để cảm nhận âm thanh của từng chiếc một, trông rất kỳ công và điệu nghệ.

Nghệ nhân A Thui chia sẻ: “Chỉnh chiêng khá đơn giản nếu như nghệ nhân  biết say mê và “cảm” được chiêng, thành thạo đến từng âm sắc, tiết tấu của dàn cồng chiêng. Dụng cụ chỉnh chiêng theo truyền thống của chúng tôi đầy đủ gồm có các búa sắt nhỏ có các kích cỡ khác nhau, một cái dùi gỗ, một bộ đe cối để kê khi cần gò đều trên bề mặt cồng chiêng. Chỉnh chiêng không được vội vàng mà phải từ từ cảm nhận và tìm ra chỗ sai để sửa. Có những chiếc chiêng sửa rất nhanh nhưng cũng có những chiếc chiêng rất khó sửa, phải cần sự hợp sức của nhiều người và chỉnh mất nhiều ngày”.

Về bản chất, việc gò chỉnh âm thanh cồng chiêng là những thao tác có mục đích làm cho bề mặt nhạc cụ giãn ra hay co lại. Gò cho mặt chiêng cồng giãn ra tương tự như việc vặn chùng sợi dây đàn, sẽ làm cao độ hạ xuống. Còn ngược lại, làm cho bề mặt chiêng co lại cũng giống như việc vặn căng sợi dây đàn, sẽ làm cao độ nâng lên. Ngoài ra, một chiếc chiêng được xem là có âm thanh đẹp thì ngoài đạt chuẩn cao độ, còn cần phải được triệt tiêu những tạp âm.

150032D%C3%B9ng%20b%C3%BAa%20g%C3%B5%20v%C3%A0o%20m%E1%BA%B7t%20chi%C3%AAng%20%C4%91%E1%BB%83%20%C4%91i%E1%BB%81u%20ch%E1%BB%89nh%20cao%20%C4%91%E1%BB%99%20v%C3%A0%20%C3%A2m%20s%E1%BA%AFc

Dùng búa gõ vào mặt chiêng để điều chỉnh cao độ và âm sắc. Ảnh: H.T

 

Kỹ năng chỉnh chiêng đòi hỏi người nghệ nhân phải bỏ công nhiều và có năng khiếu đặc biệt. Theo các chuyên gia đánh giá, chỉnh chiêng là một công việc rất khó, không phải ai biết đánh cồng, chiêng là có thể chỉnh được. Nghệ nhân chỉnh chiêng ngoài đòi hỏi kỹ năng đánh chiêng giỏi, còn phải có đôi tai thẩm âm tốt, có niềm say mê cùng đôi tay khéo léo. Nhiều nghệ nhân khi chỉnh chiêng thường tập trung theo nhóm để hỗ trợ nhau, chỉnh được những chiếc chiêng cồng ưng ý nhất.

“Muốn chỉnh cho âm thanh của chiêng cao lên thì dùng búa hoặc dùi gỗ gõ vào mặt trong của chiêng theo một vòng tròn cho âm cao dần lên; còn muốn chỉnh cho âm thấp xuống thì gõ vào mặt ngoài của chiêng cho đến khi đạt yêu cầu. Tuy nhiên, với cách gõ này thì dễ bị làm cho mặt chiêng bị cong vênh, méo mó nên phải làm rất cẩn thận. Ngoài ra, còn có cách khác nữa là có thể mài bề mặt chiêng thành những đường lồi, lõm khác nhau cũng có thể thay đổi cao độ, âm thanh của chiêng. Đối với những trường hợp khó, tôi thường cùng các nghệ nhân chỉnh chiêng khác trong thôn theo nhóm khoảng từ 4 – 5 người để hỗ trợ nhau” – nghệ nhân A Thui chia sẻ.

Nghệ nhân A Hồi, ở thôn Nông Chả (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) là một trong những học viên xuất sắc tại lớp “Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum” được tổ chức vào tháng 6/2023 vừa qua. Với năng khiếu sẵn có, cùng các kỹ năng được học tại lớp học, A Hồi như “hổ mọc thêm cánh”, nâng kỹ năng chỉnh chiêng của mình lên một tầng cao mới.

Nghệ nhân A Hồi chia sẻ: “Trước khi các lễ hội truyền thống diễn ra, các nghệ nhân chỉnh chiêng trong làng lại tụ tập để cùng chỉnh sửa, gò nắn âm thanh các chiếc cồng chiêng cho chuẩn xác. Thường thì tôi sẽ là người trực tiếp gõ và điều chỉnh chiếc chiêng bị sai âm, các nghệ nhân khác sẽ dùng những chiếc chiêng đạt chuẩn âm đánh những giai điệu trong thang âm truyền thống của chúng tôi.  Tôi sẽ căn cứ vào đó mà điều chỉnh chiếc chiêng của mình đến khi âm thanh phát ra nghe hòa hợp với cả dàn chiêng là được. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi nghệ nhân phải có đôi tai cảm âm rất tốt thì mới làm được”.

145833C%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20sau%20khi%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20%C4%91i%E1%BB%81u%20ch%E1%BB%89nh%20s%E1%BA%BD%20ti%E1%BA%BFn%20h%C3%A0nh%20so%20%C3%A2m%20%C4%91%E1%BB%83%20%C4%91%E1%BA%A3m%20b%E1%BA%A3o%20%C4%91%E1%BA%A1t%20chu%E1%BA%A9n

Cồng chiêng sau khi được điều chỉnh sẽ tiến hành so âm để đảm bảo đạt chuẩn. Ảnh: H.T

 

Theo các chuyên gia nghiên cứu về cồng chiêng, đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên không tự chế tác ra cồng chiêng và mua các nhạc cụ này từ nhiều nguồn sản xuất khác nhau như của người Kinh, người Lào hay người Campuchia. Có những bộ mua nguyên từ một nguồn, song có những bộ lại được ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Nghề chỉnh âm cồng chiêng trong nội bộ các tộc người được nảy sinh theo nhu cầu kiến tạo nghệ thuật, họ tự tạo ra cho mình một “thang âm” riêng để tạo bản sắc riêng, phân biệt với các dân tộc khác.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Đối với các đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cũng như vùng Tây Nguyên nói chung, nghề chỉnh, sửa chiêng có vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại số lượng nghệ nhân am hiểu và có khả năng chỉnh âm cồng chiêng thành thạo không còn nhiều, không có lớp trẻ kế cận để truyền nghề. Trước thực trạng trên, thời gian qua, ngành Văn hóa cũng đã tiến hành nhiều hoạt động để gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng nói chung và nghề chỉnh chiêng nói riêng, các hoạt động sưu tầm, phục dựng các bài chiêng cổ, lễ hội truyền thống, mở nhiều lớp học dạy đánh chiêng… Đặc biệt, vừa qua, dự án “Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum” được tổ chức đã đạt được nhiều thành công, là tín hiệu vui cho chặng đường sắp tới, với nhiều dự án được triển khai nhằm khôi phục văn hóa cồng chiêng và lực lượng nghệ nhân chỉnh chiêng trên địa bàn tỉnh”.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/ky-nang-chinh-chieng-cua-dong-bao-cac-dtts-32048.html